Chuyến đi cuối tháng 6-2024 vừa qua, tôi được tham quan Xứ Tiên Farm (thôn Vinh Quang, xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) - nông trại đang áp dụng thành công việc ứng dụng vi sinh vật bản địa trong trồng trọt và chăn nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất, kinh doanh, do ông Bùi Ngọc Châu làm chủ.
Đam mê nông nghiệp hữu cơ
Tốt nghiệp kỹ sư ngành công nghệ thông tin, mặc dù có việc làm tại TP HCM nhưng niềm đam mê phát triển nông nghiệp hữu cơ truyền thống, thôi thúc ông Châu rẽ hướng sang sản xuất nông nghiệp.
Từ quê hương Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, ông Châu đến Đà Lạt thuê đất trồng rau và hoa. Trong một chuyến đi khảo sát, ông Châu mua được mảnh đất và bắt đầu thực hiện ước mơ mở rộng sản xuất. Xã Hoài Đức, diện tích đất trồng trọt còn nhiều, lại được sự hỗ trợ của chính quyền và bà con địa phương, nên rất phù hợp để ông Châu áp dụng những nghiên cứu của mình vào thực tiễn. Năm 2017, ông Châu đã chuyển cả gia đình về đây sinh sống, nơi đây trở thành quê hương thứ hai.
Để có được thành công hôm nay, ông Châu đã trải qua một thời gian kiên trì, bền bỉ nghiên cứu thực nghiệm tại huyện miền núi Tiên Phước. Sau khi nghỉ việc về quê, ông đã lặn lội vào rừng tìm kiếm vi sinh vật bản địa phù hợp với thổ nhưỡng khí hậu; phân lập nuôi cấy rồi nhân giống các loại có lợi cho cây trồng, vật nuôi.
Ngay thời điểm đó, ông đã sử dụng vi sinh vật có lợi để xử lý phân và mùi hôi cho việc nuôi gia cầm, làm đệm lót sinh học cho đàn heo. Từ thành công bước đầu, ông Châu đầu tư sản xuất và cung cấp ra thị trường các sản phẩm vi sinh vật như men, chế phẩm thảo mộc trị nấm, bột cá lên men, phân bón vi sinh… bón cho các loại cây trồng nhằm tăng độ phì nhiêu cho đất canh tác; giảm thiểu sâu bệnh mà vẫn cân bằng, đa dạng hệ sinh thái, không làm hư hại cấu trúc của đất.
Ông Châu còn tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho nhiều hộ nông dân phát triển sản xuất, chăn nuôi. Có lẽ từ kỷ niệm gắn bó ngày đầu với quê hương, nên khi vào huyện Lâm Hà để mở rộng sản xuất với quy mô lớn, ông đã đặt tên cho nông trại của mình là Xứ Tiên Farm.
Đến vùng đất mới, với kiến thức đã học, lại giỏi về công nghê thông tin, ông Châu tiếp tục nghiên cứu những thành tựu công nghệ vi sinh trong canh tác nông nghiệp hữu cơ. Sau thời gian dài kiên trì thử nghiệm, ông đã áp dụng thành công vào nông trại của mình và hướng dẫn cho bà con nông dân ở huyện Lâm Hà và nhiều vùng miền trên cả nước.
Yêu đất, giúp người
Khác với những nông trại khác, thường lạm dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, nông trại của ông Châu chủ yếu sử dụng phân hữu cơ tự sản xuất từ phân bò, đạm cá biển, vỏ cà phê, vỏ mắc ca, mùn đáy sông suối kết hợp với men vi sinh bản địa do ông tự sản xuất để chăm sóc cây trồng. Nông trại của ông Châu có cả phân xưởng sản xuất đạm cá biển thông qua việc tận dụng lên men, tinh chế phụ phẩm biển như: đầu, vây, ruột, xương cá…
Với mô hình kết hợp BVACRR: biển - vườn - ao - chuồng - ruộng - rừng, nông trại của ông có đầy đủ các yếu tố an toàn sức khỏe con người, bảo vệ được môi trường theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững. Nhiều nông dân ở huyện Lâm Hà gọi ông là "Người yêu đất" quả không ngoa. Đi qua những khu vườn trồng rau, hoa, cà phê của ông, chúng tôi thấy đất đai màu mỡ, cây cối xanh tươi tự nhiên dù đã qua nhiều năm khai thác. Từng luống rau đang được chăm tưới, bón phân hữu cơ nên xanh tươi mơn mởn.
Để loại bỏ sâu bệnh, rầy rệp, ông Châu còn dùng than hoạt tính tận dụng từ xưởng sấy cà phê, chế biến đạm cá để bón cho cây trồng. Ông Châu giải thích: "Quá trình cây sinh trưởng thải ra khí độc, than hấp thu khí độc tạo thành loại khí có lợi, giúp cây phát triển. Bón phân hữu cơ kết hợp than hoạt tính, đất càng tăng độ phì nhiêu và không gây ô nhiễm môi trường. Việc bổ sung các dưỡng chất hữu cơ và vi sinh vật sẽ khôi phục, bảo vệ hệ sinh thái đất".
Hiện nông trại của ông Châu tạo việc làm theo thời vụ và thường xuyên cho hơn 20 lao động; mức lương thấp nhất 7 triệu đồng/tháng, cao nhất là 12 triệu đồng/ tháng. Ông Châu còn hỗ trợ vốn, cây giống, con giống, kỹ thuật, tạo điều kiện cho những hộ nông dân có đất để họ sản xuất, kinh doanh phấn đấu vươn lên thoát nghèo.
Sau gần 10 năm xây dựng, nông trại của ông Châu đã phát triển bề thế. Hiện tại, gia đình ông Châu có hơn 4 ha đất, trong đó 1,5 ha trồng rau hữu cơ; 2,5 ha trồng cà phê hữu cơ. Trong nông trại có đầy đủ ao cá, trại nuôi heo rừng lai, vườn ươm giống… Phân xưởng sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh của ông doanh thu hơn 500 triệu đồng/tháng. Mỗi năm ông xuất bán khoảng 350 tấn đạm nước lên men từ phụ phẩm cá biển.
Từ mô hình nông trại của ông Châu, nhiều hội viên nông dân ở huyện Lâm Hà đã mạnh dạn chuyển đổi, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hữu cơ. Với tinh thần sáng tạo và tự lực vươn lên, ông Châu là tấm gương điển hình trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi" - bà Lê Thị Thu Trang, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, nhận xét.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!