8 tháng đầu năm 2024, kinh tế cả nước đã từng bước phục hồi, doanh nghiệp (DN) có nhiều đơn hàng, ngày càng mở rộng sản xuất, dẫn đến nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao, nhất là những tháng cuối năm. Điều này có thể nhận thấy ở các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như: TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai…
Dù thị trường lao động đã có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn tồn tại những mặt hạn chế, như sự mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ và sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế; cơ chế kết nối cung - cầu và tự cân bằng của thị trường còn yếu. Chất lượng cung lao động còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng cho lực cầu.
Có thể chỉ ra một vài con số: Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 8 tháng đầu năm 2024, cả nước có 168.100 DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động; bình quân 1 tháng có hơn 21.000 DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Tại TP HCM, chỉ riêng quý IV/2024 cần khoảng 78.120 - 83.328 lao động. Thế nhưng, Cục Việc làm cho hay hiện có hơn 1,06 triệu người trong độ tuổi lao động không có hoặc thiếu việc làm, không tham gia lao động, trong khi các DN vẫn không tuyển được người (hơn 836.000 việc làm phổ thông đang "khát" nhân lực).
Nhằm phát triển thị trường lao động bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 06/NQ-CP về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập quốc tế, trong đó xác định thị trường lao động đóng vai trò trọng yếu của nền kinh tế như các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản… Từ đầu năm đến nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ việc làm, phát triển sàn giao dịch việc làm trực tuyến quốc gia để tăng cường các hoạt động kết nối cung - cầu lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN hoạt động dịch vụ việc làm nhằm tăng sự linh hoạt trong việc cung ứng và sử dụng lao động, phù hợp với xu thế tất yếu của thị trường lao động.
Một trong những nội dung đáng quan tâm trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) lần này là nhóm chính sách về quản trị thị trường lao động. Mục tiêu sửa đổi nhằm tạo điều kiện phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, thống nhất, hội nhập, có sự quản lý, điều tiết của nhà nước.
Người lao động đang rất kỳ vọng vào việc sửa đổi Luật Việc làm lần này, do đó cần sửa đổi căn cơ, tổng thể, toàn diện. Các giải pháp đưa ra phải bảo đảm việc làm bền vững, hỗ trợ người lao động khi gặp khó khăn, giải quyết việc làm cho lao động khu vực phi chính thức, hỗ trợ và đào tạo việc làm cho người cao tuổi để thích ứng với việc già hóa dân số. Ngoài ra, cần xây dựng được hệ thống thông tin việc làm liên thông, đa tầng; nâng chất trung tâm dịch vụ việc làm, hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp...
(Trích tham luận đề dẫn tại tọa đàm "Xu hướng và giải pháp cho thị trường tuyển dụng lao động số lượng lớn", do Báo Người Lao Động tổ chức sáng 12-9)
Bình luận (0)