Cổ Loa cách trung tâm Hà Nội khoảng gần 20 km, có diện tích bảo tồn gần 500 ha, thuộc ba xã Cổ Loa, Dục Tú và Việt Hùng, huyện Đông Anh (Hà Nội). Cổ Loa gắn với truyền thuyết nỏ Thần An Dương Vương và mối tình Mỵ Châu – Trọng Thủy nên được giới khảo cổ và công chúng quan tâm.
Tòa thành đất sớm nhất, quy mô nhất Đông Nam Á
Từ những vấn đề khoa học đã và đang đặt ra, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Viện Khảo cổ học và Khoa Nhân học Đại học Wisconsin - Madison, Mỹ đã hợp tác nghiên cứu 3 vòng thành Cổ Loa giai đoạn 2007 - 2014.
Di tích khảo cổ thành Cổ Loa
TS Trịnh Hoàng Hiệp, Trưởng phòng Khảo cổ học Sơ sử và Nhà nước sớm, Viện Khảo cổ học Việt Nam, cho hay từ nguồn sử liệu thành văn kết hợp với tư liệu khảo cổ học thu được từ khai quật Thành Ngoại (1970), Thành Nội (2005), lũy hào Thành Trung (2007 - 2008), Thành Ngoại (2012) và Thành Nội, Ụ hỏa hồi (2014) đã cho thấy thành Cổ Loa, do vua An Dương Vương đắp đã kế thừa tòa thành có trước đó. Tòa thành của làng phòng thủ tương ứng với chế độ xã hội dạng Chiefdom.
Thành do vua An Dương Vương đắp có quy mô to lớn gấp nhiều lần, khối lượng công việc này chắc chắn tương ứng với một chế độ xã hội cao cấp dạng nhà nước sơ khai, có người đứng đầu quản lý các hoạt động chung như nhà nước Âu Lạc. Nghiên cứu kỹ thuật đắp thành, quy mô và hình dáng của thành, thấy rằng đó là truyền thống đắp thành của người Việt, rất khác với kỹ thuật, những quy định cụ thể của nhà Hán.
Một phần di tích thành Cổ Loa Ảnh: Hiệp Trịnh
"Với những nguồn tư liệu hiện nay cho thấy một chính thể kiểu nhà nước bản địa và địa phương đã xuất hiện trong giai đoạn Đông Sơn trước khi nhà Hán đến đô hộ. Trước khi thành Cổ Loa được xây dựng, chưa có một di tích nào được xây dựng ở lưu vực châu thổ Sông Hồng có kích cỡ và diện tích lớn như Cổ Loa; để xây dựng được thành lớn như Cổ Loa chắc chắn cần phải có một lực lượng quân sự hùng mạnh, sự quản lý kiểu nhà nước và tập trung hóa.
TS Hiệp cũng cho rằng khu vực này có dân số lớn là hoàn toàn có khả năng vì đồng bằng châu thổ sông Hồng rất có tiềm năng trồng lúa, sản xuất nông nghiệp.
"Với nguồn tư liệu khảo cổ học và cổ sử có thể khẳng định thành Cổ Loa là tòa thành đất sớm nhất, quy mô to lớn nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á, do vua An Dương Vương đắp vào thế kỷ thứ 3, thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên. Đây là tòa thành vừa bảo vệ kinh đô, bảo vệ nhà vua và hoàng gia, vừa là căn cứ phòng thủ chắc chắn.
Kinh đô cổ nhất Đông Nam Á
Giá trị nhất của Cổ Loa là kinh đô cổ nhất khu vực Đông Nam Á, có truyền thống xây dựng triệt để lợi dụng điều kiện tự nhiên có sẵn ở khu vực để đắp thành, đào hào.
Thành Cổ Loa thể hiện sự sáng tạo độc đáo của người Việt cổ trong công cuộc giữ nước, chống giặc ngoại xâm. Dưới góc độ văn hóa, Cổ Loa trở thành di sản văn hóa, một bằng chứng về sự sáng tạo, về trình độ kỹ thuật cũng như văn hóa của người Việt cổ.
Vật liệu xây tường thành ở Di tích thành Cổ Loa Ảnh: Hiệp Trịnh
Với giá trị đặc biệt của thành Cổ Loa, các chuyên gia của Viện Khảo cổ kiến nghị lựa chọn một khu tiêu biểu nhất của khu di tích Cổ Loa, mà ở đó còn để lại những di tích tiêu biểu và đặc trưng duy nhất của thành Cổ Loa như: 3 vòng thành, hào, hỏa hồi, giếng Ngọc, đền thờ vua An Dương Vương... để có thể nghiên cứu, phục hồi và trên cơ sở khoa học đó giúp du khách trong và ngoài nước có thể nhận diện toàn bộ khu di tích.
Ngoài ra, cần tiếp tục nghiên cứu về thời kỳ vua Ngô Quyền chọn Cổ Loa làm kinh đô. "Chúng ta biết rằng gần 10 năm vua Ngô Quyền đã chọn thành Cổ Loa làm trị sở của mình, nhưng những bằng chứng khảo cổ học về giai đoạn này rất mờ nhạt, ngoại trừ vài mảnh gốm khai quật được ở địa điểm Mả Tre. Do vậy, đây là vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu trong tương lai" – đại diện Viện Khảo cổ học chia sẻ.
Kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến tập quyền
Để làm sáng tỏ hơn về sự hình thành, phát triển của cố đô Hoa Lư, từ năm 1969 đến nay, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình đã chủ trì, phối hợp với nhiều cơ quan nghiên cứu như Viện Khảo cổ học Việt Nam, Bảo tàng lịch sử Việt Nam và các chuyên gia trong nước và quốc tế, thực hiện nhiều đợt khảo cổ học nhằm đánh thức các giá trị di sản văn hóa cố đô này, phục vụ cho công tác bảo tồn, tôn tạo và quy hoạch tổng thể khu di tích lịch sử, văn hoá cố đô Hoa Lư.
Tuy nhiên, từ năm 1998 đến nay, đặc biệt các đợt khai quật ở Cố đô Hoa Lư trong năm 2021, đã mang lại nhiều giá trị, xác định một kinh thành Hoa Lư có quy mô lớn với nhiều công trình kiến trúc được xây dựng với mật độ dày đặc ở bên trong.
Một góc khai quật ở Di tích Cố đô Hoa Lư
TS Nguyễn Ngọc Quý, Viện khảo cổ học Việt Nam - người trực tiếp chỉ đạo các đợt khai quật ở Di tích Cố đô Hoa Lư năm 2021, cho biết các đợt khai quật đã làm xuất lộ nhiều vết tích kiến trúc mới cùng nhiều loại hình di vật góp phần đưa đến những nhận thức mới, làm rõ hơn về đặc trưng giá trị lịch sử văn hóa của kinh đô Hoa Lư trong lịch sử dân tộc.
Hiện vật khảo cổ ở Công trình khảo cổ Cố đô Hoa Lư
Cũng theo TS Quý, di tích kiến trúc xuất lộ trong các đợt khai quật năm 2021 là những dấu tích nền móng của công trình kiến trúc có quy mô lớn của nhiều giai đoạn lịch sử chồng xếp lên nhau. Theo đó, ở vị trí cánh đồng phía Nam Đền Lê đã phát lộ những dấu tích của ba lớp kiến trúc cung điện thuộc hai thời kỳ Đinh - Tiền Lê, trong đó kiến trúc thời Tiền Lê có quy mô đồ sộ nhất. Ở vị trí cánh đồng Nội Trong đã phát hiện những dấu tích kiến trúc thời Bắc thuộc là chứng cứ rõ ràng của một khu trị sở là trung tâm của vùng đất Trường Châu thời Tùy - Đường ở thế kỷ VII-IX.
"Những phát hiện khảo cổ ở Cố đô Hoa Lư đã thay đổi những nhận thức từ trước đến nay cho rằng quy mô của Hoa Lư rất nhỏ bé"- TS Nguyễn Ngọc Quý phân tích.
Theo TS Nguyễn Ngọc Quý, mảnh đất Hoa Lư - Ninh Bình còn nhiều bí ẩn vẫn nằm trong lòng đất đang chờ được nghiên cứu, làm rõ nhằm bổ sung đầy đủ hơn nhận thức về thời Đinh - Tiền Lê và giai đoạn nhà nước Đại Cồ Việt.
"Hiện nay, chỉ có diện tích gần 10 ha là đất di tích được bảo vệ, trong khi phần còn lại, chủ yếu ở khu cánh đồng Nội Trong (khoảng 22,5 ha) vẫn là khu vực đất thổ canh, thổ cư, đất nghĩa trang và đất dịch vụ du lịch. Phần diện tích này hiện đã bị tác động, xâm hại đến các di tích còn lại rất ít trong lòng đất"- ông Quý lo lắng.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình, cho biết trên cơ sở các kết quả khảo cổ đạt được, Sở tiếp tục phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học trong nước, quốc tế, đẩy mạnh nghiên cứu làm rõ những giá trị lịch sử, văn hóa, khảo cổ ở Khu di tích Cố đô Hoa Lư, hướng tới xây dựng Công viên di sản Khảo cổ - Lịch sử - Văn hóa tại khu vực này.
Bình luận (0)