xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhiều vị trí việc làm bị bít lối vào

MAI CHI - THẢO NGUYỄN

Nghị định 70/2023/NĐ-CP nêu rõ chỉ khi không tuyển dụng được lao động người Việt Nam thì doanh nghiệp mới được phép tuyển người nước ngoài vào vị trí việc làm đó. Thế nhưng, thực tế không như mong đợi

Theo Nghị định 70/2023/NĐ-CP, từ ngày 1-1-2024, việc thông báo tuyển dụng được thực hiện trên Cổng thông tin điện tử của Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) hoặc Cổng thông tin điện tử của Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) do chủ tịch UBND tỉnh, thành trực thuộc trung ương quyết định thành lập. Nội dung tuyển dụng gồm: vị trí và chức danh công việc, mô tả công việc, số lượng, yêu cầu về trình độ, kinh nghiệm, mức lương, thời gian, địa điểm làm việc...

"Đo ni đóng giày" với lao động nước ngoài

Hiện trên Cổng dịch vụ công quản lý người lao động (NLĐ) nước ngoài làm việc tại Việt Nam, các doanh nghiệp (DN) đang rao tuyển 5.791 vị trí việc làm dành cho lao động kỹ thuật, chuyên gia, quản lý với mức lương dao động từ 8 triệu đến hơn 120 triệu đồng/tháng.

Người lao động tìm việc làm tại một sàn giao dịch việc làm ở TP HCM Ảnh: HUỲNH NHƯ

Người lao động tìm việc làm tại một sàn giao dịch việc làm ở TP HCM .Ảnh: HUỲNH NHƯ

Theo Trung tâm DVVL TP HCM, từ đầu năm đến ngày 31-5, cơ quan này đã tiếp nhận từ 3.983 DN tuyển 9.209 vị trí việc làm (dự kiến sẽ sử dụng lao động nước ngoài). Trong tháng 6-2024, có gần 900 vị trí, chức danh công việc là quản lý, chuyên gia, lao động kỹ thuật còn trong thời hạn tuyển dụng NLĐ Việt Nam. 

Trong đó, có những vị trí với mức lương lên đến 200 triệu đồng/tháng. Song đến nay chỉ có 749 lượt người Việt Nam ứng tuyển và chưa có lao động nào trúng tuyển vào hơn 9.000 vị trí việc làm chất lượng cao nêu trên. Đại diện Trung tâm DVVL thành phố cho rằng nguyên nhân một phần do NLĐ chưa tiếp cận được thông tin tuyển dụng, phần khác do yêu cầu của nhà tuyển dụng quá khắt khe.

Theo khảo sát của chúng tôi, không hẳn các vị trí tuyển dụng đều có yêu cầu cao, từ điều kiện DN đưa ra có nhiều công việc người Việt Nam có thể đáp ứng được, nhất là các vị trí lao động kỹ thuật. Anh T.V.L (kỹ sư cơ khí, quận 1, TP HCM) cho hay nếu đọc qua điều kiện tuyển của DN thì có khá nhiều vị trí anh có thể đáp ứng được. Dù cũng đang có nhu cầu chuyển đổi công việc nhưng anh L. nói sẽ không chọn ứng tuyển vào các DN này. 

Bởi khi đã đưa thông tin tuyển dụng lên hệ thống dịch vụ công quản lý lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam thì DN đã định sẵn sẽ tuyển dụng, sử dụng NLĐ nước ngoài. "Việc rao tuyển chỉ là hình thức, giúp DN hợp thức hóa thủ tục tuyển dụng lao động nước ngoài. Do đó, dù đầu tư tham gia phỏng vấn kỹ lưỡng đến đâu cũng khó trúng tuyển" - anh L. nói.

Một số lao động khác nhận xét nhiều thông tin tuyển dụng đăng tuyển ở mục "Nghị định 70/2023/NĐ-CP" có vẻ không thực tế. Chẳng hạn, rao tuyển vị trí nhà quản lý (giám đốc điều hành, trưởng văn phòng đại diện...), yêu cầu tốt nghiệp đại học, có trên 5 năm kinh nghiệm nhưng lương chỉ từ 8 - 10 triệu đồng/tháng. 

Số DN khác thì nêu các điều kiện thể hiện rõ sự "đo ni đóng giày" đối với NLĐ nước ngoài mà DN đang muốn tuyển dụng. Ví dụ khi tuyển vị trí chuyên viên tư vấn kinh doanh ngành công nghiệp ô tô, một DN tại quận 1 đưa ra điều kiện là tốt nghiệp cử nhân nghệ thuật (chuyên ngành lịch sử Nhật Bản) với 3 năm đào tạo; trên 3 năm kinh nghiệm làm việc ở vị trí trưởng phòng kinh doanh tại DN nước ngoài... Những yếu tố này làm giảm đáng kể độ tin cậy của thông tin tuyển dụng, dẫn đến NLĐ ngại ứng tuyển.

Chỉ hợp thức hóa thủ tục

Căn cứ Nghị định 70/2023/NĐ-CP, sau khi đăng tuyển và không tuyển được NLĐ Việt Nam vào các vị ví tuyển dụng lao động nước ngoài, người sử dụng lao động có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng người nước ngoài đối với từng vị trí công việc mà NLĐ Việt Nam chưa đáp ứng được và báo cáo giải trình với Bộ LĐ-TB-XH hoặc Sở LĐ-TB-XH nơi NLĐ nước ngoài dự kiến làm việc trước ít nhất 15 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng lao động nước ngoài. Khi được các cơ quan này có văn bản chấp thuận, DN mới được sử dụng lao động nước ngoài. Song một số DN cho rằng quy trình đăng tuyển trên website cơ quan quản lý lao động chỉ mang tính hình thức.

Tại buổi đối thoại giữa Sở LĐ-TB-XH TP HCM và DN vừa qua, đại diện Công ty TNHH T.D.V (quận 1) cho biết do hoạt động trong lĩnh vực phát triển bất động sản nên DN có nhu cầu sử dụng nhiều lao động kỹ thuật, chuyên gia nước ngoài. Thực tế cho thấy không hẳn các công việc đăng tuyển trên các cổng dịch vụ công là các vị trí DN cần tuyển dụng. Dù vậy, nhiều DN vẫn làm vì để hồ sơ xin giấy phép lao động được "đẹp" hơn. 

Đại diện công ty lý giải theo quy định, chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam làm việc phải có trình độ, bằng cấp, kinh nghiệm phù hợp với vị trí tuyển dụng. Tuy nhiên, thực tế họ do công ty mẹ đưa qua, có ngoại ngữ, có kinh nghiệm nhưng không hẳn có trình độ, bằng cấp gắn với vị trí việc làm. Vậy nên, công việc thực tế của họ làm không hẳn là công việc theo bằng cấp.

Mặt khác, khi đầu tư vào Việt Nam, DN 100% vốn nước ngoài cũng muốn sử dụng các chuyên gia từ công ty mẹ cử sang, vì họ có nhiều kinh nghiệm trong phát triển các dự án nước ngoài, có thể áp dụng tại Việt Nam. "Do đó, dù NLĐ Việt Nam có thể đáp ứng được yêu cầu về bằng cấp chuyên môn nhưng xét về ngoại ngữ, kinh nghiệm phát triển dự án hay sự liên kết với công ty mẹ thì không thể cạnh tranh với lao động nước ngoài" - đại diện DN phân tích.

Theo ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Dương, từ đầu năm đến nay Trung tâm DVVL tỉnh đăng nhiều thông tin tuyển dụng của DN nhưng ứng viên không mặn mà nộp hồ sơ. Lý do là NLĐ nghĩ khó đáp ứng được nhu cầu của DN. Ông cho biết qua khảo sát, nhiều DN đang thiếu lao động là chuyên gia có trình độ, tay nghề. 

Nhưng họ mong muốn tuyển được lao động là người nước ngoài, nhất là đồng hương. Lý do là dễ tin tưởng, cũng như có sự tương đồng về văn hóa, ngôn ngữ. Mặt khác, lao động người nước ngoài có trình độ tay nghề cao, được đào tạo, thực hành bài bản. Còn lao động Việt Nam thì ngoài tâm lý thiếu tự tin còn có rào cản về ngôn ngữ... 

Vắng bóng ứng viên Việt Nam

Bà Nguyễn Ngọc Ánh - phụ trách nhân sự một công ty 100% vốn Đài Loan (Trung Quốc) ở KCN Rạch Bắp, TP Bến Cát, tỉnh Bình Dương - cho biết năm 2024 DN cần bổ sung 2 lao động là chuyên gia cho vị trí quản lý xưởng sản xuất. Công ty đã đăng tuyển dụng trên website của Trung tâm DVVL tỉnh từ đầu năm đến nay nhưng vẫn chưa nhận được hồ sơ nào từ các ứng viên là người Việt Nam. "Đây là các vị trí rất quan trọng, chỉ đứng sau tổng giám đốc nên đòi hỏi phải có trình độ và kỹ năng quản lý công nhân. Từ trước đến nay, vị trí này mặc định là chuyên gia nước ngoài" - bà Ánh nói.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo