Đầu năm 2024, UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành Kế hoạch số 48/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình OCOP năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, phấn đấu đến cuối năm 2024, tỉnh có ít nhất 230 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên.
Phát triển sản phẩm có thương hiệu, theo chuỗi giá trị
Thực hiện kế hoạch trên, đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã công nhận 263 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Trong đó, có 1 sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao, 26 sản phẩm đạt 4 sao và 236 sản phẩm đạt 3 sao.
Để đạt được kết quả trên, thời gian qua, các sản phẩm OCOP luôn được tỉnh Sóc Trăng quan tâm hỗ trợ xây dựng thương hiệu, thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói để góp phần nâng cao giá trị, chất lượng; đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại để sản phẩm OCOP của tỉnh ngày càng đến tay người tiêu dùng trong và ngoài nước nhiều hơn.
Mới đây, tại hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 4 sao, tiềm năng 5 sao năm 2024 của tỉnh Sóc Trăng, sau khi xem xét hồ sơ và quan sát thực tế sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sao OCOP đối với 11 hồ sơ đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 4 sao và sản phẩm tiềm năng 5 sao đợt 1 năm 2024 của các huyện Trần Đề, Châu Thành và thị xã Vĩnh Châu, hội đồng đã phân hạng 9 sản phẩm đạt 4 sao OCOP, gồm: bắp non đóng hộp, hạt sen đường phèn, dứa đóng hộp, nấm rơm đóng hộp, bánh pía sầu riêng trứng Hải Sơn, yến sào chưng sẵn hương lá dứa, yến sào chưng sẵn vị đông trùng hạ thảo, yến sào Quốc Tín, yến cao cấp ăn liền; 1 sản phẩm là yến thô đạt 3 sao OCOP.
Đặc biệt, sản phẩm gạo thơm ST25 đạt điểm 5 sao OCOP. Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh đã gửi kết quả chấm điểm đến Trung ương.
Ông Vương Quốc Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, Chủ tịch Hội đồng Đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh - khẳng định quan điểm của tỉnh là phát triển sản phẩm OCOP có thương hiệu, theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa; đặc biệt là các đặc sản, sản vật, sản phẩm làng nghề và dịch vụ, du lịch của ấp, xã, cộng đồng theo hướng kinh tế tuần hoàn, bảo đảm hệ sinh thái bền vững.
Nâng cao chất lượng sản phẩm
Theo ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, để tiếp tục phát triển đa dạng sản phẩm OCOP, các địa phương trong tỉnh cần tổ chức quán triệt sâu rộng, tuyên truyền, tập huấn, làm thay đổi nhận thức của cộng đồng, khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Riêng đối với các chủ thể OCOP, cần nâng cao chất lượng, quản trị quy trình sản xuất và phát triển sản phẩm, bảo hộ nhãn hiệu, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm, tổ chức giới thiệu sản phẩm, bán hàng, xúc tiến thương mại...
Chuyển đổi số và quảng bá
Theo ông Trần Hoàng Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, Chương trình OCOP là giải pháp quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập cho người dân và thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững.
Chương trình góp phần phát triển sản phẩm gắn với thương hiệu, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn và ưu tiên phát triển các HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa, xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định.
Ông Trần Hoàng Dũng cho biết định hướng phát triển Chương trình OCOP của tỉnh đến năm 2030 là tiếp tục hoàn thành mục tiêu năm 2025 theo Kế hoạch số 170/KH-UBND ngày 30-11-2022 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình OCOP tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2023 - 2025, chú trọng phát triển nâng hạng sản phẩm, xúc tiến quảng bá sản phẩm.
Tiếp tục tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh giai đoạn năm 2026 - 2030 và định hướng đến năm 2035 thông qua các giải pháp như: Tổ chức sản xuất gắn với phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng; chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu thị trường; nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động cho các chủ thể OCOP; nâng cao năng lực quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu; xây dựng hoàn thiện hệ thống quản lý, giám sát sản phẩm OCOP; nâng cao năng lực hệ thống hỗ trợ triển khai chương trình và tăng cường chuyển đổi số.
Để sản phẩm OCOP của Sóc Trăng được vươn xa hơn nữa trong thời gian tới, bà Phương Ngọc Tuyết - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng - cho biết do nhiều chủ thể thuộc loại hình hộ kinh doanh, HTX có cơ cấu tổ chức, kinh nghiệm trong phát triển sản phẩm, xúc tiến thương mại sản phẩm còn hạn chế nên giải pháp trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường hỗ trợ một số chủ thể trong thiết kế bao bì để nâng tính thẩm mỹ, sức thu hút cho sản phẩm bảo đảm đẹp sang trọng, nhãn mác đúng quy định; hỗ trợ chứng nhận tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm như VietGAP, Global GAP; hỗ trợ cấp mã số vùng trồng trong sản xuất ngoài đồng và hỗ trợ chứng nhận ISO, HACCP trong chế biến sản phẩm.
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục tăng cường công tác xúc tiến thương mại cho các sản phẩm qua nhiều hình thức như giới thiệu, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm thông qua các hội chợ, đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, hỗ trợ các điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh, tăng cường kết nối với các hoạt động xúc tiến du lịch để kết hợp xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP, đưa sản phẩm OCOP của tỉnh đến tay người tiêu dùng trong và ngoài nước.
"Tỉnh sẽ tăng cường công tác quảng bá các sản phẩm OCOP qua truyền hình, báo chí, nền tảng TikTok, trên trang thương mại điện tử VIPO, trên website, cổng thông tin chính thức cho sản phẩm OCOP" - bà Phương Ngọc Tuyết thông tin.
Bình luận (0)