xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nữ cán bộ y tế mở lối thoát nghèo ở Hang Kia - Pà Cò

Bài và ảnh: TRẦN THỊ THUÝ VÂN

(NLĐO) - Không chỉ từng bước xóa bỏ hủ tục sinh nở lạc hậu của người đồng bào ở 2 xã Hang Kia - Pà Cò (huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình), chị Sùng Y Múa còn làm giàu cho quê hương bằng mô hình du lịch cộng đồng

Hang Kia - Pà Cò từng là vòng cung ma tuý có tiếng nay đã thay da đổi thịt trở thành mảnh đất bình yên, hiền hoà, thu hút đông đảo khách thập phương nhờ mô hình du lịch cộng đồng. Người góp công lớn mở lối thoát nghèo cho người dân Hang Kia – Pà Cò là chị Sùng Y Múa (sinh năm 1983, cán bộ tại Trạm Y tế xã Hang Kia).

Xóa hủ tục sinh đẻ

Về xã Hang Kia, ai cũng biết đến chị Sùng Y Múa, đặc biệt là chị em phụ nữ vì hầu hết họ đều được chị Múa tuyên truyền về sức khoẻ sinh sản.

Chị Múa là người dân tộc Mông sinh ra trong gia đình có 8 anh chị em ở xã Pà Cò. Ngày trước, con gái Mông hầu như không được đi học chữ do hủ tục lạc hậu. Tuy nhiên, bố mẹ chị Múa lại nghĩ khác, luôn động viên con gái đi học. "Tôi là 1 trong 13 bạn nữ người Mông đầu tiên được cử đi học Trường phổ thông dân tộc nội trú Mai Châu. Rời bản xuống huyện đi học đối với con gái Mông quyết tâm rất lớn nhưng tôi dặn lòng phải cố gắng nếu không sau này sẽ lấy chồng sớm và chỉ có đi làm nương rất vất vả" - chị Múa chia sẻ.

Học hết phổ thông, chị Múa đi học ngành Y với ước muốn chữa bệnh cho gia đình và bà con địa phương. Tốt nghiệp chị được cử về trạm Y tế xã Hang Kia công tác, sau đó được kết nạp vào Đảng. Tại đây, chị Múa nhận thấy phụ nữ người Mông rất thiệt thòi, không chỉ không biết chữ, biết tiếng phổ thông mà họ còn phải đứng trước nguy hiểm khi sinh nở.

"Nhiều em 14 tuổi đã lấy chồng, mang thai và không hề có kiến thức về sinh sản. Phụ nữ Mông thường hay đẻ tại nhà hoặc có đến cơ sở y tế thì đi cùng cả thầy cúng. Khi họ đẻ xong, người nhà thường lấy cỏ tranh trải dưới đất và sản phụ nằm lên đó trong 3 ngày mới lên giường nằm. Việc đó rất nguy hiểm đến tính mạng sản phụ, vừa đẻ xong cơ thể rất yếu, mất nhiều máu nếu cứ làm theo hủ tục sẽ có thể mất mạng" - chị Múa cho biết.

Nữ cán bộ y tế mở lối thoát nghèo ở Hang Kia - Pà Cò- Ảnh 1.

Chị Múa khám sức khoẻ cho các em nhỏ tại Hang Kia

Cùng là người phụ nữ Mông, thông thạo cả tiếng dân tộc lẫn tiếng phổ thông, chị Múa từng bước tâm sự, giải thích với chị em phụ nữ về an toàn khi sinh nở. Cuộc sống hiện đại, bệnh tật ốm đau, sinh nở thì phải đến cơ sở y tế chứ không thể dựa vào thầy cúng hay làm theo những hủ tục. Từ đó, nhiều người dần thay đổi quan niệm.

Hơn 10 năm qua, chị Múa đã cùng chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền về chăm sóc sức khoẻ sinh sản, phòng chống bệnh tật, bài trừ mê tín dị đoan, và không còn tình trạng phụ nữ tự sinh nở tại nhà hay nhờ thầy cúng mà đều đến cơ sở y tế.

Trong số hàng trăm ca sinh nở, chị Múa không thể quên được ca sinh của chị V.Y.D. Đó là lần sinh con thứ 8 và chị đã giấu gia đình vì nhà quá nghèo. Đến ngày trở dạ, chị D tự lên đồi sinh con một mình.

Chị Múa sau khi nhận được tin báo đã vội vã chạy thẳng lên đồi. Lúc này, chị D đã bỏ về nhà, chỉ còn đứa bé nguyên dây rốn nằm lại. Da đứa bé tím tái nấc lên từng cơn trong cái hố sâu. Chị Múa đã ngay lập tức đưa em bé về trạm y tế cấp cứu. Em bé đã được hồi sinh và được một gia đình trong bản nhận làm con nuôi, hiện đã 7 tuổi.

