Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Ngãi, tính đến tháng 10-2024, toàn tỉnh có 204 sản phẩm đạt OCOP 3-4 sao (gồm 17 sản phẩm 4 sao và 187 sản phẩm 3 sao). Đặc biệt, có 2 sản phẩm du lịch đạt OCOP gồm Điểm du lịch Thành Cổ Quảng Ngãi đạt OCOP 4 sao và Công viên di sản Làng Gò Cỏ đạt OCOP 3 sao. 13/13 huyện, thị xã, thành phố đều có sản phẩm OCOP.
Trong nhiều năm qua, tỉnh Quảng Ngãi đã chú trọng, đầu tư phát triển chất lượng các sản phẩm OCOP, giúp người nông dân nâng cao giá trị của các mặt hàng nông sản. Chương trình OCOP khuyến khích các địa phương tập trung phát triển những sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của từng vùng, tạo nên sự khác biệt và gia tăng giá trị cho sản phẩm.
Đáng chú ý, qua rà soát các sản phẩm OCOP đạt tiêu chí của Bộ NN&PTNT đưa ra, Sở NN&PTNT Quảng Ngãi vừa đăng ký 10 sản phẩm tham gia quảng bá, giới thiệu ở một số hệ thống phân phối tại thị trường Mỹ.
Cụ thể, sản phẩm mạch nha Quảng Ngãi-đường Mantoza (OCOP 4 sao); nấm linh chi (OCOP 4 sao); muối hầm, muối tre SAHU, hoa muối (OCOP 4 sao); hàng thủ công mỹ nghệ từ vỏ quế, tinh dầu quế (OCOP 4 sao); tỏi đen cô đơn, tỏi Lý Sơn (OCOP 4 sao, HACCP), cao tỏi đen (OCOP 3 sao).
Cùng với việc đưa ra nhiều giải pháp nâng tầm giá trị sản phẩm OCOP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các tổ chức, đơn vị có liên quan nâng cấp và hoàn thiện 3 sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng đạt 4 sao, gồm: mạch nha Quảng Ngãi - đường mantoza của Nhà máy Nha, Chi nhánh Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi; tỏi Lý Sơn và tỏi đen cô đơn của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Phú Sinh lên sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao cấp Trung ương gắn với nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Không những có sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương, các Hợp tác xã, doanh nghiệp có sản phẩm OCOP cũng được đổi mới, sáng tạo để nâng cao chất lượng, tiếp cận thị trường xuất khẩu.
Tại Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh nấm Đức Nhuận (huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) thành lập năm 2011, nơi đây được biết đến là cơ sở đầu tiên trồng nấm linh chi có quy mô lớn tại Quảng Ngãi.
Sản phẩm nấm linh chi được sản xuất với phương pháp hiện đại, đạt chuẩn 3 không: không chất kích thích tăng trưởng, không sử dụng phân bón hóa học, không sử dụng chất bảo quản.
Hiện HTX này đang sở hữu 10 dòng sản phẩm, trong đó có 8 sản phẩm đạt OCOP gồm: nấm linh chi là sản phẩm OCOP 4 sao; 7 sản phẩm OCOP 3 sao cũng là nấm hoặc làm từ nấm như: nấm bào ngư, bột nêm từ nấm bào ngư, khô sợi bào ngư, rượu linh chi, trà linh chi hạt sen…
"Từ khi được công nhận OCOP, sản phẩm được nhiều người tiêu dùng biết đến. HTX liên tục nhận được lời mời hợp tác của các siêu thị, cửa hàng OCOP, cửa hàng thực phẩm sạch trong và ngoài tỉnh. Các dòng sản phẩm của HTX được người tiêu dùng đón nhận khá tốt" - Giám đốc HTX Nấm Đức Nhuận Lê Giang Phong chia sẻ.
Vùng đồng bào miền núi tỉnh Quảng Ngãi được Viện Dược liệu (Bộ Y tế) đánh giá là nơi có nguồn tài nguyên cây dược liệu phong phú, đa dạng, thu hút nhiều doanh nghiệp tìm hiểu, liên kết với người dân địa phương trong trồng trọt, chế biến, phát triển sản phẩm từ cây dược liệu.
Trong đó, cây quế là một trong những điểm mạnh của Trà Bồng. Huyện miền núi này là 1 trong 4 vùng trồng quế của cả nước. Mỗi năm người dân thu hoạch từ 1.600 - 2.000 tấn vỏ quế. Quế ở đây có mùi hương đặc biệt, chứa lượng tinh dầu cao nên được thị trường trong nước và nhiều nước trên thế giới ưa chuộng.
Nắm bắt xu hướng của thị trường, một số đơn vị mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, máy móc để sản xuất các sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao từ quế như: bột quế Trà Bồng, tinh dầu quế Trà Bồng, nhang quế Trà Bồng, nến thơm quế Trà Bồng, nước lau sàn quế Trà Bồng, đồ mỹ nghệ từ cây quế Trà Bồng…
Trong số này có nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, riêng hàng thủ công mỹ nghệ từ vỏ quế, tinh dầu quế đạt OCOP 4 sao. Từ đó, việc tiếp cận và đáp ứng các yêu cầu của các thị trường, cũng như hệ thống siêu thị có yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng thuận lợi hơn.
Đặc biệt, sau khi được cấp chỉ dẫn địa lý, giá trị của cây quế và các sản phẩm từ quế được nâng cao. Giá của sản phẩm sau khi được bảo hộ tăng lên, đời sống người dân ở vùng trồng quế ngày càng được cải thiện.
Ông Trần Phước Hiền – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu, các sở, ngành, địa phương rà soát và đánh giá tiềm năng, giá trị, sức tiêu thụ của các sản phẩm OCOP hiện có. Qua đó, tập trung hỗ trợ những chủ thể đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị sản xuất, xây dựng và cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi nhằm nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc; nhất là các sản phẩm OCOP có tiềm năng đạt 4 sao cấp tỉnh và 5 sao cấp Trung ương, sản phẩm được thị trường tiêu thụ mạnh.
"Phát triển sản phẩm OCOP được gắn liền với việc xây dựng, khai thác các mô hình du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng là hướng đi đang được khuyến khích nhằm tạo ra không gian phát triển cho khu vực kinh tế nông thôn, để thu nhập của người dân không chỉ trông vào sản phẩm nông nghiệp mà còn từ đa dạng các ngành nghề dịch vụ. Thông qua phát triển sản phẩm OCOP, du lịch cũng bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững ở các địa phương" – ông Hiền nói.
Bình luận (0)