xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mở ra cơ hội mới cho người lao động

GIANG NAM

Nâng cao vị thế của người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc bằng kiến thức, trình độ và tay nghề là góp phần làm đẹp hình ảnh đất nước

Sáng 18-12, Báo Người Lao Động tổ chức Tọa đàm "Nâng chất lượng, hiệu quả hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài" và lễ vinh danh "Doanh nghiệp (DN), đơn vị xuất khẩu lao động (XKLĐ) tiêu biểu năm 2024".

Hướng đến những thị trường tiềm năng

Phát biểu khai mạc chương trình, TS Tô Đình Tuân - Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, nhấn mạnh trong bối cảnh toàn cầu hóa mạnh mẽ như hiện nay, việc người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài không còn là điều xa lạ mà đã trở thành một xu hướng tất yếu, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho NLĐ. 

NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có cơ hội học hỏi và tiếp thu các kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất, dịch vụ. Nhiều lao động, sau thời gian làm việc ở nước ngoài, đã trở về và áp dụng những kiến thức và kỹ năng học được vào công việc tại quê hương, góp phần nâng cao năng suất lao động trong nước.

Tuy vậy, một trong những vấn đề lớn nhất của lao động Việt Nam là thiếu hụt về trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp; nhất là trình độ ngoại ngữ của người đi XKLĐ vẫn còn hạn chế, đặc biệt là ở các thị trường yêu cầu giao tiếp bằng tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Anh... Điều đó đặt ra nhiệm vụ phải làm sao nâng cao chất lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. 

"Chúng ta phải đầu tư thích đáng cho công tác đào tạo nghề, phát triển kỹ năng, ngoại ngữ cũng như cung cấp đầy đủ thông tin thị trường XKLĐ để nâng cao chất lượng lao động Việt Nam, từ đó mở ra những cơ hội mới cho NLĐ cũng như đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước" - TS Tô Đình Tuân nhấn mạnh.

Mở ra cơ hội mới cho người lao động- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan (giữa) và TS Tô Đình Tuân - Tổng Biên tập Báo Người Lao Động (bìa trái), chủ trì tọa đàm. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ông Nguyễn Bá Hoan, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), cho biết sau 3 năm thực hiện Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), hoạt động đưa NLĐ ra nước ngoài làm việc của nước ta chuyển biến tích cực, đi vào nề nếp và liên tục ghi nhận thành tích mới. Thời gian qua, bình quân mỗi năm Việt Nam đưa khoảng 150.000 NLĐ ra 40 thị trường nước ngoài làm nhiều công việc, ngành nghề khác nhau. 

"Đa số các DN dịch vụ được cấp phép thực hiện nghiêm chỉnh quy định của luật, đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, đầy đủ, phục vụ công tác đào tạo lao động trước khi phái cử. Nhiều DN cũng đã hướng đến những thị trường cao hơn, chú trọng chất lượng hơn số lượng và đưa được những lao động có trình độ, tay nghề cao ra nước ngoài" - ông Hoan chia sẻ.

Năm 2024, thị trường các nước tiếp nhận lao động có nhiều thuận lợi, đặc biệt là những thị trường truyền thống như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc. Bên cạnh những thị trường truyền thống đang dần đi vào ổn định, Bộ LĐ-TB-XH tiếp tục mở rộng và phát triển một số thị trường lao động có mức thu nhập cao và điều kiện làm việc tốt như: Úc, Canada, CHLB Đức, Hy Lạp, Hungary, Romania, Ba Lan, Nga, CH Czech, Phần Lan...

Đặt quyền lợi của NLĐ lên trên hết

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH cho biết hiện nhiều thị trường trọng điểm XKLĐ của Việt Nam cũng có nhiều chính sách thay đổi theo hướng yêu cầu cao hơn, khắt khe hơn về chuyên môn, tay nghề và ngoại ngữ. Vì vậy, công tác đưa NLĐ ra nước ngoài làm việc sẽ phải theo xu thế mới của quốc tế.

Ở góc độ của Bộ LĐ-TB-XH, bộ chủ động tham mưu cho Chính phủ rằng Việt Nam nắm bắt cơ hội với từng thị trường để tìm giải pháp nâng cao hiệu quả hợp tác, định vị lĩnh vực hợp tác lao động trong tổng thể quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam và từng đối tác. Nhưng phải dựa trên cơ sở đôi bên cùng có lợi và đặt quyền lợi NLĐ Việt Nam lên trên hết.

Ở khía cạnh DN, ông Đinh Thanh Bình, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hợp tác quốc tế Mai Linh, cho rằng vai trò của các DN phái cử lao động là rất quan trọng trong hành trình đi XKLĐ của NLĐ. Giai đoạn hiện nay, nguồn cung lao động không còn nhiều như trước do thị trường lao động trong nước khá sôi động, nhiều việc làm hơn. 

Tuy nhiên, ra nước ngoài làm việc vẫn là lựa chọn tốt hơn cho nhiều lao động bởi thu nhập cao hơn, khả năng tích lũy cả về kiến thức lẫn tài chính cũng tốt hơn. "DN phái cử như chúng tôi chỉ chọn những nghiệp đoàn, đối tác nước ngoài uy tín, công việc phù hợp với năng lực của NLĐ Việt Nam và thu nhập so với ở Việt Nam phải cao ít nhất gấp 3 lần" - ông Bình cho biết.

