Ngược lên miền núi tỉnh Phú Yên một ngày đầu tháng 8-2023, tôi tìm gặp ông Phan Ngọc Phượng (SN 1960), trú ở thôn An Hòa, xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh - một trong 75 người tham dự hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc, nhân kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11.6.1948 - 11.6.2023).
Từ nồi cháo tình thương
Bằng phong thái nhanh nhạy cùng với nét cười hiền lành hiện hữu trên gương mặt phúc hậu, ông Phan Ngọc Phượng tâm sự: "Thời trẻ, tôi viết đơn xung phong vào bộ đội. Sau hơn 4 năm (1981-1985) làm lính ở Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Phú Khánh trước đây, tôi rời quân ngũ về lại quê nhà làm nghề nông và gia công cưa xẻ gỗ. Cơ duyên đưa vợ chồng tôi đến với hoạt động thiện nguyện cách đây hơn 7 năm.
Lúc ấy tôi thường đưa vợ đến Bệnh viện Đa khoa, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Phú Yên và Viện Huyết học Truyền máu TP HCM để điều trị thoái hóa cột sống, giảm thiểu hồng cầu. Vợ chồng tôi thật sự xúc động khi nhìn thấy bệnh nhân nghèo được những nhóm thiện nguyện cùng bếp ăn từ thiện của các cơ sở y tế tận tình hỗ trợ những suất cơm, cháo và có người còn được nhận quà. Cũng từ đó, ý tưởng góp công sức cho việc thiện được vợ chồng tôi thực hiện từ nồi cháo tình thương…".
Vợ chồng ông Phan Ngọc Phượng - bà Nguyễn Thị Lý rà soát lại hoạt động thiện nguyện trong tuần
Với 400.000 đồng còn lại sau chuyến đi điều trị ở Viện Huyết học Truyền máu TP HCM, ông Phan Ngọc Phượng cùng vợ là bà Nguyễn Thị Lý chọn cách khởi đầu hoạt động thiện nguyện bằng 100 suất cháo chế biến từ gạo đồng, thịt nạc, khoai tây, khoai môn dành cho người già và trẻ em ở xã Đức Bình Tây. Nghe tin, 3 người con của họ điện thoại, gửi chút tấm lòng cho nồi cháo, sau đó nhiều người thân, tiểu thương thấy hành động này có ý nghĩa nhân văn nên mới tìm hiểu, động viên và góp thêm tiền thường xuyên. Nhờ đó nồi cháo tình thương do ông bà Phượng - Lý đảm trách vẫn "đỏ lửa, ấm tình" đều đặn với 100-300 suất vào ngày thứ bảy và chủ nhật hằng tuần.
Chiếc cầu nối và sự minh bạch
Khi nồi cháo tình thương lan tỏa niềm vui đến với nhiều người ở địa phương, ông bà Phượng - Lý lại nghĩ đến chuyện mở rộng tầm hoạt động thiện nguyện ở nhiều địa phương và nhiều hình thức. Do không có điều kiện kinh tế nên năm 2017 họ sử dụng Facebook, Zalo đăng tải thông tin, hình ảnh các mảnh đời bất hạnh để vận động những tấm lòng nhân ái sẻ chia, hỗ trợ.
Lúc đầu chỉ nghĩ cầu may, nhưng không ngờ giữa nhịp sống đời thường luôn có nhiều người tốt. Lúc đầu là bạn bè, người thân của ông bà Phượng - Lý, sau đó có thêm nhiều doanh nghiệp, hội - nhóm thiện nguyện, nhà hảo tâm ở TP HCM và các tỉnh phía Nam gửi tiền, quà, nhờ họ làm cầu nối sưởi ấm tình người những trường hợp khó khăn, hoạn nạn, già yếu neo đơn, bệnh nhân nghèo, học sinh vượt khó hiếu học.
Khi nghe tôi hỏi bí quyết để hành trình thiện nguyện tiếp diễn với thời gian, ông Phượng bày tỏ chân tình: "Xác định mình là chiếc cầu nối nên vợ chồng tôi luôn nhận thức trách nhiệm công khai, minh bạch mọi nguồn tiền, quà. Trao tặng cho trường hợp nào đều cập nhật sổ sách, chụp ảnh rồi chuyển tải thông tin đầy đủ cho các doanh nghiệp, hội - nhóm, cá nhân đã hỗ trợ, nên mỗi năm có thêm nhiều tấm lòng nhân ái sẻ chia yêu thương…".
Trong 6 năm qua (2017-2023), trên địa bàn tỉnh Phú Yên, ông bà Phượng - Lý đã làm cầu nối, vận động nhiều doanh nghiệp, hội - nhóm thiện nguyện, nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng 6 căn nhà tình thương có tổng trị giá hơn 270 triệu đồng; khoan mới 14 giếng nước cho gia đình đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ kinh phí mai táng cho gần 300 người neo đơn, gia cảnh khó khăn từ 6-8 triệu đồng mỗi trường hợp; trao tặng 115 chiếc xe lăn cho người khuyết tật và hàng ngàn suất quà.
Với phương châm hành động "Ai thiếu đến nhận - Ai dư đến góp", hơn 4 năm qua, tại nhà ông bà Phượng - Lý hình thành "Cửa hàng 0 đồng" với quần áo, giày dép cũ - mới, gạo, mì tôm, nước mắm, dầu ăn, bột ngọt... Cùng thời gian đó, ông bà còn vận động nguồn tiền từ nhà hảo tâm hỗ trợ thường xuyên hằng tháng cho 15 gia đình khó khăn ở xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh; trong đó có 10 trường hợp hỗ trợ mỗi gia đình 200.000 đồng, 5 trường hợp hỗ trợ 300.000 - 1 triệu đồng.
Lan tỏa tình người ấm áp
Bà Ka Pá H’Phương (SN 1981), trú ở thôn Quang Dù, xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh, bày tỏ: "Hơn 4 năm trước, căn nhà nhỏ của gia đình tôi xập xệ muốn đổ ngã, nắng xiên qua mái, mưa nước đổ dầm nền. Cũng may có ông bà Phượng - Lý đưa nhóm thiện nguyện đến hỗ trợ 50 triệu đồng để xây lại căn nhà nên gia đình tôi có nơi cư trú ổn định".
Trường hợp ông Lương Văn Chính (SN 1949), trú ở thôn Đồng Phú, xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh bị cụt chân, người vợ thường xuyên đau ốm, con gái mắc bệnh tâm thần cũng được ông bà Phượng - Lý kết nối nhà hảo tâm hỗ trợ 50 triệu đồng để xây lại căn nhà…
Tại địa phương này còn có trường hợp em Nguyễn Đoàn Nhật Huy - học sinh lớp 9 Trường THCS Đức Bình Tây, bị khuyết tật bẩm sinh, cha bỏ rơi, mẹ mưu sinh vất vả ở xa, em sống cùng bà ngoại đã già yếu nên được ông bà Phượng - Lý hỗ trợ xe đạp, chi phí sách vở, quần áo... Không phụ lòng tốt của mọi người, nhiều năm liền Huy là học sinh giỏi.
Không chỉ ở Phú Yên mà mùa mưa bão năm 2020, ông bà Phượng - Lý đã cùng một số nhà hảo tâm đến nhiều vùng lũ ở Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế hơn 50 ngày để trao quà cứu trợ.
Ông Phan Ngọc Phượng (đứng giữa) tại hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc Ảnh: PHAN VĂN LƯƠNG VÀ NHÂN VẬT CUNG CẤP
Theo ông Nguyễn Văn Hà - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Sông Hinh, nhiều năm qua ông Phan Ngọc Phượng không chỉ là một cựu chiến binh, nông dân gương mẫu mà còn có nhiều đóng góp tích cực, hiệu quả trong hoạt động thiện nguyện, xây dựng nét đẹp tình người lan tỏa trong cuộc sống bình dị giữa đời thường.
Ghi nhận thành tích đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh Phú Yên; Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Sông Hinh cùng nhiều đoàn thể cấp huyện, chính quyền một số xã trao tặng cho ông Phan Ngọc Phượng hơn 10 bằng khen, giấy khen. Tại hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2023, ông Phan Ngọc Phượng vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước.
Vui nhất là hỗ trợ kịp thời, đúng địa chỉ
Nói về những kỷ niệm buồn vui trong hành trình thiện nguyện, ông Phượng nhớ lại: "Năm 2021, giữa lúc dịch COVID-19 bùng phát, nhiều khu dân cư phong tỏa, không ít người phải đưa vào khu cách ly. Để chia sẻ một phần khó khăn chung, tôi sử dụng Facebook, Zalo vận động nhiều nguồn hỗ trợ gạo, mì tôm, mắm, thịt, trứng, vật tư y tế thiết yếu... có tổng trị giá khoảng 70 triệu đồng để cung cấp cho các khu cách ly, phong tỏa.
Để nhận được nguồn hỗ trợ đó và chuyển tải đến những nơi cần đến, nhiều khi một tuần tôi phải đi test nhanh vài ba lần để có giấy thông hành điều khiển xe máy kéo rơ-moóc thô sơ để chở lương thực, thực phẩm trong giới hạn cho phép. Lúc đó, vợ chồng tôi còn chế biến 150-200 suất cơm mỗi ngày để chở đến khu cách ly ở hai huyện Sông Hinh, Sơn Hòa và một số chốt kiểm dịch...".
Ngừng một lát, ông Phượng tâm sự: "Lắm lúc nửa đêm, mờ sáng hay giữa tiết trời mưa gió, tôi phải hối hả lên xe máy chạy đi nhiều chặng đường để kịp thời hỗ trợ mai táng người chết, người bị tai nạn, phẫu thuật cấp cứu... Đôi lúc cũng mỏi mệt nhưng vợ chồng tôi luôn cảm nhận được niềm vui và sự ấm áp trong suốt hành trình thiện nguyện. Vui nhất là khi tiền, quà hỗ trợ được chuyển đến kịp thời, đúng địa chỉ và đúng định lượng mà nhà hảo tâm đã nhờ mình làm cầu nối thiện nguyện".
Bình luận (0)