Chị Trần Thị Ngọc Nga, công nhân may một công ty may tại huyện Củ Chi, TP HCM, vừa trải qua cuộc khủng hoảng tinh thần. Chị kể vài tháng trước, thỉnh thoảng chị lại nhận được tin nhắn đòi nợ và hăm dọa, "khủng bố", thậm chí gắn hình ảnh, thông tin cá nhân của chị lên mạng xã hội để đòi nợ.
Chị Nga khẳng định mình chưa từng vay nợ ở ứng dụng (app) cho vay online của tổ chức tín dụng nào. "Trước đây tôi có liên hệ với một tổ chức tài chính muốn vay vốn hỗ trợ nhưng nhân viên bên này nói tôi có khoản nợ xấu trên CIC (Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia) nên không được vay.
Trong khi tôi chưa từng vay, sao lại bị nợ xấu, giờ tiếp tục bị "khủng bố" đòi nợ bằng tin nhắn. Tôi gọi cho số lạ thì được cho biết có khoản vay bị nợ xấu tại một công ty tài chính, tôi cũng đã phản ánh với công ty tài chính này vì chưa từng có quan hệ tín dụng ở đây" – chị Nga bức xúc.
Không vay tiền nhưng nhiều người lao động vẫn liên tục bị các đối tượng tín dụng đen "réo tên" đòi nợ.
Chia sẻ về điều này, Trung tá Nguyễn Doãn Bé, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05, Công an huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), cho biết vấn đề bị nhắn tin, gọi điện đòi nợ dù không vay tiền bắt nguồn từ một số nguyên nhân chính.
Người thân, bạn bè, đồng nghiệp đã tham gia vay tiền qua App và không trả tiền đúng hạn nên các đối tượng đòi nợ sẽ sử dụng dữ liệu danh bạ của họ để nhắn tin, gọi điện thoại nhằm mục đích đòi nợ, cho dù người bị gọi điện không liên quan đến các khoản vay nợ đó.
Bên cạnh đó, do thủ tục vay tiền qua App hết sức đơn giản, người vay chỉ cần cung cấp thông tin CMND/CCCD là có thể vay được tiền, vậy nên một số đối tượng xấu đã lợi dụng việc đánh cắp thông tin hoặc sử dụng thông tin công khai để thực hiện việc vay tiền qua App nhưng sau đó không trả.
Từ đó dẫn đến tình trạng, có người khi nhận được điện thoại còn không biết là mình quen người vay tiền bởi lẽ số điện thoại của họ được thêm vào một cách ngẫu nhiên để hợp thức hóa hồ sơ vay, trong khi thực tế không có mối quan hệ nào.
Đây là một vấn nạn nhức nhối trong xã hội, người bị gọi điện đòi nợ có thể rơi vào tình trạng hoang mang, sợ hãi thậm chí là mất tiền oan do không biết hướng giải quyết đúng đắn.
Liên hệ cơ quan chức năng để trình báo sự việc
Theo Trung tá Nguyễn Doãn Bé, khi bị nhắn tin, gọi điện đòi nợ dù không vay tiền, các bạn công nhân lao động nên giải thích rõ ràng và khẳng định bản thân bằng cách gọi điện hoặc nhắn tin lại, giải thích rằng bạn không vay tiền và không liên quan đến khoản nợ. Bên cạnh đó, nhất quyết từ chối trả tiền, khẳng định bạn không có trách nhiệm trả khoản nợ và từ chối mọi yêu cầu chuyển tiền.
Và đặc biệt nên tìm kiếm sự hỗ trợ từ việc liên hệ cơ quan chức năng gồm công an khu vực để trình báo sự việc và yêu cầu hỗ trợ; gọi điện đến số 113 để trình báo vụ việc và yêu cầu hỗ trợ.
Bình luận (0)