Nvidia vừa chính thức tuyển dụng hàng loạt vị trí chủ chốt sau khi Chủ tịch Jensen Huang của tập đoàn đa quốc gia về chip trí tuệ nhân tạo (AI), có trụ sở tại Mỹ này tuyên bố Việt Nam sẽ là "quê hương" thứ 2 của tập đoàn. Bởi lẽ, ông đánh giá Việt Nam sở hữu rất nhiều lợi thế, trong đó có lực lượng kỹ sư phần mềm lớn thứ hai thế giới.
70% phải đào tạo thêm
"Chúng tôi tin rằng Việt Nam là nơi lý tưởng để Nvidia hình thành các trung tâm nghiên cứu và phát triển, xây dựng một hệ sinh thái AI mạnh mẽ" - ông Jensen Huang nhấn mạnh với báo chí Việt Nam.
Nvidia đang đẩy mạnh thu hút những kỹ sư phần mềm, nhà nghiên cứu và kỹ sư AI xuất sắc của Việt Nam. Cụ thể, đợt này, Nvidia cần các kỹ sư kiểm thử, phát triển sản phẩm cấp cao, quản lý cơ sở hạ tầng cho sản xuất hàng loạt, công nghệ thông tin (CNTT), chuyên viên lập kế hoạch nhà máy... Tập đoàn sẽ thúc đẩy một hệ sinh thái AI hoàn chỉnh với 3 yếu tố cốt lõi: cơ sở hạ tầng tiên tiến, chương trình đào tạo mạnh mẽ tại các trường đại học và sự phát triển startup AI.
Dù được tỉ phú hàng đầu thế giới đánh giá cao nhưng nguồn nhân lực CNTT của nước ta vẫn còn nhiều vấn đề đáng quan tâm. Theo Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), nước ta có khoảng 1,5 triệu nhân lực ngành CNTT đang hoạt động. Trong đó, khoảng 500.000 kỹ sư được đào tạo bài bản.
Mỗi năm, Việt Nam đào tạo thêm khoảng 50.000 nhân lực CNTT. Thế nhưng, trong số này, chỉ khoảng 30% làm việc được ngay sau khi ra trường; 70% còn lại vẫn phải thông qua quá trình đào tạo thêm để rèn giũa kỹ năng thực hành trước khi tham gia dự án thực tế. "Đây là điều đáng quan tâm của thực trạng nhân lực số tại Việt Nam" - ông Đỗ Thanh Bình, Giám đốc Hợp tác quốc tế VINASA, nhìn nhận.
Theo ông Bình, các doanh nghiệp (DN) công nghệ ở Việt Nam đang có nhu cầu tuyển dụng rất nhiều nhân sự về quản trị dự án công nghệ, dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ AI (nhất là gen AI tạo sinh) và an ninh mạng.
Giai đoạn 2024 - 2025, Việt Nam thiếu khoảng 150.000 - 200.000 nhân lực CNTT/năm. Giai đoạn 2025-2030, Việt Nam sẽ tăng 74% nhu cầu nhân lực về AI (20.000 chuyên gia/năm) liên quan lĩnh vực an ninh mạng và tăng 30%/năm các nhân sự liên quan công nghệ Blockchain (chuỗi khối).
Nhiều DN phản ánh nhân lực số hiện nay cần trang bị thêm kỹ năng mềm. Nhiều sinh viên mới ra trường còn bị động khi được giao nhiệm vụ, dự án hay sản phẩm nào đó.
Xu hướng tuyển dụng mới
Ông Phan Thanh Hiền, Giám đốc Sản phẩm và Công nghệ - Navigos Group, cho rằng tư duy "làm chủ" cũng rất quan trọng đối với đội ngũ nhân lực số. Theo ông, nhiều lao động trẻ có xu hướng cứ làm xong công việc của mình là trở về nhà nghỉ ngơi và hôm sau lại đi làm; không có định hướng làm chủ sản phẩm, tiến tới có thể làm leader (quản lý) trong DN.
"Công nghệ biến đổi từng ngày, người lao động cần phải học hỏi rất nhanh để có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển, bắt kịp xu hướng của thời đại. Từ đó, họ mới trở thành những kỹ sư, chuyên gia về công nghệ, đáp ứng nhu cầu của DN và thị trường lao động" - ông Hiền đánh giá.
Báo cáo mới đây của Chương trình Phát triển nhân tài số năm 2024 chỉ ra một xu hướng mới trong tuyển dụng. Theo đó, 80% người lao động cho rằng các nhà tuyển dụng đang chuyển từ việc chú trọng bằng cấp sang đánh giá các kỹ năng thực tế.
Chương trình nêu trên được Google phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) triển khai tại Việt Nam từ năm 2022, nhằm góp phần hỗ trợ nâng cao kỹ năng số cho nguồn nhân lực nước ta. Từ đó, giúp người lao động thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số, tiếp cận nhiều cơ hội nghề nghiệp mới của nền kinh tế số.
Ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc NIC, thông tin năm 2024, gần 7.000 học viên đã hoàn thành ít nhất 1 khóa học của chương trình và được cấp chứng nhận nghề nghiệp có giá trị toàn cầu của Google. Những người này sẵn sàng gia nhập lực lượng lao động chất lượng cao, giúp nâng cao năng lực cho thị trường lao động trong các lĩnh vực công nghệ số.
"Đến nay, chương trình đã cung cấp trên 60.000 suất học bổng tại Việt Nam với 10 khóa học, gồm: CNTT, phân tích dữ liệu, marketing (tiếp thị) số - thương mại điện tử, quản lý dự án, kinh doanh thông minh, an ninh mạng, thiết kế trải nghiệm người dùng và các kỹ năng cơ bản về AI" - ông Thịnh cho hay.
20.000 tỉ đồng đào tạo nhân lực phát triển công nghệ cao
Đề án Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025 - 2035, định hướng tới năm 2045 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Chính phủ có tổng kinh phí khoảng 20.000 tỉ đồng.
Đề án nhằm mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực trong các ngành khoa học - công nghệ - kỹ thuật và toán (STEM) có trình độ đại học, kỹ sư, thạc sĩ và tiến sĩ làm lực lượng nòng cốt của đội ngũ nhân lực công nghệ cao. Trong đó, chú trọng phát triển một số lĩnh vực công nghệ then chốt cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh như: CNTT và truyền thông, vi mạch bán dẫn, AI, tự động hóa, công nghệ sinh học, vật liệu tiên tiến và năng lượng xanh.
Bình luận (0)