Thời điểm ông Trần Tiến Đạt đầu quân về Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam (huyện Củ Chi, TP HCM) thì cũng là lúc doanh nghiệp (DN) bắt đầu quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ, tăng cường ứng dụng công nghệ tự động hóa vào các dây chuyền sản xuất tại nhà máy. Điều này đã tạo ra không ít thách thức nhưng cũng mở ra cơ hội để người kỹ sư trẻ giàu nhiệt huyết khẳng định năng lực bản thân.
Vượt khó, sáng tạo
Tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa TP HCM ngành cơ điện tử năm 2017, ông Đạt được Unilever Việt Nam tuyển dụng vào bộ phận dự án tự động hóa thông minh. Dù kiến thức nền rất vững nhưng do chưa có kinh nghiệm làm việc nên ông lo không phát huy hết năng lực bản thân.
Để khỏa lấp khoảng trống này, ông Đạt đã tận dụng thời gian làm việc thực tế tại nhà máy để nắm rõ hơn về quy trình sản xuất, đồng thời tham gia các dự án do đồng nghiệp chủ trì nhằm làm dày thêm vốn kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn. Nhờ đó, đến năm 2021, ông đã có đủ tự tin để đề xuất chủ trì dự án "Nghiên cứu thiết kế và phát triển dây chuyền sản xuất từ sử dụng cơ cấu giữ chai truyền thống sang linh hoạt".
Trước đó, với hàng trăm loại sản phẩm, mỗi loại lại khác nhau về bao bì, kiểu dáng, kích thước..., mỗi lần chuyển đổi sản phẩm sản xuất, các chuyền máy phải thay các cơ cấu giữ chai để phù hợp với từng loại. Thời gian chuyển đổi kéo dài (khoảng 113 phút/lần), ảnh hưởng đến năng suất vận hành của máy.
Với dự án cải tiến của ông Đạt, thời gian chuyển đổi ở các dây chuyền sản xuất được kéo giảm 75%, chỉ còn khoảng 16 phút/lần. Cơ cấu giữ chai còn có thể đáp ứng linh hoạt cho nhiều loại sản phẩm khác nhau, thích ứng với sự thay đổi mẫu mã sản phẩm liên tục của thị trường, giảm thiểu chi phí đầu tư của công ty khi có sản phẩm mới.
Dự án đã góp phần làm lợi cho công ty 2 tỉ đồng/năm, được Unilever toàn cầu chứng nhận là Golden Best Practice. Thành công đầu tay này đã khơi mạch sáng tạo của ông Đạt, để từ đó hàng loạt sáng kiến hữu ích khác liên tục "ra lò".
Để đi đến thành công, ông Đạt từng trải qua không ít lần thất bại. Đơn cử, khi thực hiện dự án "Cải tiến quy trình vận hành đổ bột nguyên liệu kem đánh răng từ con người sang robot tại phân xưởng Oral care", sau lần thử nghiệm thất bại, ông Đạt đã mất 2 năm để tìm giải pháp khắc phục.
Những lúc nản chí, ông Đạt nhớ đến câu nói của người quản lý "Ranh giới giữa thành công và thất bại rất mong manh, nếu cố gắng có thể gặt hái thành công nhưng buông tay thì chắc chắn sẽ thất bại" để tiếp tục nỗ lực. Kết quả của sự nỗ lực ấy là sự công nhận của DN đối với năng lực của ông, từ đó cất nhắc lên các vị trí cao hơn. Hiện ông Đạt là trưởng nhóm bảo trì và dự án tự động hóa thông minh phân xưởng PBC.
Người thầy của thợ giỏi
Gắn bó với Công ty CP Tico (quận Tân Phú, TP HCM) từ năm 1977 và trải qua nhiều vị trí công việc khác nhau, ông Nguyễn Thanh Lâm nắm rõ từng ngóc ngách cũng như mọi hoạt động sản xuất tại nhà máy. Do vậy, với ông, các sáng kiến đến một cách tự nhiên.
Công ty CP Tico là DN chuyên sản xuất - kinh doanh nguyên liệu sử dụng cho ngành tẩy rửa. Trong quá trình sản xuất các sản phẩm, có một loại phế phẩm phát sinh là oleum (khoảng 8-10 tấn/tháng). Ngoài việc gây tốn kém chi phí vận chuyển, xử lý thì việc bảo quản, vận chuyển oleum cần có quy trình bảo đảm an toàn cho con người và môi trường.
Từ thực tế đó, ông Lâm nghiên cứu tìm giải pháp khắc phục. Với sáng kiến "Hòa loãng oleum vào nước kết hợp cấp khí nén để trộn trên hệ thống bơm, thiết bị chống ăn mòn", ông đã giúp DN vừa xử lý được phế phẩm nguy hại vừa có thêm nguồn nguyên liệu (axít sulfuric 75%) để tái chế sản phẩm, làm lợi cho công ty hơn 2,1 tỉ đồng/năm.
Ngoài công việc chuyên môn, ông Lâm còn là Chủ tịch Công đoàn cơ sở nhiệt huyết, luôn hết mình vì đoàn viên. Vốn giàu sáng kiến, trong vai trò này, ông đã nghĩ đến việc gia tăng phúc lợi cho đoàn viên từ chuyện tận dụng nguyên liệu còn sót lại trong bao bì, thùng chứa mà khách hàng trả lại để pha chế thành nước rửa chén tặng người lao động (NLĐ - 40 lít/người/năm).
Với khả năng thương lượng khéo léo của ông Lâm, chế độ phúc lợi của NLĐ luôn được cải thiện, Công đoàn cơ sở nhiều năm được Công đoàn cấp trên công nhận là vững mạnh, xuất sắc. Từ các phong trào "Lao động giỏi - Lao động sáng tạo" do Công đoàn phát động, nhiều gương lao động giỏi đã xuất hiện. Trong đó, 4 người từng đoạt Giải thưởng Tôn Đức Thắng, gồm các ông: Hà Quốc Cường (năm 2016), Nguyễn Minh Nhựt (năm 2019), Hà Trầm Huy (năm 2020) và Nguyễn Đình Thắng (năm 2022).
Ông Dương Minh Cường, Phó Giám đốc Công ty CP Tico, nhận xét: "Ở vị trí nào, ông Lâm cũng hoàn thành tốt công việc được giao, được NLĐ lẫn DN tin cậy, yêu mến. Những sáng kiến của ông rất hữu ích, góp phần cho sự phát triển bền vững của DN".
Với tôi, hạnh phúc lớn nhất là các sáng kiến của mình giúp cải thiện điều kiện làm việc, tăng năng suất lao động cho NLĐ, nhất là góp phần vào sự phát triển của DN" - ông Trần Tiến Đạt bộc bạch.
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 14-8
Bình luận (0)