Nữ cán bộ y tế mở lối thoát nghèo ở Hang Kia - Pà Cò- Ảnh 2.

CHị Múa thường xuyên đến các gia đình để thăm hỏi, tư vấn các biện pháp chăm sóc sức khỏe

Giữ gìn bản sắc, mở lối thoát nghèo

13 năm trước, huyện Mai Châu quy hoạch về phát triển du lịch cộng đồng. Nhận thấy Hang Kia – Pà Cò có lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng như địa điểm săn mây lý tưởng, đặc trưng văn hoá của người Mông thể hiện qua nhà cửa, trang phục, ẩm thực, âm nhạc… chị Múa đã nghĩ đến ý tưởng phát triển du lịch cộng đồng để thoát nghèo.

Chị Múa cho biết phụ nữ Mông ở đây họ còn không biết hết quyền lợi của mình, có người cả đời chẳng ra khỏi đất Hang Kia. Tôi muốn phát triển du lịch để tạo thêm kinh tế, thu hút khách du lịch khắp nơi về đây, giao thoa văn hoá giữa các vùng miền, các chị em phụ nữ cũng được mở mang thêm.

Chị Múa bắt tay vào công việc sau khi đã tìm hiểu kỹ càng. Chị vay tiền, mua gỗ dựng nhà sàn đón khách. Những món ăn của người Mông được khách du lịch khen ngon và truyền tai nhau đến các đoàn khác. Họ ấn tượng nhất khi đến Hang Kia – Pà Cò là nét văn hoá truyền thống của người Mông được gìn giữ và sự hiếu khách, tận tình của người dân. Mỗi đoàn khách đến chị Múa đều xin họ ghi lại cảm xúc vào cuốn sổ lưu niệm để phát huy những lời khen và khắc phục những điểm chưa được.

"Lúc đầu, tất cả đều phải tự lực cánh sinh, vừa đi làm ở trạm y tế vừa tranh thủ thời gian làm homestay. Ngày đó chưa có mạng xã hội như bây giờ, việc quảng bá hình ảnh du lịch rất khó khăn. Chị em phụ nữ không biết tiếng phổ thông, tôi đã động viên và dạy họ chữ, tiếng để họ giao tiếp với khách. Đến nay, homestay Y Múa có 10 chị em làm việc rất thành thạo. Còn tại Hang Kia - Pà Cò đã có thêm 6 gia đình làm homestay, giải quyết việc làm cho hàng chục chị em phụ nữ" - chị Múa phấn khởi.

Em Vàng Y Chà, xã Hang Kia đang làm việc tại homestay Y Múa chia sẻ: Từ lúc em vào làm homestay em cũng hỗ trợ kinh tế cho bố mẹ một chút, tuy không lớn nhưng rất ý nghĩa với bản thân.

Nữ cán bộ y tế mở lối thoát nghèo ở Hang Kia - Pà Cò- Ảnh 3.

Du khách nước ngoài rất thích thú khi trải nghiệm văn hóa ở Hang Kia

Ngoài du lịch khám phá, chị Múa còn làm các tuor trải nghiệm rất độc đáo làm các nghề thủ công của người Mông như nhuộm chàm, vẽ sáp ong, đổ giấy thủ công, hái trà, săn mây tại Hang Kia. Đặc biệt, trong những năm gần đây, Hang Kia thu hút đông khách du lịch nước ngoài, buổi tối khách nước ngoài thích thưởng thức âm nhạc, múa hát truyền thống của người Mông do các em nhỏ biểu diễn.

Ước muốn của chị Múa cũng như người dân ở Hang Kia – Pà Cò không gì khác ngoài tiếp tục phát triển du lịch cộng đồng trở thành mũi nhọn kinh tế của địa phương, đồng thời giúp bảo tồn văn hoá truyền thống của người dân tộc Mông.

Ông Hà Công Nghị, Phó bí thư thường trực huyện Mai Châu cho biết: Chị Sùng Y Múa là một trong những đảng viên tiên phong trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, góp phần phát triển du lịch cộng đồng của huyện Mai Châu, một cán bộ y tế hết lòng phục vụ người dân.

Chị Sùng Y Múa được tặng bằng khen của huyện Mai Châu và tỉnh Hoà Bình về gìn giữ văn hoá dân tộc, phát triển du lịch địa phương và công tác y tế cho người dân tộc; giải thưởng KOVA hạng mục Sống đẹp năm 2022; đại biểu Hội nghị biểu dương tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2023.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo