icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Muôn mặt nghề giao hàng (*): Những nỗi niềm sau tay lái

Anh Vũ - Trần Thái

Không hợp đồng lao động, không lương cố định, không phúc lợi, họ vẫn bám nghề để nuôi gia đình và hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn

Trước đây, tôi cứ nghĩ shipper chỉ cần chạy chừng 8 giờ là đủ, không cần phải "bán mạng" ngoài đường thật nhiều. Những ngày làm shipper, tôi mới cảm nhận phần nào nỗi lo quay quắt về cơm áo gạo tiền của nhiều "đồng nghiệp". Dù mệt mỏi, shipper vẫn phải rong ruổi ngày đêm bởi sau lưng họ còn có nhiều người cần được nuôi dưỡng, chăm sóc.

Một người chạy xe, nuôi 3 miệng ăn

Không lương, không có phúc lợi gì, shipper chạy bữa nào ăn bữa đó. "Chạy nhiều thì đơn mới "nổ" nhiều, mới đủ lo cho gia đình. Mưu sinh mà, biết bao người thất nghiệp, mình có cuốc xe chạy là may mắn lắm rồi" - một "đồng nghiệp" trả lời khi tôi hỏi vì sao lại chạy mỗi ngày hơn chục giờ như thế.

Muôn mặt nghề giao hàng (*): Những nỗi niềm sau tay lái - Ảnh 1.

Với shipper, “đường là nhà, xe là giường”. Trong ảnh: Một shipper tìm nơi nghỉ ngơi trong khi chờ “nổ” đơnẢnh: ANH VŨ

Ông Đức Minh (54 tuổi) có con gái đang học đại học năm thứ 2. Hằng tháng, ông phải kiếm đủ tiền để nuôi con ăn học. Ông ở trọ tại TP HCM, mỗi tháng phải đến bệnh viện thăm khám, mua thuốc… Trăm thứ tiền phải lo nhưng ít khi thấy ông buồn.

"Chỉ một lần vào cuối năm 2024, tự dưng app của tôi ít "nổ" cuốc. Tôi dành dụm mãi mà chưa đủ tiền gửi cho con. Nói ra thì sợ con buồn, không chuyên tâm học hành. May mắn được một đồng nghiệp thương tình cho vay đỡ, tôi nhẹ dạ hẳn" - ông Minh kể.

Muôn mặt nghề giao hàng (*): Những nỗi niềm sau tay lái - Ảnh 2.

Chị Phương Huyền chạy shipper chắt chiu từng đồng .Ảnh: TRẦN THÁI

Một số shipper cho biết chạy càng lâu thì tỉ lệ nhận cuốc cũng thấp hơn do hệ thống thường ưu tiên cho những người mới gia nhập. Bên cạnh đó, thất nghiệp nhiều, không ít người tìm đến nghề shipper như giải pháp tạm thời, khiến tỉ lệ "nổ" cuốc giảm hẳn.

Chuyện ăn uống của shipper cũng vất vả không kém vì thời gian ăn trưa, ăn tối là lúc thường "nổ" nhiều đơn nhất. Trong số shipper tôi gặp, chị Ngân (36 tuổi) khiến tôi rất ấn tượng bởi chị chạy "điên cuồng", tỉ lệ nhận cuốc đến 100%, bất chấp đơn hàng xa cả chục km với tiền công chỉ hơn 20.000 đồng.

"Giờ có việc làm đã là may, nên tôi không chừa đơn nào. Cứ tích tiểu thành đại, mười mấy ngàn một chuyến mà chạy được chục cuốc thì hơn cả trăm ngàn" - chị Ngân giải thích.

Mỗi ngày chị Ngân bắt đầu công việc từ 7 giờ và kết thúc khi đã tối muộn. Chị ăn uống cũng rất qua loa, vừa ăn vừa chờ "nổ" cuốc. Có lúc chị chạy 2-3 cuốc mới ăn hết ổ bánh mì. "Tôi còn nuôi 3 miệng ăn ở quê, gồm chồng và 2 con nhỏ. Chồng lười biếng lại hay bệnh vặt, chỉ ngồi trông chờ vợ gửi tiền về. Bởi vậy, tôi chạy được bao nhiêu tiền cũng hết. Nói thiệt, tôi rất thích trời mưa, dù phải chạy giữa trời mưa lạnh nhưng đơn thường "nổ" nhiều, phí chạy cũng cao hơn" - chị Ngân tâm sự.

Giấc mơ một gia đình trọn vẹn

Chị Phương Huyền từ miền Trung vào TP HCM học kế toán, ôm giấc mơ giản dị có một công việc ổn định, lập gia đình, sinh con và sống yên bình. Bây giờ, ở tuổi 36, chị vẫn miệt mài chạy xe công nghệ, chắt chiu từng đồng để có tiền… kiếm đứa con.

Mỗi sáng, chị Huyền tự dặn mình: "Hôm nay phải đủ 350.000 đồng". Đó là con số chị tính kỹ: 200.000 đồng tiền trọ/ngày; 100.000 đồng tiền ăn, xăng, điện thoại; còn lại 50.000 đồng để dành cho hành trình điều trị hiếm muộn.

Chị Huyền từng làm kế toán, từng ngồi văn phòng có máy lạnh nhưng nghỉ việc, rồi được người quen xin giúp một chân tạp vụ ở trường mầm non. Sau 1 năm thấy không hợp, chị quyết định dừng lại.

Chuyển sang làm tài xế xe ôm công nghệ là một quyết định nhiều trăn trở của chị Huyền. Không ít khách thấy tên nữ tài xế hiện trên app liền vội vã hủy đơn. Có người thẳng thừng: "Trời mưa mà "bắt" phải tài xế nữ, chạy nổi không?".

"Ban đầu tôi cũng tự hỏi vậy. Trời mưa gió, xe loạng choạng, tay cầm lái mà tim đập thình thịch. Nhưng tôi không có lựa chọn khác mà phải bám công việc này" - chị Huyền nói, giọng đều đều, ánh mắt chất chứa sự quyết tâm sau lớp kính mờ mưa bụi.

Huyền không than nghèo, chị sống có kế hoạch, có kỷ luật. Mỗi ngày chị đều đặt ra chỉ tiêu nhưng có những hôm, tiền dành dụm chưa kịp cất đã "bay" theo một hành động tử tế bất chợt, như lần gặp ông cụ bán vé số ở góc chợ Bà Chiểu. Cụ 72 tuổi, răng rụng gần hết nhưng nụ cười luôn nở trên môi. Thấy cụ ngồi co ro bên vệ đường bán vé số để nuôi cháu, chị Huyền lặng người: "Cụ giống y như ba tôi ở quê…". Chị mua 5 tờ vé số, rồi đến xe nước kế bên, dúi 30.000 đồng: "Em mua nước ép dưa hấu cho ông cụ ngoài kia".

Dù cuộc sống còn thiếu thốn, chị Huyền vẫn nuôi giấc mơ về một gia đình trọn vẹn. "Tôi và chồng đang cố gắng có con" - chị thổ lộ. Có thể ngày mai trời vẫn mưa, xe vẫn chòng chành giữa dòng người vội vã, song người phụ nữ ấy vẫn bám tay lái, như cách chị bám lấy giấc mơ về một gia đình có đầy đủ vợ chồng và một đứa trẻ ra đời từ lòng kiên nhẫn, suốt 17 năm nay.

Khi bị "bom", lúc được "bo"

Với nhiều người, shipper là một nghề nghiệp nghiêm túc do đã quen việc, thu nhập tương đối ổn định, có sức khỏe đi làm là có tiền.

Một ngày giữa tháng 6-2025, anh Văn Tú (36 tuổi) cầm chục túi trà sữa đi giao cho khách. Tới nơi, nhìn những "thượng đế" trạc tuổi con gái mình đang cười đùa, túm tụm "tám" chuyện, anh bỗng nhớ con da diết. Đây không phải là lần đầu anh cảm thấy như vậy. 3 năm rời quê đến TP HCM làm việc, anh luôn cố gắng làm thật nhiều tiền để gửi về quê nuôi con. "Con gái tôi rất ngoan, là động lực để tôi bám trụ với nghề này" - anh tâm sự.

