Như một sự thôi thúc từ sâu thẳm tâm hồn, cô đã quay trở lại nơi đã giúp đỡ mình, lan tỏa lòng tốt trong cuộc sống.
Diệu Thuần luôn hết lòng hỗ trợ cho trẻ em mắc bệnh ung thư
Lắng nghe tiếng vọng từ cuộc sống
Gặp Thuần dù ở quán cà phê, tại nơi làm việc, hay ở Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, nơi cô đang làm thiện nguyện, đều thấy hiện lên một sự tự tin, nhiệt huyết. Ít người nghĩ rằng cô từng phải vùng vẫy, chiến đấu trong nỗi đau bệnh tật suốt nhiều năm liền. Thuần nói: "Điều khiến tôi trở nên lạc quan và biết nghĩ đến những em bé chẳng may mắc bệnh ung thư là vì bản thân đã lắng nghe thực tế cuộc sống. Chính những cuộc chiến đấu với bệnh tật của người khác đã dội vào tôi lòng thương cảm, giúp cho tôi phải nghĩ ra những việc làm tốt, tích cực cho người khác".
Diệu Thuần từng mắc ung thư máu năm 18 tuổi khi đang học năm thứ nhất Khoa Tài chính - Ngân hàng Trường ĐH Kinh tế (ĐHQG Hà Nội). Sau 7 năm điều trị, như một phép mầu, Thuần khỏi bệnh nhờ ca ghép tế bào gốc thành công.
Nhớ lại quãng thời gian đương đầu với bệnh tật và được cứu chữa, giọng Thuần nghẹn lại: "Mẹ tôi từng là đôi chân của tôi trong những tháng ngày căn bệnh quyết đánh gục, ép tôi phải nằm im trên giường. Bạn bè từng đạp xe hàng chục cây số để hiến máu cho tôi trong những ngày bệnh viện khan hiếm máu. Mỗi sáng đi thăm bệnh nhân, cô bác sĩ điều trị cho tôi thậm chí còn gọi tôi là "công chúa" và hướng dẫn hít thở để giúp tôi phấn chấn suốt một ngày. Các thầy cô, các bạn, cô bác hàng xóm và vô số người xa lạ đã góp quỹ để tôi có được ca ghép tế bào gốc thành công vào năm 2012".
Hồi sinh sau ca ghép tế bào gốc, nhờ vào tình người, những tấm lòng hảo tâm, Thuần đã có cơ hội sống tốt hơn để cùng với rất nhiều người bạn của mình lan tỏa niềm tin và hy vọng tới những người kém may mắn khác, đặc biệt là trẻ em ung thư. Nên khi đã hồi phục sức khỏe, Thuần không rời khuôn viên bệnh viện. Bởi lẽ, cô luôn có một sự trăn trở đặc biệt với những bệnh nhi ung thư.
Năm 2016, cô trở lại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương với tư cách là một tình nguyện viên. Cô lại trò chuyện, chơi với các em bị ung thư, dạy các em đọc, vẽ, cùng xin sách làm tủ sách cho các em đọc.
Các thành viên Mạng lưới vì trẻ em ung thư vẽ màu acrylic lên túi vải
Lớp học với bệnh nhi ung thư
Thuần bày tỏ: Năm 2016 là một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời, bởi đó là năm tôi bắt đầu trở lại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, nơi tôi từng là bệnh nhân, để trở thành một tình nguyện viên dạy học cho các em nhỏ ở khoa bệnh máu trẻ em.
Tôi đặt tên cho dự án nhỏ của mình là "Lớp học thứ bảy". Ở đó tôi được gặp gỡ, lắng nghe, trò chuyện cùng những cô bé, cậu bé vô cùng đáng yêu. Các em phải rời xa trường học, mái nhà thân yêu của mình để đến bệnh viện điều trị từ tháng này qua tháng nọ, thậm chí từ năm này qua năm khác nhưng vẫn luôn hồn nhiên và mang nhiều mơ ước. Tôi được chính các em truyền cảm hứng để bắt tay thực hiện những dự án xã hội mà đối tượng hưởng lợi chính là các em và gia đình các em sau này.
Trong lúc phải điều trị bệnh, Thuần đã nương tựa vào thơ, tản văn để tăng sự dũng cảm, tự tin và thấy cuộc sống còn nhiều điều tốt đẹp. Cô quan niệm ngay cả những em bé trong bệnh viện cũng khao khát sống, chiến đấu để giành lấy những ngày vui, sao một người đã có suy nghĩ như cô lại không. Cô đã sáng tác thơ, tản văn bằng niềm ham thích của một cô gái khát sống.
Để tăng sự hiểu biết, Thuần cũng đọc thêm nhiều sách viết về quê hương, đất nước, những tấm gương vượt qua nghịch cảnh để mình được tiếp thêm động lực, được học tập và có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc sống. Cuốn sách "Như hoa hướng dương" đã ra đời, may mắn được nhiều người tốt ủng hộ, Thuần đã có một khoản tiền bán sách để làm từ thiện, giúp đỡ trẻ em nghèo, trẻ em người dân tộc thiểu số.
Giữa năm 2017, Thuần được động viên viết cuốn sách về những trải nghiệm, quá trình vượt qua bệnh tật của bản thân. Cô bắt tay ngay vào việc ấy thật mau lẹ, cuốn sách có tựa đề "Muôn ánh mặt trời", như là lời tri ân cho những ơn huệ cô mang trong cuộc đời.
Thuần tâm sự: "Sau này, tôi còn chấp bút cho cuốn tự truyện của một chị bệnh nhân ung thư và gần đây làm cuốn sách song ngữ "Em ước mong sao" (I wish). Cuốn sách tập hợp những câu chuyện của các em nhỏ đang đối diện với căn bệnh ung thư hoặc có cha/mẹ mắc phải căn bệnh này. Tôi đã trò chuyện và ghi chép lại trong suốt quá trình hoạt động tình nguyện từ năm 2016".
"Em ước mong sao" (I wish) là chính câu chuyện của các em nhỏ sẽ có tác động cải thiện tinh thần, tạo động lực và lan tỏa lối sống tích cực. Qua cuốn sách, người lớn hiểu được hoàn cảnh và ước mơ của các em. Ước mơ của các em rất giản dị, là được đi học, được có một mái tóc đẹp để tự tin hơn. Có em mong muốn trở thành bác sĩ để chữa căn bệnh này cho mọi người, để mọi người ngủ ngon hơn, không phải thức giấc giữa chừng như em nữa.
Diệu Thuần luôn xuất hiện với nụ cười tỏa nắng
Những dự án đầy ý nghĩa
Còn nhớ năm 2019, qua quan sát, Thuần thương những người mẹ phải bỏ nhà cửa, công việc, đưa con vào Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Hằng ngày những người mẹ chỉ có tiêu tiền thôi chứ rất ít người còn kiếm được tiền.
Nhờ ý kiến và sự giúp đỡ của Phòng Công tác xã hội Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Thuần đã mở lớp dạy thêu cho mẹ của các em bị ung thư. Thuần kể: "Lúc đó chính việc học thêu, màu sắc của sợi chỉ, những bức hình tác động đã giúp các chị được thư giãn, lạc quan hơn, nghĩ đến việc sau này mình có thể kiếm được tiền. Tất nhiên, chúng tôi dạy thêu những hình đơn giản trước, để những người học chậm cũng không bị nản".
Khi dịch COVID-19 hoành hành, Thuần lại nghĩ ra cách đặt hàng các chị thêu những bông hoa nhỏ lên khẩu trang. Bản thân Thuần tự "chào hàng" trên mạng xã hội và đã bán được sản phẩm, giúp cho nhiều chị có thu nhập. Với nhiều chị, Thuần nhận sản phẩm, trả tiền trước rồi bán dần. Nhờ việc làm vô tư ấy, các chị rất quý mến, hào hứng làm việc và Thuần thấy đó cũng là một trong những liều thuốc tốt nhất cho cả em bé mắc bệnh.
Hai năm qua, Thuần sáng lập và làm giám đốc điều hành Mạng lưới vì trẻ em ung thư. Thông qua dự án "Đôi bàn tay mẹ", Thuần đã tạo việc làm bằng nghề thêu cho nhiều người mẹ của bệnh nhi ung thư tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Các anh chị từ Phòng Công tác xã hội đã đưa ra những lời khuyên để Thuần không chỉ hướng đến giúp những người mẹ đặc biệt này có thêm thu nhập mà còn xem như đây là một hoạt động hỗ trợ tinh thần cho họ trong thời gian cùng con điều trị bệnh.
Trong quá trình trải nghiệm cá nhân, cô biết nhiều anh chị bị bệnh đồng thời rất lo lắng cho những đứa con ở nhà, ảnh hưởng đến việc điều trị. Các em nhỏ ở nhà thấy bố mẹ đi xa điều trị, thay đổi về ngoại hình cũng đã ảnh hưởng tâm lý. Vậy là Thuần nghĩ đến việc xây dựng quỹ học bổng "Em ước mong sao" dành cho học sinh cấp II, cấp III có cha mẹ mắc ung thư. Đó là việc rất thiết thực, ý nghĩa.
Đến nay, cùng với sự chung tay của cộng đồng, dự án của Thuần đã trao 110 triệu đồng cho 22 học sinh tại 9 trường ở Hà Nội, Nghệ An, Quảng Ninh... Mới đây, Thuần đã thực hiện dự án "Trạm tóc ước mơ", giúp cho nhiều trẻ em mắc bệnh có những bộ tóc đẹp. Rất nhiều người hiến tóc, từ các em học sinh cho đến những người chị, người mẹ.
Cuộc đời còn rất nhiều người tử tế
Ngẫm lại cả một chặng đường, Thuần tâm sự: "Tôi đã không thể làm được những việc ý nghĩa nếu thiếu sự ủng hộ của cộng đồng và các nhà hảo tâm. Càng thấy cuộc đời này có quá nhiều người tốt, tử tế, sẵn sàng xắn tay vì cộng đồng. Là người con của xứ Nghệ, tôi luôn học tập các bậc tiền nhân, để liên tục hoàn thiện mình. Tôi mong mình làm được nhiều hơn nữa, thêm nhiều tia nắng ấm đồng hành cùng các em bé ung thư, nhân thêm nụ cười tỏa nắng trong cuộc đời".
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)