Người Nam Kỳ trước đây thường truyền tai nhau, bài thơ chữ Nôm - 8 câu, mỗi câu 7 chữ - mở đầu bằng 4 câu như sau:
"Vành mâm xôi đề "Thằng Lạc"
Nghĩ mình ti tiểu không đài các.
Văn chương chẳng phải bọn mèo quào
Danh phận không ra cái cóc rác!".
Nhà nghèo nhưng học giỏi
Chữ "Lạc" ở câu đầu tiên, chính là tên của người có tính danh đầy đủ là Nguyễn Văn Lạc. Nhà nghèo nhưng học giỏi, nên được triều đình đặc ân xếp vào ngạch học sinh, được cấp lương ăn học, nên được gọi tên ghép với "ngạch" là "Học sinh Lạc", rồi "gọi tắt" thành "Học Lạc".
Học Lạc là người làng Mỹ Chánh, về sau, dời nhà về chợ Thuộc Nhiêu, đều trên đất Mỹ Tho (Tiền Giang ngày nay). Ngạch Học sinh dù thứ bậc rất thấp nhưng cũng vẫn khiến Học Lạc có chút phận chức sắc trong hương đảng.
Tên của Nguyễn Văn Lạc được TP HCM sử dụng đặt tên cho một con đường (ảnh trên) ở quận Bình Thạnh và một con đường nữa mang tên Học Lạc tại quận 5(ảnh dưới). Ảnh: TẤN THẠNH
Đướng Học Lạc ở quận 5 - TP HCM
Do đó, theo hương lệ, hằng năm, đến ngày lễ Kỳ Yên, phải mang ra đình, nộp một mâm xôi, tế thần. Năm ấy, chơi ngông, Học Lạc tự xưng mình là "Thằng", khi đề tên (đánh dấu) vào mâm xôi cúng, bị các chức sắc "vai trên" trách phạt tội bất kính.
Bài thơ giải trình lý do viết chữ "Thằng" vào mâm xôi của Học Lạc, có tên là "Tạ hương đảng" (Xin lỗi các chức sắc trong làng). Tiếng là tạ lỗi nhưng lại rất ngang tàng, coi thói quan liêu - hách dịnh của các chức sắc hương thôn lúc bấy giờ, chẳng ra gì. Do đó, rất được dân chúng ưa thích và truyền tụng.
Người Nam Kỳ xưa, mến mộ Học Lạc, còn truyền tai nhau một thi phẩm nữa, cũng đầy tính trào lộng:
"Năm Kỷ Sửu, tuổi vừa bốn tám
Lấy gương soi, ngẫm lại, luống cười thầm:
Tóc tơ đã nhuốm điểm hoa râm
Nhỏ rồi lớn, lớn rồi già, già trối kệ!".
Vẫn là giọng thơ ngang tàng, pha chút triết lý khôi hài về cuộc đời (thế sự đương thời) nhưng nhờ đó, người ta biết được: Năm Kỷ Sửu, dương lịch là năm 1899, Học Lạc 48 tuổi (tuổi ta, tức 47 "tuổi Tây")! Suy ra: nhà thơ trào phúng của đất Nam Kỳ sinh năm 1842!
Tác giả của thơ trào phúng - chiến đấu
Học Lạc sống tuổi 20 của mình khi thực dân Pháp đến xâm chiếm đất Nam Kỳ. Nhà thơ mất ở tuổi 73 - vào năm Ất Mão (1915), khi đất Nam Kỳ đã bị người Pháp biến thành thuộc địa.
Không cầm vũ khí như Trương Định, Nguyễn Trung Trực… chống lại kẻ xâm lược ngoại bang và tay sai bản xứ, cũng không như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị… dùng ngòi bút làm vũ khí trực tiếp "đâm mấy thằng gian…", nhưng Học Lạc với tài làm thơ trào phúng bằng giọng thơ "vần trắc" (trúc trắc) "rất Nam Kỳ" của mình, đả kích thật sâu cay những kẻ/ và thói/ hư đốn lúc đương thời, đã chính là một người làm hoa cho đất quê hương phương Nam của ông, một cách thật là đặc sắc.
Những con vật thường ngày trong cuộc sống của người dân Nam Kỳ, thường được Học Lạc lấy đấy làm đề tài ngâm vịnh nhưng là để lồng vào đấy thân phận và hình ảnh xấu xí của những kẻ cường hào, hống hách như ở bài vịnh "Con Tôm":
"Chẳng phải vương công, chẳng phải hầu
Học đòi đai kiếm, lại mang râu
Khoe khoang mắt đỏ trong dòng bích…".
Rồi hạ một câu phê phán rất độc địa, đúng thực chất bằng ngôn ngữ dân gian:
"Chẳng biết mình va cứt lộn đầu!".
Vịnh "Con Trâu" cũng thế, đấy là những kẻ cường hào, dù "đánh bóng cuộc đời" bằng nhiều cách: "Mài sừng cho lắm, cũng là trâu!".
Với thực chất ngu đần kém cỏi mà dân gian đã đúc kết sẵn rồi:
"Nghé ngọ già đời quen nghé ngọ
Năm giây đàn gẩy biết chi đâu!".