Những ngày làm shipper, chúng tôi quen anh Tuấn (30 tuổi) và vợ là chị Thu (23 tuổi, cùng quê tỉnh Vĩnh Long). Họ có một đứa con 2 tuổi, thuê trọ ở TP HCM. Mỗi ngày, họ dậy sớm, gửi con rồi mỗi người một ngả, bật app chờ "nổ" đơn. Hôm nào gặp khách khó chịu, bị "bom" hàng, họ chia sẻ, động viên nhau.

"Không phải khách nào cũng vậy. Có khách thương còn "bo" thêm tiền nên mình cũng thấy vui, đỡ mệt. Mỗi tháng chúng tôi chi tiêu tằn tiện cũng dư được một ít, để dành sau này nuôi con ăn học. Tôi chỉ nghĩ cứ "cày" nhiều thì có tiền, không tính chuyện kiếm việc khác. Vợ tôi thì chạy ít hơn, được vài đơn thì về cơm nước, chăm con" - anh Tuấn trải lòng.

Ông Phúc Nghĩa (48 tuổi) có thâm niên nhiều năm làm nghề shipper. Trước đây, ông chỉ giao nhận hàng tự do. Cách đây 5 năm, nhận thấy nghề giao hàng tự do sụt giảm mạnh, ông chuyển sang làm shipper giao hàng cho công ty công nghệ.

"Phải đóng phí thuế nhưng có đơn hàng đều. Mưu sinh bằng nghề chính đáng, kiếm tiền từ mồ hôi công sức nên tôi không e dè việc gì. Shipper cũng là một nghề đáng quý. Tôi chỉ mong có sức khỏe vì không có lương, không được đóng bảo hiểm xã hội, những hôm trái gió trở trời, ốm đau không thể chạy thì sẽ bị app đánh giá là không chuyên cần, "nổ" cuốc ít hơn" - ông Nghĩa bày tỏ.

Không riêng gì ông Nghĩa, hiện trong giới shipper có rất nhiều người từng là công nhân. Do thất nghiệp, họ chọn làm shipper để có kế sinh nhai rồi dần dà xem đây là công việc chính. "Làm shipper cứ chạy ngoài đường, gặp đủ thứ chuyện nhưng nếu chịu "cày" thì mỗi tháng cũng được 13-15 triệu đồng, đủ đóng tiền trọ, mua sữa cho con" - anh Tấn Linh (26 tuổi, từng là công nhân sơn) tâm sự.

Nhiều shipper chia sẻ nghề này đòi hỏi di chuyển thường xuyên trên đường, dễ gặp rủi ro tai nạn giao thông, cướp giật hay đối mặt nguy cơ bị hành hung cùng nhiều áp lực khác song họ lại không có lương cố định, bảo hiểm, phúc lợi kèm theo, không được bảo vệ bởi Luật Lao động. Tuy vậy, với nhiều người, họ bám trụ nghề shipper là để có tiền nuôi gia đình và mong ước nếu có điều kiện sẽ chuyển sang nghề khác nhẹ nhàng hơn. 

(Còn tiếp)

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 2-7

Thêm 1 shipper bị hành hung

Công an phường Hưng Đạo, TP Hải Phòng ngày 3-7 cho biết đang xác minh vụ việc một nam shipper bị đánh đến nhập viện. Trước đó, mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại hình ảnh nam shipper này đang ngồi xếp hàng hóa trong kho thì bất ngờ bị một người đàn ông hành hung.

Theo chị T.T.L, Phó quản lý kho hàng của Công ty TNHH MTV Chuyển phát nhanh Thuận Phong (J&T Express), sáng 30-6, khi anh N.V.V (SN 2002) đang kiểm hàng cùng các shipper khác thì bị thanh niên tên H. xông vào hành hung. Người này chỉ dừng tay khi nhân viên và quản lý kho hàng ngăn cản.

Anh V. cho biết H. thường xuyên thanh toán tiền hàng chậm. Trước khi vụ việc xảy ra, anh V. giao hàng trị giá hơn 900.000 đồng đến H. và đề nghị chuyển tiền nhưng anh ta chưa chuyển. Anh V. không giao hàng mà mang về nên bị H. tìm đến tận kho hàng hành hung.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo