Nhiều tranh luận trước quan điểm của một bài viết trên mạng xã hội khi cho rằng "sau 35 tuổi mà còn gửi hồ sơ đi xin việc là một sự thất bại". Phóng viên Báo Người Lao Động đã trao đổi với ông Nguyễn Thành Tài, Giám đốc Nhân sự Công ty CP Đại Đồng Tiến (quận 5, TP HCM), về vấn đề này.
* Phóng viên: Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Ông NGUYỄN THÀNH TÀI: Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng. Thay vì tranh cãi ai đúng ai sai, hãy xem đây là một lời cảnh báo với những ai rơi vào trường hợp này. Có những người tôi biết ổn định cả chục năm với một vị trí, thu nhập tăng đều, bỗng sụp đổ trong vài tháng, đẩy thu nhập về 0 mà trở tay không kịp. Mọi thứ đều có thể xảy ra, nhất là thời điểm kinh tế toàn cầu biến động như hiện tại.
Với kinh nghiệm gần 20 năm trong lĩnh vực tuyển dụng, tôi thấy rằng năng suất của lao động nữ tốt nhất từ 20-30 tuổi, còn đỉnh cao năng suất ở nam từ 20-40 tuổi, sau 40 là giai đoạn thăng tiến. Hơn nữa, người sau 35 tuổi, tuyển vào rất khó đào tạo vì họ làm việc theo lối mòn. Hiện nay, các doanh nghiệp (DN) đều muốn tuyển lao động trẻ, nhiệt huyết, dễ hấp thụ cái mới và đương nhiên mức lương thấp hơn.
* Cơ hội cho người lao động sau 35 tuổi rất mong manh?
- Sau 35 tuổi rải CV (hồ sơ) tìm việc không có gì sai. Tuy nhiên, người lao động ở độ tuổi cần tạo thế mạnh cho bản thân để được DN trọng dụng. Tôi tin rằng mỗi người đều có thể tìm được nơi làm việc phù hợp, kể cả khi đã nghỉ hưu. Ứng tuyển công việc là quá trình giữa ứng viên và nhà tuyển dụng nên không có ai dưới cơ ai, đơn giản chỉ là sự phù hợp. Có người 35 tuổi vẫn muốn chuyển nghề và họ sẵn sàng chấp nhận rủi ro về lương bổng.
Ưu điểm của NLĐ trong độ tuổi 35 là kinh nghiệm thực chiến và khả năng chịu được áp lực cao. Vì vậy, khi được hỏi có "sẵn sàng tuyển những ứng viên trong độ tuổi 30-35 không", phần đông các nhà tuyển dụng đều đồng ý. Tuy nhiên, nhà tuyển dụng cũng nhấn mạnh rằng những người ở tuổi 35 phải vượt qua định kiến độ tuổi, chứng minh mình phù hợp với vị trí tuyển dụng thông qua thái độ và năng lực làm việc.
* Lời khuyên của ông dành cho đối tượng này là gì?
- 35 tuổi chỉ là một con số, không có bất kỳ quy tắc nào quy định 35 tuổi thì phải thế này thế kia. Đừng nghĩ rằng 35 tuổi là không được học, không được bắt đầu một thứ gì đó từ đầu. Như ông Nhậm Chính Phi (Tổng Giám đốc Tập đoàn công nghệ Huawei - Trung Quốc) bắt đầu kinh doanh khi đã 43 tuổi, bà Đổng Minh Châu (Chủ tịch Tập đoàn Gree Electric - Trung Quốc) 35 tuổi vẫn là nhân viên hành chính tại Viện Công nghệ hóa chất, hay ông Joe Biden đến 80 tuổi mới trở thành Tổng thống nước Mỹ…
Vì thế, NLĐ trên 35 tuổi phải tự nâng cấp bản thân bằng cách học hỏi từ công việc, đồng nghiệp, xã hội... Đặc biệt, đây là thời đại của công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI), lao động trẻ có ưu thế nắm bắt và thực hành nhanh, còn lao động lớn tuổi vẫn dù chậm hơn nhưng không được "đứng ngoài cuộc chơi". Chỉ có học, thích nghi, NLĐ mới tránh được nguy cơ bị đào thải.
Do vậy, việc tranh cãi đúng sai về "sau 35 tuổi mà còn gửi hồ sơ đi xin việc là một sự thất bại" tôi cho rằng nội dung này "cảnh tỉnh" giới trẻ, tránh trường hợp bước đến tuổi 35 mà vẫn chênh vênh.
Bình luận (0)