Yêu cầu đơn giản, tuyển cả người lớn tuổi, chưa có tay nghề, sẵn sàng đào tạo miễn phí; hỗ trợ tối đa về nhà ở, đi lại, nhận vợ chồng cùng làm... Nhưng những nỗ lực đó vẫn không giúp doanh nghiệp (DN) có nhu cầu tuyển dụng số lượng lao động lớn tuyển đủ người, khiến hoạt động sản xuất - kinh doanh bị ảnh hưởng.
Loay hoay tuyển dụng
Theo ghi nhận tại một số DN sản xuất sử dụng nhiều lao động tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM, nhu cầu tuyển dụng lao động ngày một tăng cao khi ký thêm những đơn hàng lớn mới. Song, nhiều DN vẫn khó tuyển đủ số lượng so với nhu cầu dù đã dùng nhiều phương thức tuyển dụng.
Tại Bình Dương, Công ty TNHH May mặc Bowker Việt Nam có nhu cầu tuyển dụng lao động liên tục từ nhiều tháng qua. Đại diện DN này cho biết hiện công ty có nhu cầu tuyển hơn 300 công nhân (CN) may, sẵn sàng đào tạo cho người lao động (NLĐ) chưa có tay nghề. DN cam kết thu nhập cho NLĐ trên 10 triệu đồng/tháng, thưởng 1 triệu đồng khi nhận việc, mới đi làm vẫn được nhận thưởng lương tháng 13... Dù thông tin tuyển dụng hấp dẫn như vậy nhưng nhiều tháng qua, công ty vẫn chưa tuyển đủ số lượng theo kế hoạch.
Tại Đồng Nai, Công ty CP TKG Taekwang Vina cũng đang có nhu cầu tuyển 1.000 lao động phổ thông với yêu cầu biết đọc viết cơ bản, sức khỏe tốt, sẵn sàng đi làm ngay. Đây là DN nổi tiếng có nhiều ưu đãi và phúc lợi cho NLĐ và hiện có hàng chục ngàn lao động đang làm việc.
Đại diện công ty cho biết dù đã sử dụng nhiều kênh tuyển dụng nhưng số lượng hồ sơ ứng tuyển khá ít so với trước đây, chỉ vài người tìm đến. DN cũng đã chủ động gọi mời nhân sự cũ và chấp nhận trả mức lương bằng lúc thôi việc, có chính sách cho người giới thiệu... nhưng cũng không tuyển đủ lao động.
Cũng có nhu cầu tuyển số lượng lớn lao động nhưng vì không tuyển đủ nên Công ty TNHH May mặc Song Ngọc (quận Bình Tân, TP HCM) chỉ đưa vào hoạt động 3 chuyền mới thay vì 4 chuyền như kế hoạch năm 2024. Theo ông Trần Thanh Sơn, Trưởng Phòng Nhân sự - Công ty TNHH May mặc Song Ngọc, tình hình kinh doanh ghi nhận nhiều bước tiến khởi sắc, có thêm nhiều đơn hàng dài hạn, vì vậy nhu cầu tuyển dụng của công ty khá lớn.
Đến nay, DN vẫn còn thiếu khoảng 100 lao động nên hoạt động sản xuất cũng bị ảnh hưởng. "Hiện công ty chấp nhận tuyển CN lớn tuổi, thậm chí người đã nghỉ hưu và sẵn sàng đào tạo lại từ đầu cho những CN làm trái ngành, không có tay nghề. Để giữ chân NLĐ mới gắn bó với nhà máy, công ty cũng đề ra chính sách trong 2 tháng đầu làm việc, CN sẽ được hỗ trợ thêm 3 triệu đồng/tháng" - ông Sơn nói.
Thách thức lớn phải đối mặt
Trong buổi làm việc mới đây với Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) về tình hình tuyển dụng, cung ứng lao động tại TP HCM để làm rõ thông tin thành phố hiện có thiếu lao động hay không, bà Trần Lê Thanh Trúc, Trưởng Phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở LĐ-TB-XH TP HCM), khẳng định thành phố không thiếu, nguồn cung lao động rất dồi dào.
Bà Trúc cho biết Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM vừa khảo sát tình hình tuyển dụng lao động của hơn 23.000 DN trên địa bàn. Kết quả cho thấy một số DN gặp khó khăn khi tuyển dụng lao động, lý do chính là cung - cầu chưa gặp nhau. Có trường hợp DN trả lương thấp, NLĐ "chê"; nhiều trường hợp DN không hài lòng kỹ năng, tay nghề của NLĐ.
"Với những DN thâm dụng lao động, việc sa thải người cũ và tuyển dụng người mới diễn ra quanh năm. Một số thời điểm tăng mạnh nhu cầu tuyển dụng như cuối năm, đơn hàng nhiều… Lúc đó, DN cần tuyển số lượng lớn lao động trong thời gian ngắn sẽ diễn ra tình trạng khó tuyển mang tính thời điểm" - bà Trúc đánh giá.
Cuối năm 2023, số lượng NLĐ bị cho nghỉ việc trong các ngành thâm dụng lao động khá lớn và họ thường là lao động lớn tuổi, thâm niên, lương hơn 10 triệu đồng/tháng. Nay DN có nhu cầu tuyển mới, DN lại trả mức lương khởi điểm thấp nên những lao động có kinh nghiệm không chịu nhận việc mà tìm công việc khác, hoặc làm thời vụ để hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp, BHXH.
Đánh giá về thị trường lao động việc làm quý II/2024 và 6 tháng đầu năm, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chỉ ra nhiều hạn chế. Về chất lượng cung lao động vẫn còn bất cập, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Trong khi đó, có khoảng 70% lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên phản ánh một thách thức lớn mà thị trường lao động Việt Nam đang phải đối mặt.
Điều này không chỉ cho thấy nhu cầu cần thiết trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực mà còn cả sự cấp thiết trong mở rộng cơ hội đào tạo, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế hiện đại. Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nhận định tình trạng thiếu lao động tập trung vào ngành may mặc, da giày là chủ yếu. Mức lương mà các DN dệt may, da giày tại các tỉnh phía Nam không còn "hút" lao động như trước đây. Hơn nữa, lực lượng lao động phổ thông chuyển sang khu vực phi chính thức rất nhiều vì họ có cơ hội việc làm mới.
Hiện phần lớn lao động tự do không có tay nghề chỉ được DN thuê theo thời vụ, lúc cần thì tuyển, không cần thì sa thải. Vì vậy, nhiều DN khó tuyển dụng cả lao động phổ thông và lao động có tay nghề" - ông Nguyễn Trung Tiến nói.
Thiếu hàng trăm ngàn lao động
Bộ LĐ-TB-XH dự báo trong năm 2024, các DN trên cả nước có nhu cầu tuyển dụng khoảng 1,9 triệu lao động. Trong đó, khoảng 44% lao động chưa qua đào tạo, 19% lao động có trình độ đại học trở lên và khoảng 37% lao động có trình độ trung cấp, cao đẳng. Với nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ trung cấp, cao đẳng tương đương khoảng 700.000 người so với nguồn cung lao động ở trình độ này hiện nay thì còn thiếu khoảng 200.000 đến 300.000 người. Đây là thách thức không nhỏ trong bối cảnh tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp đang còn khó khăn.
(Còn tiếp)
Bình luận (0)