Ngày 11-2, VKSND Cấp cao tại TP HCM cho biết vừa kháng nghị bổ sung kháng nghị phúc thẩm của VKSND TP HCM trong vụ kiện "Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng" giữa nguyên đơn là Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH Grab (Grab).
Theo đó, VKSND Cấp cao đề nghị TAND cùng cấp xử phúc thẩm theo hướng sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun.
VKSND Cấp cao tại TP HCM nhận thấy theo Điều 584 Bộ Luật Dân sự năm 2015, căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là phải có hành vi trái pháp luật, có thiệt hại xảy ra, có mối quan hệ giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại, hành vi gây thiệt hại phải có lỗi.
Theo đó, đủ cơ sở xác định Grab là đơn vị vận chuyển hành khách có thẩm quyền của Nhà nước cho phép dựa theo Đề án 24 của Bộ Giao thông Vận tải. Hoạt động kinh doanh của Grab không vi phạm pháp luật.
Việc TAND TP HCM nhận định Grab vi phạm pháp luật là không có cơ sở. Bên cạnh đó, VKSND Cấp cao tại TP HCM nhìn nhận rằng Vinasun yêu cầu bồi thường 41,2 tỉ đồng vì do hoạt động của Grab gây nên, TAND TP HCM căn cứ vào giám định thiệt hại của Công ty Cửu Long xác định khoản thiệt hại thực tế của Vinasun là phiến diện, không có cơ sở thực tiễn và pháp lý.
VKSND Cấp cao tại TP HCM cho rằng Vinasun sụt giảm doanh thu liên quan rất nhiều yếu tố khách quan và chủ quan: Năng lực quản trị doanh nghiệp của Vinasun, chính sách pháp luật của Nhà nước, tình hình thị trường, sự cạnh tranh của nhiều loại hình phương tiện kinh doanh vận tải khác, sự thay đổi nhu cầu của hành khách… Tất cả những vấn đề này chưa được đề cập trong kết luận giám định. Do đó, việc Vinasun cho rằng Grab gây thiệt hại cho mình và đòi bồi thường là hoàn toàn không có căn cứ.
Ngoài ra, doanh thu của Vinasun sụt giảm có phần do người tiêu dùng lựa chọn Grab vì có nhiều ưu thế hơn. Việc các tài xế Grab bị xử phạt cũng như những hạn chế của doanh nghiệp này khi hoạt động tại Việt Nam (nếu có) không phải là nguyên nhân gây thiệt hại cho Vinasun. Vì vậy, VKS Cấp cao nhận định không thể yêu cầu Grab bồi thường cho Vinasun.
Từ những nhận định này, VKSND Cấp cao tại TP HCM cho rằng TAND TP HCM nhận định Grab có hành vi trái pháp luật, gây thiệt hại cho nguyên đơn và tuyên buộc Grab phải bồi thường 4,8 tỉ đồng là hoàn toàn không có cơ sở pháp luật.
Theo hồ sơ vụ án, Vinasun cho rằng Grab thâm nhập thị trường Việt Nam khiến doanh số hãng này sụt giảm nên kiện yêu cầu bồi thường 41,2 tỉ đồng. Sau khi TAND TP HCM xử sơ thẩm, cả Grab và Vinasun đều kháng cáo yêu cầu xem xét lại nhiều vấn đề liên quan.
Bình luận (0)