Theo thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tháng 1-2024, xuất khẩu đạt 33,6 tỉ USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2023. Xuất khẩu tăng mạnh nhờ động lực từ 2 nhóm ngành chính là nông, lâm, thủy sản và công nghiệp chế biến; tăng lần lượt gần 97% và 38%. Tại TP HCM, một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực truyền thống như dệt may, da giày, gỗ bắt đầu có đơn hàng ngắn hạn trở lại.
Trong khi đó, lĩnh vực xuất khẩu nông sản tiếp tục là điểm sáng. Chưa bao giờ xuất khẩu cà phê của Việt Nam có giá tốt như hiện tại, cũng chưa bao giờ xuất khẩu gạo "lên ngôi" như hiện nay, xuất khẩu sầu riêng thì chưa bao giờ tăng cao đột biến về sản lượng lẫn giá cả như hiện nay…
Lạc quan là vậy, tuy nhiên, tổng thể năm 2024, thị trường xuất khẩu được dự đoán tiếp tục khó khăn. Năm nay, các DN tiếp tục chịu áp lực lớn về chi phí đầu vào do xung đột Nga - Ukraine và Israel - Hamas đã đẩy chi phí logistics tăng cao, tác động dây chuyền làm giá thành của DN tăng. Mặt khác, cầu của thế giới vẫn đang bị tác động bởi suy thoái, nhiều thị trường đang chựng lại và không có tăng trưởng.
Bối cảnh hiện tại đặt ra yêu cầu đối với Việt Nam là phải duy trì và phát huy đà phục hồi tăng trưởng xuất khẩu đang có. Muốn vậy, cần phải tiếp tục đầu tư quy hoạch vùng trồng, kiểm soát chất lượng hàng hóa xuất khẩu, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm nông sản. Cùng với đó là đẩy nhanh việc hình thành các sàn giao dịch hàng hóa, tiến đến giao dịch minh bạch, rõ ràng, giảm thiểu các tầng nấc trung gian…
Một giải pháp khác là thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao. Một DN sản xuất điện thoại vào đầu tư ở Việt Nam sẽ kéo theo các ngành sản xuất bao bì, chi tiết linh kiện… trong nước. DN này xuất khẩu những chiếc điện thoại hoàn chỉnh ra nước ngoài, vừa góp phần tạo công ăn việc làm vừa đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu chung.
Về công tác thị trường, cần củng cố và gia tăng lợi thế cạnh tranh ở những thị trường truyền thống như châu Âu, Nhật, Mỹ… Song song đó là tập trung khai phá những thị trường mới như Nam Mỹ, Trung Đông và Ấn Độ. Đây là những thị trường ngách rất tiềm năng mà chúng ta cần hướng tới.
Thực tế đáng buồn hiện nay là đa phần nông sản Việt Nam đang phải xuất khẩu dưới dạng sản phẩm thô về đóng gói, bán ra thị trường theo thương hiệu của nhà nhập khẩu. Để thay đổi, DN phải xây dựng năng lực cạnh tranh cốt lõi, phát triển nguồn hàng cho xuất khẩu, tạo sự khác biệt về chất lượng, hàm lượng giá trị gia tăng… để khẳng định thương hiệu.
Trong công tác xúc tiến thương mại cũng phải tập trung, kiên trì xây dựng thương hiệu. Mỗi tỉnh thành, địa phương phải có sự vào cuộc của ngành công thương, cơ quan xúc tiến, có hướng dẫn hỗ trợ và DN xây dựng thương hiệu ở thị trường trong nước trước khi tiến ra thị trường quốc tế.
Làm được những điều này, kết hợp với tận dụng tốt cơ hội mở cửa thị trường, xuất khẩu Việt Nam sẽ không khó để chinh phục mục tiêu tăng trưởng 6% trong năm 2024.
Thanh Nhân ghi
Bình luận (0)