Theo quy định hiện hành tại Luật Việc làm năm 2013, người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
Tuy nhiên, tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) quy định trên đã có sự điều chỉnh. Cụ thể, tại Điều 111 của dự thảo quy định người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc đối với đối tượng quy định tại điểm d khoản 1 Điều 97 Luật này theo quy định của pháp luật, trừ các trường hợp:
- Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao đông, hợp đồng làm việc trừ các trường hợp được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước theo quy định Bộ luật Lao động;
- Người lao động bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức;
- Người lao động hưởng lương hưu;
- Người lao đông đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng lương hưu.
Đề xuất người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao đông sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp khiến chị Lê Kim Phụng, công nhân một công ty tại quận Bình Tân, TP HCM, khá hoang mang. Theo chị Phụng, là người làm công hưởng lương và cuộc sống hoàn toàn phụ thuộc vào đồng lương và không ai muốn mình rơi vào cảnh thất nghiệp. Đôi khi người lao động phải chủ động xin nghỉ việc vì nhiều lý do và vì không có sự lựa chọn nào khác. Hơn nữa, nếu cho rằng người lao động nghỉ việc để hưởng trợ cấp thất nghiệp thì so với thu nhập (gồm lương cơ bản, các khoản phụ cấp, tiền thưởng…) khi còn đi làm, trợ cấp thất nghiệp (60% lương cơ bản) thấp hơn nhiều, không đủ đảm bảo cuộc sống. Vậy nên chị Phụng mong mỏi nếu không thể tăng thì cũng đừng siết giảm quyền lợi của người lao động khi sửa đổi Luật Việc làm.
Bà Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH May mặc Quảng Việt (huyện Củ Chi, TPHCM), cho hay khá "sốc" khi đọc quy định này bởi lẽ nếu quy định được thông qua thì số đông người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi nghỉ việc sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Với nhiều năm làm công tác quản lý nhân sự và hiện quản lý khoảng 5.200 lao động, bà Hiền thấy rằng tình trạng chung của công ty cũng như tại các doanh nghiệp khác là đa phần lao động nghỉ việc đều xuất phát từ sự chủ động của người lao động. Tức người lao động tự xin nghỉ chứ không phải bị doanh nghiệp đơn phương chấm dứt hợp đồng hay sa thải. Lý do nghỉ việc thì rất nhiều chẳng hạn do hoàn cảnh gia đình, không có người chăm sóc con nhỏ, sức khỏe không đảm bảo, công việc không phù hợp…
Theo quy định hiện hành người lao động nghỉ việc đúng luật thì vẫn được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đây không chỉ là khoản bù đắp thu nhập trong thời gian người lao động nghỉ việc, chưa tìm được việc làm mới mà còn là quyền lợi chính đáng của người lao động khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo nguyên tắc có đóng- có hưởng. Bởi thế khi thấy nội dung này được đề xuất tại dự thảo bà Hiền băn khoăn liệu đây là chủ đích hay chỉ là sự nhầm lẫn của ban soạn thảo? Nếu nhầm lẫn thì điều chỉnh cho đúng để không gây vướng mắc trong quá trình thực hiện. Còn nếu là chủ đích thì tôi cho rằng cần xem xét, nghiên cứu một cách kỹ lưỡng và đưa ra căn cứ hợp lý.
"Theo tôi, khi sửa đổi Luật, song song với việc khắc phục những bất cập thì các nhà làm luật cũng cần nghiên cứu gia tăng quyền lợi cho người tham gia. Việc giảm quyền lợi như đề xuất sẽ khiến chính sách thiếu ổn định làm người lao động mất niềm tin và rời bỏ hệ thống. Hơn nữa, hiện nay quỹ bảo hiểm thất nghiệp kết dư lớn, song lại giảm quyền hưởng của người lao động là bất hợp lý"- bà Hiền nói.
Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, cũng không đồng tình với đề xuất này bởi lẽ quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động được công nhận tại Điều 35 Bộ luật Lao động năm 2019. Theo quy định này, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà không cần lý do, chỉ cần tuân thủ đúng thời gian báo trước theo quy định. Do vậy, đề xuất trên không chỉ mâu thuẫn với tinh thần của Bộ luật Lao động mà còn hạn chế quyền lợi chính đáng của người tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Theo ông Triều, nên giữ nguyên đối tượng hưởng như quy định hiện hành. Bên cạnh đó, cần xem xét gia tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp lên 75% thay vì 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc. Lý do là mức lương đóng bảo hiểm thất nghiệp hiện thấp (chỉ bằng hoặc cao hơn một chút so với mức lương tối thiểu vùng) nên mức hưởng không đủ bù đắp thu nhập cho người lao động trong thời gian chưa có việc làm. Sự điều chỉnh này cũng sẽ khiến người lao động cảm thấy công bằng hơn khi quy định hiện hành khống chế mức hưởng tối đa 12 tháng, tương ứng 144 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, số năm đóng dư không được bảo lưu.
Bình luận (0)