Đặc biệt, hình tượng "Chó chết trôi" được Học Lạc lồng vào để chỉ những kẻ làm tay sai cho giặc, hại dân, hại nước, là điều cảnh báo thật sâu cay về thân phận và số phận, khi hết đời:
"Sống thì bắt thỏ, thỏ kêu rêu
Thác, thả dòng sông, xác nổi phều
Vằn vện xác còn phơi lững thững
Thứ tha danh hãy nổi lều phều
Tới lui bịn rịn bầy tôm tép
Đưa đón lao xao lũ quạ diều
Một trận gió dồn cùng sóng dập
Tan tành xương thịt biết bao nhiêu!".
"Đánh" vỗ mặt bọn cường hào, tay sai cho giặc như thế, Học Lạc cũng còn có những bài ý nhị hơn, ca ngợi những người yêu nước, trong đó có thủ khoa Nguyễn Hữu Huân; đồng thời bóng gió mà trách cứ triều đình Huế đã "bán rẻ" đất Nam Kỳ như ở trong bài "Thuộc Nhiêu tức cảnh" - nơi định cư của ông, cũng là nơi hoạt động đánh giặc sôi nổi của những chiến sĩ yêu nước như Nguyễn Hữu Huân:
"Đất linh bồi đắp cuộc Ba Giồng
Cảnh Thuộc Nhiêu nhiều khách ngộp trông
Đường thẳng ngựa biên chân ngán bước
Rạch cua cá lội mến quên sông
Tướng văn giỏi kẻ thêu rồng cọp
Miếu võ thờ tay chí bá tông
Cứng cát thú quê vui tục cũ
Thềm dâu ruộng lúa dễ cho không!".
Pho sử Nam Kỳ luôn được bổ sung
Yêu nước và đấu tranh bằng thơ ca linh hoạt và uyển chuyển, cốt sao cho các tác phẩm của mình đến được với dân nên còn nhiều tác phẩm dù ông không ghi tên nhưng vẫn được dân chúng nhớ và cho là của Học Lạc.
Nỗi niềm tâm sự của người dân mất nước, khi "Tức cảnh ban chiều" trước những nhăng nhố của xã hội thuộc địa như vẽ ra sau đây, đã được coi là của Học Lạc đấy:
"Ngó ra ngoài ngõ gió đìu hiu
Xem thấy cảnh trời, trời đã chiều
Ham hố trẻ con đua múa hát
Đứa thì làm tướng, đứa làm yêu (tinh)".
Những bài thơ vạch trần thói bon chen bỉ ổi, hèn hạ của Tổng đốc Định Tường Nguyễn Kim Tri, chê bai sự hèn nhát của võ quan Hộ đốc Mỹ Tho Nguyễn Công Nhàn: "Giặc tới Bến Tranh, run lập cập/Tàu vô Cửa Tiểu, chạy bỏ càng"… cũng được nhiều người Nam Kỳ cho là của Học Lạc.
Và cùng thời, cùng giọng với những Tú Xương, Nguyễn Khuyến… ở ngoài Bắc, Học Lạc luôn được người Phương Nam - cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX - coi trọng và nhìn nhận là nhà thơ trào phúng ưu thời mẫn thế.
Tài năng của đất Nam Kỳ lục tỉnh, với những tác phẩm xuất sắc kể thêm làm ví dụ, như bài "Ông làng hát bội" sau đây:
"Chi chi trong khám sắp ngang hàng,
Nghĩ lại thì ra các bợm làng
Trong bụng trống trơn mang giữ cổ
Trên đầu trọc lóc bít khăn ngang
Vào buồng gọi tổ, châu đầu lạy
Ra rạp rằng con, nịt nách mang
Dám hỏi hàm ân người lớp trước
Hay là một lũ những quân hoang?".
Lời thưa gửi bạn đọc
Từ tháng 12-2022 cho đến tháng 7-2023, liên tục trên 30 số Báo Người Lao Động ra ngày chủ nhật, chúng tôi đã thỉnh mời được 30 nhân vật lịch sử Xứ Đàng Trong - Nam Kỳ Lục Tỉnh, ở các thế kỷ XVII, XVIII và XIX, vào trong các mục: "Những người mở đất", "Những người giữ đất", "Những người làm hoa cho đất", mỗi mục 10 vị, của chuyên mục "Người Việt yêu Sử Việt", với hy vọng: Sau khi đăng tải các bài trên Báo Người Lao Động, sẽ chỉnh trang, sang sửa, tập hợp và in thành một quyển sách khoảng 200 trang, tiện dụng cho việc nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử Phương Nam nước Việt của bạn đọc.
Nay thì việc đăng tải 30 bài báo đã hoàn thành, chúng tôi xin chân thành cảm ơn Ban Biên tập Báo Người Lao Động đã tạo điều kiện tối đa để các bài báo đến tay bạn đọc, được bạn đọc quan tâm đón nhận.
Xin cảm ơn bạn đọc và với hy vọng in được sách, xin hẹn gặp lại bạn đọc vào dịp phát hành sách.
Trân trọng và đa tạ.
Nhà sử học Lê Văn Lan kính thưa!
Bình luận (0)