Nhiều ý kiến chia sẻ tại tọa đàm cho rằng việc nâng chất lao động đi XKLĐ hiện nay rất cấp thiết khi mà nhu cầu lao động chất lượng cao ngày một tăng. Đây là nhiệm vụ đòi hỏi sự chung tay của nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan. Tuy nhiên, vai trò quan trọng nhất vẫn nằm ở chính NLĐ.

Theo chị Ngô Thị Út Luân, Tổng Giám đốc Công ty CP K-Beauty Worldwide Việt Nam - người có 12 năm làm việc tại Hàn Quốc, khả năng ham học hỏi của NLĐ Việt Nam rất cao khi ra nước ngoài làm việc. 12 năm trước, chị Luân đến Hàn Quốc làm việc với con số 0 nhưng chỉ một thời gian ngắn, bằng nỗ lực tự thân, chị đã vươn lên trở thành quản lý. 

Về nước, chị Luân đã khởi nghiệp và gặt hái thành công. "NLĐ khi ra nước ngoài làm việc hãy có một tâm thế của một người đi học. Nước ngoài có nhiều thứ để học nên chỉ cần nỗ lực, vượt qua rào cản thì NLĐ Việt Nam sẽ thành công" - chị Luân bày tỏ. 

Vinh danh 8 doanh nghiệp, 2 đơn vị tiêu biểu

Tại chương trình, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Bá Hoan và TS Tô Đình Tuân - Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, đã tặng kỷ niệm chương, bảng chứng nhận cho đại diện 8 DN tiêu biểu đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài gồm: Công ty TNHH Esuhai; Công ty TNHH Hợp tác quốc tế Mai Linh; Công ty CP Cung ứng Nhân lực Quốc tế và Thương mại (SONA); Công ty CP Nhân lực Quốc tế SOVILACO; Công ty TNHH Đào tạo chuyển giao Lao động và Chuyên gia Haio (Haio Education); Công ty TNHH MTV Phát triển Nhân lực Tocontap Sài Gòn; Công ty CP Đầu tư Thương mại Quốc tế Sài Gòn Thiên Vương; Công ty TNHH Tập đoàn Quốc tế Sài Gòn (Sài Gòn Intergco).

Ban Tổ chức cũng trao bằng chứng nhận cho Sở LĐ-TB-XH tỉnh Long An và Ngân hàng Chính sách - Xã hội do làm tốt công tác hỗ trợ đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

ThS NGUYỄN KHÁNH CƯỜNG - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama2:

Đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế

Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama2 hiện đào tạo 7 nghề theo tiêu chuẩn của Đức và 3 nghề theo tiêu chuẩn của Pháp. Ngoài đào tạo, trường còn cung cấp các dịch vụ liên kết đào tạo với các DN đưa người đi làm việc ở nước ngoài.

Mở ra cơ hội mới cho người lao động- Ảnh 2.

Trường cũng có các dịch vụ về sát hạnh, đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế cho những đơn hàng ngắn hạn với người tốt nghiệp cao đẳng ở trường đi làm việc nước ngoài. Cơ hội NLĐ đi làm việc tại thị trường Đức nói riêng và châu Âu nói chung khá lớn. Hiện trường đang phối hợp với các DN của Đức để đào tạo theo yêu cầu của họ. DN của Đức sẽ tham gia chương trình đào tạo ngay từ đầu, hỗ trợ chi phí đào tạo tiếng, kỹ năng, tay nghề cho NLĐ. Sau đó, sẽ được các DN Đức tiếp nhận vào làm việc, được hưởng lương như người Đức. Đã có một số lao động đào tạo tại trường đi làm việc tại Đức và được phản hồi rất tốt. Điều này khẳng định chất lượng đào tạo của Việt Nam đủ sức làm việc tại những thị trường chất lượng cao ở nước ngoài.

Ông NGUYỄN ĐẠI TÁNH, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Long An:

Nguồn nhân lực có chất lượng

Sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và các cấp chính quyền trong tỉnh đã tạo nên "cú hích" XKLĐ trong thời gian qua. Nếu như năm 2020, Long An chỉ đưa được khoảng 500 lao động ra nước ngoài làm việc, năm 2023 là khoảng 800 lao động thì 11 tháng năm 2024, Long An đã đưa được gần 1.200 lao động ra nước ngoài làm việc, chủ yếu là Nhật Bản.

Mở ra cơ hội mới cho người lao động- Ảnh 3.

Hiện nay, ở các hoạt động xác tiến thương mại ở nước ngoài, tỉnh Long An cũng đưa phần xúc tiến hợp tác lao động ra nước ngoài vào. Đến nay, Long An đã ký kết hợp tác lao động với 3 địa phương của Nhật Bản và 2 địa phương của Hàn Quốc để đưa lao động thời vụ sang làm việc. Dù đẩy mạnh và mở rộng hợp tác đến đâu thì lãnh đạo tỉnh cũng đề cao quyền lợi của NLĐ. Bởi Long An xác định đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống mà còn xem nguồn lao động đi XKLĐ là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của tỉnh nhà. Khi trở về nước, nguồn lực này chính là nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng ngày càng cao của các DN trên địa bàn tỉnh.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo