Không thăm thẳm như Hoàng Sa, Trường Sa để quanh năm vời vợi giữa trùng khơi; cũng không quá gần bờ như nhiều hòn đảo trong vịnh Hạ Long khiến những cánh hải âu trở nên lười biếng, quần đảo Cô Tô cách trung tâm TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) chừng 100 km đường chim bay, còn đi tàu thủy từ cảng Vân Đồn thì chặng đường chỉ còn hơn một nửa. Khoảng cách ấy vừa đủ thỏa mãn đam mê khám phá, trải nghiệm biển đảo vừa không khiến những người vốn hạn hẹp thời gian hoặc không quen chịu đựng sóng gió đường trường phải ngại ngần cân nhắc.
Song, Cô Tô hấp dẫn còn vì nhiều điều khác nữa…
Cảnh quan mỹ lệ, kỳ thú
Từ khi sân bay quốc tế Vân Đồn khánh thành, tôi đã mơ một chuyến tham quan toàn cảnh Cô Tô bằng trực thăng, cả đi lẫn về chừng 20 phút. Tất nhiên, đó là chuyện của tương lai; còn hiện tại, chúng tôi vẫn phải xuống bến tàu khách ở cảng Vân Đồn, cứ 20 phút/chuyến, sau chừng 70 phút thì cập cảng Cô Tô.
Thế cũng đã là "trên cả tuyệt vời" rồi. Cách đây chỉ hơn 10 năm, mỗi lần ra vào giữa Cô Tô với Vân Đồn là phải chầu chực tàu khách, nếu trời yên biển lặng thì mỗi ngày một chuyến, lênh đênh từ sáng sớm đến quá trưa.
Quần đảo Cô Tô có gần 50 đảo lớn nhỏ. Ba đảo lớn nhất là Cô Tô, Thanh Lân và đảo Trần. Từ năm 1994, Cô Tô trở thành huyện đảo của tỉnh Quảng Ninh, bao gồm 2 xã Thanh Lân, Đồng Tiến và thị trấn Cô Tô, với tổng diện tích đất nổi hơn 4.750 ha.
Là huyện đảo nhưng Cô Tô có địa hình đồi núi khá đa dạng và phức tạp. Gần một nửa diện tích toàn huyện là rừng nguyên sinh rậm rạp, có nhiều sông suối nuôi dưỡng hệ thực vật và động vật phong phú. Khoảng 1/4 diện tích của huyện là đất trồng lúa, hoa màu, cây ăn quả và chăn thả gia súc. Đồng xanh nối rừng và biển, chan hòa cùng cuộc sống của đồng bào các dân tộc.
Tôi mải miết với những gì thiên nhiên ban tặng Cô Tô. Đó là nhiều cảnh quan mỹ lệ và kỳ thú. Bãi đá Cầu Mỵ như một "thiên đường đá" kỳ vĩ với hệ thống đá trầm tích được sóng biển trau chuốt hàng triệu năm. Hai bãi biển Hồng Vàn và Vàn Chài nằm ở phía Đông Nam và cuối đảo, đẹp mịn màng và yên tĩnh như 2 thiếu nữ thiêm thiếp bên mép sóng lăn tăn.
Đảo Cô Tô Con không có dân sinh sống, dành cho du khách tận hưởng vẻ hoang sơ huyền bí cùng những kỳ quan thiên tạo. Cô Tô còn có nhiều công trình chứa đựng những giá trị lịch sử và văn hóa đặc sắc. Đó là trạm hải đăng được xây dựng từ thế kỷ XIX, vừa là "con mắt biển" đắc lực vừa là kiến trúc độc đáo và là đài quan sát tuyệt vời để ngắm trọn toàn cảnh Cô Tô. "Con đường Tình yêu" dài hơn 2 km được lát gạch đỏ, men theo bờ biển, hai bên là hai hàng dương xanh ngắt triền miên vi vu tiếng gió, quả là hết sức lãng mạn như tên gọi của nó.
Tượng đài Bác Hồ và Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên quần đảo Cô Tô
Đón Bác về thăm
Trên quần đảo Cô Tô còn có một công trình đặc biệt. Đó là Tượng đài Bác Hồ và Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng tại nơi gần 60 năm trước Người ra thăm, đứng nói chuyện với quân và dân ở đây.
Tôi đến thăm và hỏi chuyện cụ Trần Thị Trác (79 tuổi; ngụ khu 4, thị trấn Cô Tô), một cựu nữ dân quân từng tham gia bảo vệ sự kiện đặc biệt trên. Cụ Trác kể: Hồi đó, Cô Tô còn rậm rạp, hoang sơ lắm. Bãi đáp trực thăng là thửa ruộng trồng khoai lang, lọt thỏm giữa bốn bề cây dại. Trung đội dân quân triển khai nhiệm vụ túc trực canh gác...
Khoảng 8 giờ ngày 9-5-1961, trực thăng chở Bác từ từ đáp xuống. Hơn 4.000 người đủ già trẻ, gái trai, bộ đội, công an vỗ tay vang dội khắp một vùng. Hôm đó, Bác đứng nói chuyện với đồng bào, cán bộ và chiến sĩ ngay trên bãi đất trống. Người khen ngợi, động viên, căn dặn nhiều điều rất cụ thể và sát thực.
Sau dịp ấy, đồng bào Cô Tô đề đạt nguyện vọng muốn được dựng tượng Bác để ngày ngày được gần gũi Người hơn. Nguyện vọng ấy được Bác đồng ý. Bức tượng được hoàn thành vào năm 1968 và đó là bức tượng duy nhất được Bác Hồ đồng ý cho xây dựng lúc sinh thời của Người.
Cụ Trần Thị Trác - cựu nữ dân quân từng tham gia bảo vệ sự kiện Cô Tô đón Bác
Từ đó đến nay, hằng ngày, đồng bào và chiến sĩ Cô Tô cũng như du khách muôn phương ra đảo thưởng ngoạn đều nhìn thấy Bác Hồ tươi cười giơ tay vẫy chào như động viên, nhắc nhở mọi người ra sức xây dựng huyện đảo ngày càng giàu mạnh, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng.
Định cư lập nghiệp
Nói về thành quả bảo vệ môi trường ở Cô Tô những năm gần đây, cụ Trần Thị Trác có một nhận xét thật trực quan sinh động: "Từ ngày phát động xanh hóa các khu dân cư và bảo vệ nghiêm ngặt các khu rừng tự nhiên, cái giếng nhà tôi nước nhiều và ngọt hơn trước".
Ông Đặng Quang Ngạn, nguyên Phó Chủ tịch HĐND huyện Cô Tô, nêu 2 hiện tượng khái quát khi nói về thành quả phát triển kinh tế - xã hội địa phương này: Trước đây, cán bộ ra đảo chỉ mong hết "thời hạn nghĩa vụ" để về đất liền, nay thì rất nhiều người mang cả gia đình ra định cư lập nghiệp. Trước đây, bà con ra đảo làm ăn, tích cóp được đồng nào là chuyển về đất liền đầu tư, nay thì rất nhiều người mang tiền trong đất liền ra đảo làm ăn.
Từ năm 2013, điện lưới quốc gia kéo đến từng hộ gia đình Cô Tô. Công trình đập Trường Xuân hoàn thành, cung cấp đủ nước sinh hoạt và sản xuất cho toàn bộ thị trấn Cô Tô cùng một phần xã Đồng Tiến. Tuyến đường xuyên đảo cùng hệ thống các đường "xương cá" được kiên cố hóa, cùng đó là âu tàu và cảng biển được đầu tư nâng cấp. Tất cả đã tạo cho Cô Tô một thế và lực mới. Cơ cấu ngành nghề thay đổi. Năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất - kinh doanh nâng cao. Năm 2015, Cô Tô được Chính phủ công nhận là "Huyện đảo đạt chuẩn Nông thôn mới" đầu tiên của cả nước.
Chất lượng xây dựng nông thôn mới là nền tảng để du lịch Cô Tô phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, với doanh thu hằng năm từ các hoạt động dịch vụ du lịch ước tính trên 400 tỉ đồng kể từ năm 2016, góp phần giải quyết việc làm cho khoảng một nửa dân số huyện đảo.
Đảng viên làm "mô hình mẫu"
Nếu trong phong trào xây dựng nông thôn mới, huyện đảo Cô Tô nổi bật những tấm gương nhân dân hiến đất làm "điện, đường, trường, trạm" thì trong phát triển du lịch lại xuất hiện nhiều tấm gương cán bộ, đảng viên là những "mô hình mẫu" cho nhân dân làm theo.
Ông Trần Như Long - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô - cho biết: "Học tập và làm theo gương Bác ở Cô Tô chính là thực hiện những lời căn dặn của Người vào sáng 9-5-1961. Bác yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải hướng dẫn, giúp đỡ đồng bào các đảo cùng tiến bộ. Cô Tô là đảo tiền tiêu nơi đầu sóng ngọn gió của vùng biển Đông Bắc. Khác với nhiều đảo vùng biển miền Trung và miền Nam, ở đây mỗi năm chỉ đón khách du lịch được chừng vài tháng mùa hè nên việc kêu gọi đầu tư xây dựng hệ thống khách sạn cao cấp là rất khó. Mô hình thích hợp nhất là phát triển dịch vụ phòng nghỉ trong nhà dân (homestay) và khuyến khích cán bộ làm "mô hình mẫu" cho nhân dân làm theo. Trước hết là xây dựng văn hóa du lịch trong dịch vụ giá cả, bảo đảm an ninh và vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm".
Triển khai một dự án nâng cấp hạ tầng giao thông ở Cô Tô
Nhờ những "mô hình mẫu" về văn hóa du lịch trên đây mà homestay ở Cô Tô đang dần trở thành "đặc sản" với những câu chuyện cảm động như không ít lần biển động, kẹt tàu…, du khách được các gia đình giảm giá phòng và hỗ trợ những bữa cơm cây nhà lá vườn. Tất cả đều lấp lánh những nét sáng tạo, gương mẫu của cán bộ, đảng viên và niềm tự hào của nhân dân huyện đảo từng vinh dự được đón Bác Hồ ra thăm.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)