Bùi Hữu Nghĩa, tên gốc là Bùi Quang Nghĩa, sinh năm Đinh Mão (1807), đỗ thủ khoa kỳ thi Hương năm 1835 nên còn được gọi là Thủ khoa Nghĩa.
Đặc biệt thơ viết cho vợ con
Nổi tiếng vì tài làm thơ, nên Bùi Hữu Nghĩa cũng còn được gọi tên khác nữa, là "Nghĩa thi", để sánh với "Lộc họa" (người vẽ giỏi, tên: Lộc), "Lễ phú" (người giỏi làm phú, tên: Lễ), "Sang đàn" (người giỏi chơi đàn, tên: Sang), mà "vào" trong câu ngợi ca là "Rồng Vàng" của vùng Đồng Nai - Nam Kỳ, hồi đầu thế kỷ XIX:
"Đồng Nai có bốn Rồng Vàng
Lộc họa, Lễ phú, Sang đàn, Nghĩa thi"!
Trong cuộc thành danh của "Nghĩa thi", thì trước hết và rất đặc biệt là dòng thơ viết cho vợ con, gồm những tác phẩm có thể nói là đi tiên phong vào lĩnh vực "văn chương gia đình", của văn học Nam Kỳ lục tỉnh.
Tên Bùi Hữu Nghĩa được TP HCM sử dụng để đặt cho một trường học. (Ảnh: TẤN THẠNH)
Bấy giờ, năm 1848, Bùi Hữu Nghĩa đang làm chức Tri huyện Trà Vang (tức: Trà Vinh, khi ấy thuộc tỉnh Vĩnh Long), dưới quyền của Tổng đốc Trương Văn Uyển và Bố chánh Lê Khánh Trinh (tục gọi là Bố chánh Truyện).
Huyện Trà Vang có con rạch Láng Thé, nhiều tôm cá. Từ thời "Gia Long tẩu quốc", năm 1783, chúa Nguyễn Ánh bị Tây Sơn truy đuổi đã trốn tránh ở Láng Thé, được những người Khmer sở tại cưu mang, giúp đỡ. Cảm ơn nghĩa ấy, ngay khi mới lên ngôi, năm 1802, nhà vua đã xuống chiếu miễn thuế vĩnh viễn cho người Khmer khai thác thủy sản ở Láng Thé.
Tuy nhiên, một nhóm người Hoa thấy hoa lợi lớn ở Láng Thé, đã dùng tiền của đút lót các quan đầu tỉnh để được quyền chiếm dụng các lợi lộc tại con rạch này. Dân Khmer bị mất nguồn sinh sống, kéo đến quan huyện Trà Vang Bùi Hữu Nghĩa, khiếu kiện.
Trực tính, thấy quan trên gian tham, nhóm người Hoa khuất tất, Bùi Hữu Nghĩa phán xử ngay:
Việc tha thuế thủy lợi là ơn huệ của vua Thế Tổ (tức Gia Long) ban cho dân Thổ (tức: Khmer)! Nay, ai nhỏ hơn vua Thế Tổ mà lại dám bán đứng con rạch ấy thì có chém đầu nó cũng không sao!
Dân Khmer nghe vậy, kéo nhau đến chỗ người Hoa, tranh cãi, xô xát, khiến phía người Hoa có 8 người bị chết.
Các quan đầu tỉnh (trong đó có Bố chánh Truyện, vốn hằn thù Bùi Hữu Nghĩa, vì trước đấy - lại cũng vì trực tính - đã có lần cho đánh đòn người em vợ của quan Bố chánh, do ngông ngược, xấc láo), nhân vụ việc này, đã cho bắt những người Khmer gây án mạng, vừa bắt luôn Bùi Hữu Nghĩa và đệ sớ về triều đình Huế, khép tội tử hình huyện quan Trà Vang, vì đã kích động bạo loạn, lạm pháp giết người!
Nghe tin dữ, vợ Bùi Hữu Nghĩa - là Nguyễn Thị Tồn - vội vã vượt biển, ra Huế kêu oan cho chồng.
Bà Nguyễn Thị Tồn đã làm chấn động cả kinh thành khi "kính cổ đăng văn" (đánh trống đội đơn) ở tòa Tam pháp ty! Việc đến tai vua Tự Đức. Bùi Hữu Nghĩa được vua tha tội chết nhưng vẫn phải đi "quân tiền hiệu lực", đến làm lính ở đồn Vĩnh Thông, xa tận miền biên viễn Châu Đốc.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Tồn, cứu xong chồng khỏi tội chết, trở về quê - là thôn Mỹ Khánh, phủ Phước Long, tỉnh Biên Hòa - thì cũng lâm bệnh nặng, qua đời. Người con gái nhỏ của bà và Bùi Hữu Nghĩa - tên: Bùi Thị Xiêm - sau đó cũng ốm, chết!
Bùi Hữu Nghĩa được tin vợ con đều mất ở Biên Hòa nhưng đang là thân phận lính thú "lấy công chuộc tội" ở Châu Đốc, không thể về lo việc tang được. Đành ôm lòng đau xót, chờ mãi đến 3 năm sau, được thăng dần lên đến chức Vệ úy, mới có thể đánh đường đi chịu tang, thăm mộ vợ con, với hành trang là hai văn tế.
Bài văn tế bà Nguyễn Thị Tồn của Bùi Hữu Nghĩa, mở đầu bằng những câu ca ngợi đức độ:
"Ở với mẹ, đã trọn niềm hiếu hạnh, chịu lòng theo lân lý/ Lúc theo chồng, vui biết chữ xướng tùy, với anh em đẹp đẽ xóm giềng chú bác".
Và kết thúc bằng những lời xót xa:
"Đêm khuya hãy nâng niu một trẻ, nghĩ từ cơn, ruột tơ kim châm
Ngày ra vào vắng vẻ không em, nhớ từ chặn, gan dường muối xát.
Cuộc long hồ lấp rồi ba tấc đất, ôi thôi rồi má phấn hồng nhan
Bạn phụng loan phân rẽ một phương trời, lo đáo để duyên đơn phận bạc.
Đã biết kiếp thác là kiếp mất, tấm lòng thành đủ bảy tuần chay,
Cho hay người mất mà nghĩa còn, thô lễ tế vài mâm mặn nhạt".
Bài văn tế con gái cũng tha thiết nỗi nhớ:
"Nhớ tới tiếng con cười lời con thốt, càng thêm chua xót đời con
Nhớ đến cách con đứng, dáng con ngồi, luống để nhớ thương từ chặng
Đường ra ngõ vào còn đó, con đã đâu cho rêu cỏ mọc xanh.
Thúng may rổ vá còn đây, con đi đâu cho mốc meo đóng trắng".
Cùng với những lời văn tế vợ con như thế, Bùi Hữu Nghĩa còn có đôi liễn thờ vợ, rất được truyền tụng:
"Ngã bần, khanh năng trợ; Ngã oan, khanh năng minh; Triều dã giai xưng khanh thị phụ
Khanh bệnh, ngã bất dược; Khanh tử, ngã bất tang, giang sơn tiếu ngã phi phu"!
Dịch là:
"Ta nghèo, mình lo giúp đỡ; Ta tội mình biết kêu oan; Trong triều ngoài quận khen: Mình mới thật là vợ;
Mình bệnh, ta chẳng thuốc thang; Mình chết, ta không chôn cất; Non sông cười ta: chẳng xứng gọi là Chồng"!
Ngoài ra, Bùi Hữu Nghĩa - khi về ở Cần Thơ - còn có một bài văn tế bà vợ kế - tên Lưu Thị Hoán - nữa cũng rất da diết:
"Thơ từ biệt, anh ngâm vài chập, đăng tỏ qua tấm dạ bi thương;
Rượu chung tình, anh rót vài ly, ngỏ cùng bậu tấc lòng chung thủy"…
Với một giọng văn như thế, giữa một thế giới văn chương truyền thống mang sứ mạng "Văn dĩ tải Đạo", làm văn chương là để nói đạo lý, tỏ bày chính khí, hoặc là vịnh cảnh, "Đối cảnh sinh tình", vịnh sự vật hoặc là để thù tạc, ứng đối…, Bùi Hữu Nghĩa quả đã là người sớm mở đường cho dòng văn chương "Tình yêu đôi lứa", về sau thành trào lưu trên văn đàn lịch sử văn học Nam Kỳ và Dân tộc.
Tên Bùi Hữu Nghĩa được TP HCM sử dụng để đặt cho một con đường rất đẹp. (Ảnh: TẤN THẠNH)
Dành tâm trí vào việc thế sự
Từ năm 1858, thực dân Pháp bắt đầu nổ súng đánh Đà Nẵng, đến năm 1867 thì chiếm hết Nam Kỳ lục tỉnh.
Đau xót trước cảnh nước mất nhà tan, Bùi Hữu Nghĩa từ quan cùng bà vợ kế Lưu Thị Hoán về sinh sống ở quê hương Long Tuyền - Vĩnh Thanh (nay là Bình Thủy - TP Cần Thơ).
Mở trường dạy học và bốc thuốc chữa bệnh - với danh hiệu là "Liễu Lâm Chủ nhân" - để làm kế sinh nhai, ở tuổi đã lục tuần nhưng Bùi Hữu Nghĩa vẫn sốt sắng dành hết tâm trí vào việc thế sự của đất nước. Họ Bùi giao kết chặt chẽ với các nhân sĩ yêu nước khắp Nam Kỳ lục tỉnh, cùng Phan Văn Trị tham gia "Tao đàn Bà đồ", làm thơ chống kẻ theo giặc Tôn Thọ Tường; cùng Huỳnh Mẫn Đạt, vừa xướng họa thi ca ái quốc vừa viết kịch tuồng cổ vũ tinh thần dân tộc.
Sáng tác thơ văn của Bùi Hữu Nghĩa hồi này rất dồi dào. Bày tỏ tấm lòng xót xa trước vận nước lỡ dở, khi "Qua Hà Âm cảm tác" họ Bùi viết:
"Mù mịt mây đen kéo tối sầm
Đau lòng thủa nọ chốn Hà Âm…
… Gió trốt dật dờ nơi chiến lũy
Đèn trời leo lét dặm u lâm"…
"Ngọa bịnh ngâm thi", ông than tiếc:
"Non nước hãy còn đang bày bá
Đất trời sao nỡ khiến lay vay?".
Giận giữ kẻ xâm lược, ông than tiếc:
"Ai khiến thằng Tây tới vậy cà?
Đất bằng bỗng chốc nổi phong ba!"
Và cổ vũ khéo léo nhưng hùng hồn trong bài "Vịnh thợ bạc" - tinh thần tranh đấu chống giặc:
"Lắm thủa cầm cung day mũi bạc
Từng phen lên ngựa trải gan vàng"
Đồng thời, tin tưởng - như trong bài "Thời cuộc" mà kêu gọi:
"Anh hùng sáu tỉnh thiếu chi đây
Đâu để giang sơn đến thế này!"
Cùng với những lời thơ yêu nước nồng nàn như thế, Bùi Hữu Nghĩa còn trổ tài sáng tác kịch tuồng. Vở "Kim Thạch kỳ duyên" - có sự cộng tác của Huỳnh Mẫn Đạt - gồm ba hồi diễn tả cuộc tình duyên đầy sóng gió giữa chàng Kim Ngọc và nàng Thạch Võ Hà, chung thủy và cao thượng như người Nam Kỳ giữa tao loạn đương thời, tương truyền được đưa cả ra Huế diễn cho vua Tự Đức xem, là một sáng tác đã khiến họ Bùi được sánh với kịch tác gia lừng danh là Đào Tấn của lịch sử kịch nghệ nước Việt.
Chỉ trong vòng 5 năm cuối đời mà Bùi Hữu Nghĩa đã sống và làm được như vậy, quả là đã khiến đất Nam Kỳ lục tỉnh nở được hoa thơm văn hóa giữa nhiễu nhương, gian khó.
Bình luận (0)