Hợp tính nhau ngay từ thời còn là học sinh THPT, Nguyễn Hữu Hậu và Hồ Thị Bích Hằng ngày càng gắn bó trong học tập và công tác. Điều đáng quý ở Hậu và Hằng là luôn có sự quan tâm đến cộng đồng, nhất là đối với những cuộc đời gặp nhiều khó khăn, mất mát.
Giữ lại mạng sống cho người nguy kịch
Về chung một nhà, họ lại đồng cảm trước lời kêu gọi hiến máu cứu người, "một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại". Tham gia công tác đoàn thể tại địa phương, chị Bích Hằng đã chứng kiến nhiều hoàn cảnh thương tâm của người dân. Thuốc trị bệnh còn có thể mua được nhưng những giọt máu đào đâu dễ kiếm tìm trong cơn nguy cấp. Nhờ những tình nguyện viên hiến máu nhân đạo mà các bệnh viện giữ được mạng sống của nhiều người. Rất nhiều thai phụ, trẻ em bệnh nặng, nạn nhân của các vụ tai nạn giao thông, thiên tai... ở lại với cuộc đời nhờ vào nguồn máu hiến tặng.
Anh Hữu Hậu công tác tại cơ quan viễn thông, anh và đồng nghiệp nhiều lần chứng kiến các cuộc gọi cấp cứu của gia đình bệnh nhân, những tin nhắn hiến máu khẩn cấp cũng như định kỳ của đội ngũ tình nguyện viên.
Từ nhiều năm trước, cả hai hứa hẹn cùng nhau sẽ tặng những giọt máu của mình để cứu người. Anh Hữu Hậu nói rằng với kiến thức của một người làm khoa học kỹ thuật, anh biết rõ lượng máu cho đi sẽ được tái tạo sau đó ít lâu, chất lượng máu bản thân được cải thiện, cuộc sống sẽ tốt hơn. Dù cơ quan thực hiện theo đúng chế độ bảo đảm sức khỏe cho người tham gia hiến máu như cho nghỉ phép, bồi dưỡng vật chất, tinh thần..., anh thường trở lại công việc thường ngày sớm nhất.
Chị Bích Hằng cùng suy nghĩ với chồng, đó là niềm vui của bản thân rất lớn khi biết những giọt máu hiến tặng của mình sẽ hòa trong dòng máu của người gặp nạn, giữ được mạng sống của một con người, giọt máu cho đi nhưng không mất vì cơ thể ta lại tạo ra được lượng máu khác có chất lượng hơn.
Cả vợ chồng họ luôn có mặt tại thời điểm các đợt vận động hiến máu định kỳ ở địa phương. Trên 50 lượt hiến máu cộng chung của hai vợ chồng là một kỷ niệm đáng quý. Cả hai cho biết đã đăng ký thông tin cá nhân với cơ quan chức năng để trong trường hợp khẩn cấp có thể hiến máu đột xuất cấp cứu người bệnh. Hai vợ chồng luôn đi hiến máu cùng nhau nên bạn bè hay nói đùa: "Đói no có thiếp có chàng/ Hiến máu nhân đạo chàng, nàng cùng đi".
Hăng say rèn luyện sức khỏe
Chị Bích Hằng còn cho biết ngoài việc tâm đầu ý hợp với chồng trong hiến máu cứu người còn do bản thân là một phụ nữ đã từng sinh hai con, chị đã thấy không ít trường hợp sản phụ cần truyền máu để giữ được mạng sống của mẹ và con. Rồi cũng có bạn bè, người thân, bà con ở địa phương thoát cảnh hiểm nghèo nhờ dòng máu của những người bạn chưa biết tên. Chị Hằng tự hứa sẽ cùng chồng mãi là tình nguyện viên của phong trào hiến máu cứu người. Hai vợ chồng đã được chính quyền, đoàn thể địa phương biểu dương khen thưởng nhiều lần, UBND tỉnh Đồng Tháp cũng gửi tặng bằng khen cho anh chị.
Anh Nguyễn Hữu Hậu và chị Hồ Thị Bích Hằng trong một lần hiến máu
Gia đình anh Hữu Hậu và chị Bích Hằng siêng năng tập luyện thể dục thể thao
Cùng tập bơi trên sông Tiền. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Với tâm nguyện tặng những giọt máu đào của mình để cứu người trong hoàn cảnh lượng máu cần thiết của cơ quan y tế có thiếu hụt so với nhu cầu, anh chị luôn chú ý rèn luyện sức khỏe bản thân. Anh Hậu tâm tình: "Thể lực người hiến máu tốt, giọt máu cho đi mới tốt, sự hồi phục cơ thể nhanh có thể đáp ứng cho những lần hiến máu sau đó".
Vốn ham thích thể dục thể thao từ lúc còn là học sinh, cũng có nhiều thành công trong các kỳ thi đấu TDTT học sinh, sinh viên và các hội thao dành cho công nhân viên chức, ngoài giờ làm việc, anh chị hăng say tập luyện thể dục thể thao. Bà con xóm giềng và bạn bè ở địa phương đã quen với cảnh sáng, chiều, ngày nghỉ, vợ chồng họ lúc đi bộ cùng nhau, lúc cùng nhịp chân trên đường chạy hay guồng chân nhịp nhàng trên chiếc xe đạp qua những cung đường quanh làng hoa Sa Đéc.
Ai đã từng về miền Tây Nam Bộ ắt phải biết đến những dòng sông ở đây sóng nước mênh mông. Đoạn sông Mê Kông chảy qua TP Sa Đéc là sông Tiền, không nhiều người luyện tập trên dòng sông này. Vậy mà cứ ít ngày, vợ chồng họ khi chèo thuyền, khi bơi lặn trên dòng sông. Anh Hậu nói cứ mỗi lần hiến máu về, thể lực như tăng lên nên vợ chồng họ rất vui. Hiến máu không chỉ cứu người, là nghĩa cử mà còn đem lại lợi ích cho bản thân. Nhờ vậy mà họ vận động được nhiều bạn bè, người thân cùng tham gia.
Không chỉ có thế, hai con của anh chị là cháu Tú Anh đang học lớp 8 và Minh Tuấn học lớp 5 cũng được cha mẹ hướng dẫn cùng tập luyện. Hai cháu ngoài giờ học thường theo cha mẹ đạp xe, tập bơi, chạy bộ...
Khác với nhiều bạn thường sử dụng giờ nghỉ để chơi game, tụ họp ở quán trà sữa, hai cháu luôn bên cha mẹ tập luyện thể dục thể thao. Ngay trong thời gian học ở nhà vì dịch COVID-19, hai cháu vẫn giữ thói quen tập luyện.
Trước thì đi bộ, bơi lội, chạy xe, nay chuyển qua tập yoga, tập xà đơn, nhảy dây… trong nhà. Tú Anh nói cháu mong mau lớn để có thể hiến máu cứu người như cha mẹ. Cháu luyện tập thể dục thể thao theo lời cha dặn "có thể lực tốt mới có dòng máu tốt để cứu người".
Minh Tuấn cũng cùng suy nghĩ như chị Tú Anh, cháu còn tham gia tập võ để tăng cường thể lực và độ nhanh nhạy của cơ thể. Cả hai cháu luôn được ba mẹ cận kề trong luyện tập. Các kỳ hội thi cho học sinh, hai cháu đều đạt thành tích tốt. Mấy năm gần đây tỉnh nhà có tổ chức hội thao bơi, cứu hộ, cứu nạn, phòng chống đuối nước, hai cháu đều được đứng trên bục lĩnh huy chương. Học lực của hai cháu là loại giỏi nhiều năm.
Nhiệt tình làm thiện nguyện
Gia đình 4 thành viên của anh Hữu Hậu và chị Bích Hằng bằng hoạt động của mình đã góp phần tích cực vào phong trào hiến máu tình nguyện ở địa phương và phong trào luyện tập thể dục thể thao. Anh Hậu thường nói nhờ nhiều lần hiến máu, cơ thể có sức đề kháng tốt nên là một trong những người mắc COVID-19 ở quê nhà giai đoạn dịch mới khởi phát nhưng anh mau khỏi bệnh và trở về gia đình nhanh hơn nhiều người khác và có thể làm việc ngay. Bác sĩ nơi anh Hậu điều trị COVID-19 cũng rất ngạc nhiên vì sức khỏe của anh tốt. Sau khi khỏi bệnh, kiểm tra sức khỏe lại, anh được công nhận đủ điều kiện hiến máu, anh chị rất vui.
Bên cạnh việc hiến máu, anh Hậu, chị Hằng còn tham gia thường kỳ các hoạt động thiện nguyện khác như thăm hỏi, chăm sóc, tặng quà cho người già neo đơn, các cơ sở nuôi trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Trích một phần từ thu nhập của gia đình và kêu gọi tương trợ, chia sẻ từ các nhà hảo tâm gửi đến cộng đồng cũng là hạnh phúc của vợ chồng họ.
Chị Hằng rất vui khi biết được số tình nguyện viên hiến máu nhân đạo tăng lên, không ít người cho biết cuộc sống và hoạt động của gia đình chị có tác động đến quyết định tham gia hiến máu của họ. "Tham gia hiến máu nhân đạo rất tốt cho sức khỏe, giúp nhiều người nên được mọi người hưởng ứng. Mạng sống con người là quý báu nhất, không gì sánh bằng giọt máu của người hiến tặng. Bệnh nhân có thể và không cần biết tên người hiến máu, những người hiến máu vẫn luôn tâm niệm "một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại".
Chúng tôi sẽ tiếp tục tham gia hiến máu cho đến khi nào sức khỏe không cho phép, hai con lớn lên sẽ tiếp tục chặng đường nhân ái mà cha mẹ đã đi" - đó là lời khẳng định của vợ chồng anh Hậu, chị Hằng.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)