Trở về nhà sau một ngày bán rau bận bịu tại chợ Thủ Dầu Một, Tuấn chưa kịp tắm giặt liền ngồi xuống mâm cơm thì điện thoại reo lên từ một số lạ. "Alô, Tuấn cứu thương miễn phí phải không? Vừa có vụ tai nạn giao thông ở phường An Thạnh (TP Thuận An) nặng lắm!". Tuấn hít thật sâu, đáp: "Vâng, tôi sẽ đưa xe đến ngay!".
Người có thể mệt nhưng pin điện thoại luôn phải khỏe
Bố mẹ Tuấn cũng vội vàng chạy ra mở cửa cổng, căn dặn con trai đi cẩn thận và dõi theo xe đến khi khuất ngõ. Bữa cơm thất thường như vậy đã diễn ra với gia đình Tuấn đã gần 4 năm, từ khi nghiệp cứu người vận vào chàng trai mới 26 tuổi.
Trên đường đi, Tuấn nhận được vị trí chính xác của nạn nhân qua định vị điện thoại. Đến hiện trường, Tuấn nhanh chóng cùng người dân đưa nạn nhân lên xe cứu thương và chạy vào bệnh viện gần nhất. Khi nạn nhân được các bác sĩ cấp cứu, người nhà đến thì Tuấn lại lẳng lặng ra về.
Trước đây cứ 2-3 giờ sáng, Tuấn dậy đi lấy rau ở chợ đầu mối bằng ô tô, gặp ai bị nạn thì Tuấn đưa đi. Rồi thấy có một số vụ nạn nhân nằm ở đường cả tiếng đồng hồ chưa có xe cấp cứu nên Tuấn đưa số điện thoại lên mạng (số ĐT Tuấn: 0971.0971.31) để chủ động hỗ trợ đưa nạn nhân đến bệnh viện. Công việc cả ngày đã bào mòn sức khỏe nhưng Tuấn nói "người có thể mệt vẫn cố được nhưng điện thoại lúc nào cũng phải khỏe pin, sóng tốt để không ai gọi đến trong vô vọng".
Công việc hằng ngày của Lê Anh Tuấn là lấy rau và phụ giúp gia đình bán rau. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Chú Lê Trung Tư, 56 tuổi, bố của Tuấn cho biết: Vợ chồng tôi sinh được 2 cháu nhưng một cháu đã mất năm 15 tuổi, giờ tuổi già chỉ trông cậy vào mỗi Tuấn. Tuấn nghỉ học từ năm lớp 8 để phụ gia đình bán rau. Trước Tuấn cũng ham chơi lắm, hay đòi bố mẹ lên đời xe, tối hay đi chơi về khuya cùng đám bạn, người làm cha như tôi rất lo lắng. Nhưng sau một lần Tuấn bị tai nạn giao thông (TNGT) và được người dân giúp đỡ nên Tuấn đã suy nghĩ rất nhiều về bản thân và quyết định trả ơn cho xã hội. Thấy con thay đổi tính nết, làm việc có ích, gia đình rất phấn khởi. Tuy nhiên, cũng lo vì cháu thường đi cứu hộ trong đêm nên khi con về nhà an toàn thì tôi mới dám đi ngủ.
Mẹ Tuấn, cô Lê Thị Phương Mai, 56 tuổi tâm sự: Tuấn giấu tôi chạy xe cứu thương hơn 3 tháng sau khi bị tôi phát hiện trên xe, quần áo con dính máu. Tôi cũng lo lắm nhưng Tuấn nói trong lòng sẽ rất day dứt nếu không đi giúp người. Sau mỗi lần cứu thương, hai vợ chồng lại hỗ trợ xịt khử trùng xe, bồi bổ sức khỏe cho con. Thú thật, mỗi đêm Tuấn đánh xe đi, vợ chồng tôi như ngồi trên đống lửa. Có lần vừa đi chở nạn nhân về đã 12 giờ đêm liền có chuông điện thoại cầu cứu, Tuấn lại đi luôn. Thấy con mệt nhoài, tôi nói khuyên họ nhờ người khác nhưng Tuấn nhất quyết nhận, bảo đêm khuya họ nhờ được ai nữa.
Đưa bạn gái đi chơi bằng xe… cứu thương
Từ khi bắt tay vào công việc lái xe cứu thương, Tuấn có những thói quen mới bởi anh quý thời gian như vàng. Đôi dép của Tuấn bao giờ cũng hướng ra ngoài và đặt ở một chỗ cố định hay chiếc áo phản quang, chỗ để điện thoại livestream trong suốt hành trình cứu hộ đều rất đặc biệt.
Ban đầu, chiếc xe cứu thương chính là chiếc xe chở rau hằng ngày của gia đình. Sau một thời gian chở nạn nhân, Tuấn đã trang bị thêm thiết bị y tế như cáng, bông băng thuốc đỏ, đèn ưu tiên và học hỏi một số kỹ năng sơ cứu nạn nhân TNGT cơ bản. Tuấn dành hơn 100 triệu đồng tiết kiệm được để mua một chiếc ô tô 16 chỗ cũ vào tháng 8-2019, dùng để chạy cứu thương.
Để phản ứng nhanh sau khi nhận cuộc gọi, Tuấn nảy ra ý tưởng đưa xe cứu thương trở thành phương tiện đi lại chính. "Vài lần em đang đi ăn cùng gia đình, bạn bè thì nhận được cuộc gọi nhờ đưa nạn nhân đi cấp cứu. Lúc đó mà đi xe máy về nhà rồi mới lái xe cứu thương đi thì mất nhiều thời gian quá, nạn nhân không chờ được. Vì vậy những lần sau em lái xe cứu thương đi ăn luôn, nhỡ có người gọi thì có thể đi ngay" - Tuấn chia sẻ.
Lê Anh Tuấn đưa nạn nhân lên xe và chuẩn bị chạy đến bệnh viện (Ảnh nhân vật cung cấp)
Mới kết hôn được hơn một năm, Tuấn và vợ cũng không ít lần dỗi hờn vì chàng trai lỡ hẹn. Có những lần hẹn hò nhân dịp đặc biệt thì Tuấn đến muộn hoặc phải hủy vì đang lái xe cứu thương. Bạn gái gọi điện thoại nghe tiếng còi cấp cứu hú thì tự hiểu là đã hủy cuộc hẹn, lâu rồi bạn gái cũng thông cảm, hiểu anh mà về chung một nhà.
Trong gần 1.000 chuyến xe cấp cứu miễn phí, Tuấn ám ảnh nhất vụ tai nạn vào khoảng 1 giờ đêm một ngày cuối năm 2021. Một cô gái bị ô tô chèn qua người, máu chảy be bét không ai dám lại gần. Bản thân Tuấn cũng rất sợ nhưng nếu không đưa nạn nhân đi ngay sẽ có thể mất nhiều máu và tử vong. Rồi đưa lên xe mà nạn nhân chẳng may tử vong sẽ có người nghĩ Tuấn gây ra vụ tai nạn… Bao viễn cảnh hiện ra nhưng chẳng còn thời gian cho Tuấn suy nghĩ nhiều như vậy. Tuấn vội vã đặt máy livestream và đưa nạn nhân vào cáng, lên xe, chạy thẳng tới bệnh viện. Rất may nạn nhân sau đó đã qua cơn nguy kịch.
"Em livestream vì mong muốn để mọi người biết em đến hiện trường chỉ giúp nạn nhân chứ không phải người gây ra tai nạn, hôi của hay kêu gọi ủng hộ, làm màu điều gì. Giờ mỗi lần nghe tiếng chuông điện thoại kêu là em đều giật mình, hít một hơi dài để nghe máy" - Tuấn tâm sự.
Vẫn làm đến khi không còn sức lực
Trong gần 5 năm làm công việc này, Tuấn được bà con xóm giềng phong danh hiệu "Hiệp sĩ bóng đêm". Hàng trăm cuộc điện thoại gọi đến cảm ơn mà Tuấn không nhận ra ai vì cứ hỗ trợ nạn nhân xong thì Tuấn ra về mà không hỏi tên, địa chỉ. Tuy vậy, cũng có không ít trường hợp "làm ơn mắc oán", "dở khóc dở cười" với Tuấn.
"Khi đến hiện trường, em chỉ quan tâm làm sao đưa nạn nhân đến bệnh viện nhanh nhất. Có lần cấp cứu xong, người nhà nạn nhân mới đến. Do mất bình tĩnh nên họ lao tới đánh em vì nghĩ em là người gây ra tai nạn cho thân nhân của họ. Lúc đầu em cũng rất sợ, cố giữ bình tĩnh để giải thích cho họ hiểu" - Tuấn cho biết.
Lê Anh Tuấn bên chiếc xe cứu thương đã đồng hành với anh gần 5 năm qua (Ảnh nhân vật cung cấp)
"Ngoài ra, một số người chưa hiểu, nghĩ em làm để trục lợi kiếm tiền khiến em rất chạnh lòng. Có người nói thấy công việc em làm ban ngày còn không hết tại sao ban đêm không ngủ còn đi làm việc này, định làm thay công việc của bệnh viện hay có động cơ kinh doanh. Nhưng sau hàng trăm chuyến xe, em chưa nhận tiền công của ai bao giờ, tất cả xuất phát từ cái tâm và sự đồng cảm thì nhiều người đã hiểu, người nhà nạn nhân càng hiểu về việc em làm". Tuấn nói và cho biết sẽ tiếp tục lái xe cứu thương miễn phí đến khi nào không còn sức khỏe thì mới dừng lại.
Chị Bùi Thị Ngọc Linh - Bí thư Đoàn Thanh niên phường Phú Thọ, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương - nhìn nhận: "Gần 5 năm nay, Tuấn đã lái gần ngàn chuyến xe cứu thương miễn phí hỗ trợ nạn nhân TNGT. Việc làm của Tuấn rất ý nghĩa, thể hiện tinh thần tuổi trẻ cống hiến vì cộng đồng".
An toàn là trên hết
Làm công việc ý nghĩa nên Tuấn luôn xác định phải bảo đảm an toàn cho bản thân và nạn nhân. Chủ yếu Tuấn hỗ trợ ban đêm từ 19 giờ đến 3 giờ sáng hôm sau. "Nếu như tham quá không bảo đảm sức khỏe thì cũng có thể em sẽ gặp tai nạn trên đường. Vậy nên mỗi lần đưa nạn nhân cấp cứu xong em về tranh thủ ngủ được chút nào hay chút ấy. Hay nạn nhân nào nhờ chở về quê xa quá em cũng không dám nhận vì đi đường dài em lo chưa bảo đảm an toàn cũng như không có ai túc trực ở nhà thay em" - Tuấn tâm sự.
Bình luận (0)