Trong vụ án kinh doanh thương mại "Tranh chấp hợp đồng tín dụng" giữa Ngân hàng Thương mại CP Quốc tế Việt Nam - VIB (nguyên đơn) với Công ty TNHH Tân Hải (bị đơn, viết tắt: Công ty Tân Hải), mới đây, cơ quan xem xét vụ án theo trình tự tái thẩm đã chỉ ra nhiều sai phạm của cấp sơ thẩm.
Sai nguyên tắc hòa giải
Do quen biết ông Lê Văn Mẹo (Giám đốc Công ty Tân Hải), ông Lê Văn Ba đồng ý bảo lãnh giúp Công ty Tân Hải vay 6,2 tỉ đồng tại VIB. Tài sản bảo lãnh là quyền sử dụng mảnh đất rộng 250 m2.
Sau đó, VIB và Công ty Tân Hải tiếp tục ký kết 3 hợp đồng tín dụng khác. Quá trình thực hiện giao kết, doanh nghiệp (DN) mất khả năng thanh toán nợ nên VIB khởi kiện.
Tòa sơ thẩm công nhận thỏa thuận giữa các đương sự. Trường hợp Công ty Tân Hải không tuân thủ thỏa thuận, toàn bộ tài sản thế chấp sẽ bị thi hành án, kể cả tài sản ông Lê Văn Ba đứng tên.
Không đồng tình, ông Lê Văn Ba đề nghị tòa án xem xét theo thủ tục tái thẩm. Đồng thời, cơ quan công tố có thẩm quyền kháng nghị tái thẩm theo hướng hủy quyết định công nhận sự thỏa thuận trên.
Kết quả, cơ quan xem xét vụ án theo trình tự tái thẩm bác bỏ quyết định công nhận thỏa thuận do cấp dưới ban hành.
Quyết định tái thẩm làm rõ Công ty Tân Hải vay VIB nhiều lần qua 4 hợp đồng tín dụng. Mỗi hợp đồng thể hiện khoản vay, thời hạn vay khác nhau. Trong khi ông Lê Văn Ba chỉ thế chấp tài sản bảo đảm cho một khoản vay, hơn nữa, phía vay tất toán xong khoản vay này.
Mặt khác, tài sản bảo đảm khoản tiền Công ty Tân Hải vay VIB còn có 6 thửa đất khác và DN chưa tất toán khoản nợ có tài sản thế chấp là 6 tài sản trên.
Khi khởi kiện, ngân hàng không yêu cầu tòa án xử lý 6 tài sản, thay vào đó, yêu cầu xử lý tài sản của ông Lê Văn Ba - tài sản bảo lãnh khoản vay đã tất toán nhưng tòa sơ thẩm lại công nhận hòa giải. Quyết định đó vi phạm nguyên tắc hòa giải, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp chủ sở hữu tài sản thế chấp bảo lãnh những khoản vay khác, đặc biệt là ông Lê Văn Ba.
Trên mảnh đất ông Lê Văn Ba thế chấp bảo lãnh có một ngôi nhà do hai người khác sở hữu hợp pháp nhưng không thẩm định tài sản bảo lãnh nên tòa sơ thẩm không phát hiện tình tiết này, không đưa chủ nhân căn nhà tham gia vụ án với tư cách người có quyền - nghĩa vụ liên quan. Trong khi đây là tình tiết mới, có thể làm thay đổi cơ bản nội dung vụ án.
Minh họa: KHỀU
Thiếu căn cứ công nhận thỏa thuận
Căn cứ công nhận thỏa thuận cũng là một trong những vi phạm mà cơ quan xét xử vướng phải khi ra quyết định công nhận thỏa thuận giữa các bên trong phân xử tranh chấp hợp đồng tín dụng.
Điển hình có vụ án "Tranh chấp hợp đồng tín dụng" giữa nguyên đơn là Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (viết tắt: Công ty Quản lý tài sản) với bị đơn là Công ty CP Thực phẩm Đại Dương (viết tắt: Công ty Đại Dương). Hồ sơ thể hiện Công ty Quản lý tài sản mua lại khoản nợ Công ty Đại Dương vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).
Sau đó, Công ty Quản lý tài sản khởi kiện, yêu cầu Công ty Đại Dương trả hơn 344,8 tỉ đồng (gốc và lãi). Nếu bị đơn không thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ thì yêu cầu tòa án xử lý tài sản thế chấp.
Các đương sự tự bàn bạc, thống nhất phương án xử lý tranh chấp. Tòa sơ thẩm công nhận nội dung thỏa thuận: Công ty Đại Dương có nghĩa vụ trả Công ty Quản lý tài sản hơn 348,3 tỉ đồng; Công ty Quản lý tài sản và Agribank trả lại Công ty Đại Dương tài sản thế chấp và lập thủ tục xóa đăng ký thế chấp khi DN thanh toán xong khoản tiền trên...
Xét thấy tòa sơ thẩm ra quyết định chưa phù hợp pháp luật hiện hành, cơ quan công tố có thẩm quyền kháng nghị tái thẩm.
Xem xét tái thẩm, cơ quan xét xử có thẩm quyền chấp nhận một phần nội dung kháng nghị, tuyên bố hủy nội dung công nhận thỏa thuận giữa Công ty Quản lý tài sản với Công ty Đại Dương; giao hồ sơ về tòa sơ thẩm giải quyết lại từ đầu.
Quyết định tái thẩm giải thích trước khi tòa sơ thẩm thụ lý vụ án, cơ quan công an đã khởi tố vụ án hình sự điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại chi nhánh Agribank liên quan đến giao dịch tín dụng, mua nợ tại vụ tranh chấp kể trên.
Lẽ ra, tòa sơ thẩm phải tạm đình chỉ giải quyết vụ án "Tranh chấp hợp đồng tín dụng", chờ kết quả điều tra vụ án hình sự. Việc tòa sơ thẩm giải quyết vụ án và ra quyết định công nhận sự thỏa thuận như vậy là trái pháp luật, khiến Công ty Đại Dương gặp bất lợi.
Chưa kể, cơ quan xét xử vụ án theo thủ tục tái thẩm còn xác định các đương sự nhầm lẫn về số tiền nợ suốt quá trình thỏa thuận nhưng cơ quan xét xử sơ thẩm không hề phát hiện.
Hướng về bên yếu thế
Điều 126 Bộ Luật Dân sự 2005 nêu: Trường hợp bên mạnh thế đưa vào nội dung bất lợi cho bên yếu thế thì khi giải thích hợp đồng phải theo hướng có lợi cho bên yếu thế.
Trường hợp ông Lê Văn Ba bảo lãnh vay, bên mạnh thế - VIB đã ghi nội dung bất lợi, không rõ ràng vào hợp đồng thế chấp. Ngoài khoản vay 6,2 tỉ đồng, hợp đồng còn ghi thêm: nghĩa vụ bảo đảm là các nghĩa vụ khác của bên vay tại VIB.
Theo luật, cơ quan xét xử cần giải thích phạm vi ông Lê Văn Ba thế chấp tài sản chỉ nhằm bảo đảm khoản vay 6,2 tỉ đồng. Tài sản này không thể chịu xử lý vì những khoản vay khác.
Bình luận (0)