Dọc con đường dẫn ra Nhà lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và nhà thơ Tố Hữu ở xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế là những ruộng rau má tốt tươi nằm xen giữa những ruộng lúa đang lên, non xanh mơn mởn.
Sống nhờ nghề này
Dẫn chúng tôi đi thăm khu vực trồng rau má của xã, ông Nguyễn Lương Trí, Giám đốc HTX Nông nghiệp Quảng Thọ II, xã Quảng Thọ giọng đầy vẻ âu lo: "Sau Tết năm nay, thời tiết không thuận lợi nên rau má kém phát triển, không đủ nguồn cung cho khách".
Quảng Thọ là địa phương có diện tích trồng rau má lớn nhất ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, khoảng 60 ha, tập trung chủ yếu ở thôn Phước Yên và thôn La Vân Thượng, trong đó có 50 ha được sản xuất theo đúng quy trình VietGAP - mục tiêu bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng và 1,5 ha trồng hữu cơ. "Có 250 hộ dân tham gia sản xuất rau má. Họ sống nhờ nghề này nên đều tuân thủ đúng quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến của VietGAP. Các sản phẩm trà rau má và bột Matcha rau má Quảng Thọ đã có mặt ở các tỉnh, thành trong cả nước" - ông Trí thông tin.
Sau hơn 10 năm lên Đà Lạt (Lâm Đồng) thuê đất trồng rau và hoa, cách đây 8 năm, anh Trần Thiên Dũng (SN 1985; ngụ thôn La Vân Thượng, xã Quảng Thọ) trở về quê khởi nghiệp bằng nghề canh tác rau má, sau khi có chứng chỉ VietGAP. Tại Quảng Thọ, anh Dũng là người trồng rau má lớn nhất với 3,5 ha, trong đó có 1,5 ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ, số còn lại là trồng tự do để cung cấp cho các chợ.
Anh Dũng cho biết trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ rất tốn công vì tuân thủ quy trình sản xuất. Vì vậy, mỗi ngày gia đình anh phải thuê khá nhiều lao động để nhổ cỏ, chăm sóc rau. "Khoảng 70% sản lượng rau VietGAP và hữu cơ của tôi được bán cho HTX, số còn lại cung ứng các siêu thị và xuất khẩu. Mỗi lần nhập hàng đều phải ký biên bản để kiểm nghiệm, sản phẩm có đóng tem để trích xuất nguồn gốc và tôi phải chịu trách nhiệm nếu có vấn đề gì xảy ra" - anh Dũng cho hay.
Theo nông dân ở xã Quảng Thọ, rau má được họ trồng từ năm 1995. Lúc đầu, một vài hộ lấy giống tự nhiên rồi trồng trong vườn nhà mình để vừa có rau ăn vừa đưa ra chợ bán. Họ thấy vùng đất này thuận lợi cho rau phát triển nên một vài năm sau nhân rộng ra trồng ngoài ruộng với nhiều hộ có diện tích lớn. Rau má có "vòng đời" khoảng 5-6 năm, mỗi năm khai thác được 10 lần, trừ chi phí thì mỗi ha cho thu nhập trên 10 triệu đồng.
Vùng chuyên canh rau má Quảng Thọ
Thu hoạch rau má
Chăm sóc rau má theo tiêu chuẩn VietGAP và phương pháp hữu cơ của người dân Quảng Thọ
Khẳng định và nâng tầm thương hiệu
Theo ông Trí, vùng đất chuyên canh rau má Quảng Thọ nằm hạ lưu một nhánh sông Bồ, đất có "thịt" nhẹ, bà con có tính cần cù, chịu khó nên rau phát triển. Rau má Quảng Thọ được người dân các tỉnh miền Nam ưa chuộng vì lá nhỏ, cọng hơi tím; tính chất đậm đà, ngọt nhưng hòa lẫn vị chát nhẹ.
Theo đông y, rau má mát gan, giải độc. Vì vậy, rau má được bán tươi để làm các sản phẩm như nước uống, sinh tố, nấu canh trong các bữa ăn. Đặc biệt, từ năm 2015, HTX Quảng Thọ 2 đã đầu tư giàn máy sấy, máy xay, máy sao, hút chân không đóng gói, máy nghiền để thu mua, chế biến 3 dòng sản phẩm trà rau má túi lọc, trà rau má sao khô túi hút chân không và bột matcha hòa tan. Mỗi năm, năng suất rau má Quảng Thọ khoảng 1.000 tấn, riêng HTX đã bao tiêu 10%. Kể từ đó giá thu mua được tăng gấp đôi, hạn chế tư thương ép giá, xây dựng được thương hiệu.
Ông Trí cho biết từ năm 2013, người dân đã tham gia quy trình trồng rau VietGAP và hữu cơ. HTX nông nghiệp Quảng Thọ II có vai trò giám sát quy trình sản xuất của bà con, cảnh báo những cách làm không đúng như bón phân không cân đối, phun thuốc không đúng quy trình và thời điểm, không ghi sổ nhật ký canh tác. Tập huấn thường xuyên cho bà con về quy trình trồng, tổ chức nhóm, tổ sản xuất cộng đồng dân cư.
Mới đây, HTX Nông nghiệp Quảng Thọ II đã được chọn để xây dựng hệ thống HTX số kết hợp đẩy mạnh giải pháp thương mại điện tử cho nông hộ và HTX. Ông Trí cho biết nhờ đưa sản phẩm trà rau má lên các sàn thương mại điện tử nên thị trường được mở rộng, bên cạnh đó còn hướng đến xuất khẩu ra nước ngoài nhằm mở rộng thị trường và nâng tầm sản phẩm lên tiêu chuẩn 5 sao.
Về truy xuất nguồn gốc, HTX phối hợp và triển khai theo các cấp độ với nông dân và HTX để minh bạch các sản phẩm với mã QR. Ngoài ra, HTX đẩy mạnh kết hợp với các địa phương khác trên cơ sở hệ thống này để quản lý về mặt chất lượng sản phẩm nông nghiệp và quan trọng nhất là kết nối cung cầu; bên cạnh đó, quảng bá du lịch của địa phương bằng công nghệ mô hình hóa 3D và AR (thực tế ảo tăng cường) gắn với quảng bá và thương mại sản phẩm đặc hữu địa phương.
"Nhờ VietGAP, chúng tôi mới xây dựng được thương hiệu, khách hàng tin tưởng, ưa chuộng. Hướng đi mới của chúng tôi là tập trung vào sản phẩm bột matcha, phấn đấu mỗi năm sản xuất được 5 tạ cung ứng thị trường" - ông Trí mong muốn.
Sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh
Năm 2020, sản phẩm "Trà rau má Quảng Thọ" cũng đã được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế công nhận là 1 trong 17 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt 4 sao. Bộ sản phẩm bột matcha rau má cũng được tỉnh chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2021. Các sản phẩm trà rau má và bột matcha rau má của xã Quảng Thọ đã được công bố nhãn hiệu tập thể và đã được Cục Sở hữu Trí tuệ chứng nhận nhãn hiệu tập thể và Cục Vệ sinh An toàn thực phẩm Bộ Y tế cấp phép sản xuất.
Bình luận (0)