Cụm từ "ngộ độc thức ăn" được nhắc đến nhiều sau sự kiện nhiều người nhập viện vì Clostridium botulinum trong pate chay, cũng như vụ ngộ độc hàng loạt sau khi ăn thịt kho trứng ở một điểm nuôi dưỡng trẻ mồ côi. Nhưng ít ai biết những cơn đau bụng, tiêu chảy ít ngày mà mọi người, nhất là trẻ nhỏ, thỉnh thoảng vẫn trải qua, có thể chính là ngộ độc thức ăn do vi khuẩn ở mức độ nhẹ.
Lưu ý cách cất, hâm thức ăn
Theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi Đồng 1 (TP HCM), có thể chia làm 2 nguyên nhân gây ngộ độc, một là dạng ngộ độc do nhiễm vi khuẩn như lỵ (bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hóa gây ra bởi trực khuẩn Shigella, bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa và dễ phát triển thành dịch), Salmonella - một loại vi trùng gây bệnh ở đường tiêu hóa; hai là ngộ độc do độc tố vi khuẩn tiết ra tại chỗ như tụ cầu và cả Clostridium botulinum gây xôn xao dư luận thời gian qua.
Thật ra, ngộ độc có rất nhiều mức độ, nhiều trường hợp trẻ chỉ đau bụng, tiêu chảy thông thường. Nhưng cần biết đó cũng là một hình thức ngộ độc do thức ăn để kịp thời xử lý loại thức ăn đã nhiễm khuẩn hoặc cẩn thận hơn trong cách chế biến thức ăn.
Rửa sạch rau với nước sạch trước khi dùng để an toàn cho sức khỏe Ảnh: TẤN THẠNH
BS Trương Hữu Khanh cho rằng cách tốt nhất để tránh nguy cơ bị ngộ độc là ăn thức ăn mới, được nấu chín. Hâm thức ăn cũ có giúp thực phẩm an toàn hơn một chút nhưng chưa chắc bởi nhiệt độ và thời gian hâm thức ăn kém hơn nhiệt độ và thời gian nấu chín món mới rất nhiều, có khi chưa đủ bất hoạt độc tố và vi khuẩn.
Cách cất trữ thức ăn có khi cũng khiến bạn "nuôi" vi khuẩn gây ngộ độc mà không biết. Một miếng thịt to mua về, hãy làm sạch, chia thành từng phần nhỏ trước khi cất vào tủ lạnh. Không làm sạch hay mỗi lần nấu lại lôi cả miếng ra rã đông rồi cấp đông lại thì việc cấp đông có khi mất giá trị vì vi khuẩn đã kịp tấn công trong lúc rã đông.
Theo BS chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, ngoài ngộ độc do vi khuẩn còn một dạng ngộ độc nữa là ngộ độc hóa chất trên thức ăn, ví dụ thuốc trừ sâu trên rau quả chưa rửa kỹ.
"Ngộ độc do thức ăn nhiễm khuẩn có triệu chứng ban đầu là đau bụng, ói mửa, tiêu chảy, nặng hơn là mất nước dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn. Ngộ độc do thuốc trừ sâu còn sót trên rau quả thì trẻ cũng đau bụng, tiêu chảy nhưng kèm theo tăng tiết đàm nhớt, đồng tử co nhỏ. Ngộ độc do hóa chất thường nguy hiểm hơn nên phải đưa bé đi cấp cứu ngay. Triệu chứng ngộ độc có thể xuất hiện trong vài giờ sau ăn nhưng cũng có khi trong vòng 48 giờ" - BS Minh Tiến cho biết.
Bù nước, điện giải: Rất quan trọng
BS Trương Hữu Khanh và BS Nguyễn Minh Tiến đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xử lý tình trạng mất nước mà trẻ gặp phải khi ngộ độc thức ăn dù nặng hay nhẹ. Với trẻ đau bụng tiêu chảy nhẹ có thể điều trị tại nhà, điều này sẽ giúp bé mau khỏi bệnh. Với những trẻ nặng, nếu được bù nước, điện giải ngay sẽ làm giảm nguy cơ bị nặng, phải truyền nước khi vào viện.
"Nên có sẵn vài gói oresol (dung dịch điện giải) trong tủ thuốc gia đình. Có nhiều loại lớn nhỏ khác nhau, nên đọc trên nhãn để pha đúng nồng độ. Thuốc này rất rẻ và có thể tìm thấy ở bất kỳ nhà thuốc nào. Trong tình huống gấp quá mà không có sẵn oresol, có thể pha theo công thức 1 lít nước, 8 muỗng cà phê đường, 1 muỗng cà phê muối. Tuy nhiên nên cẩn thận vì tự pha dễ đong đếm liều lượng không chính xác" - BS Minh Tiến khuyên.
BS Nguyễn Minh Tiến lưu ý không nên dùng thuốc cầm tiêu chảy cho trẻ em. Nó có thể khiến bệnh nặng thêm, nếu quá liều còn gây liệt ruột. Tiêu chảy là quá trình tự nhiên để tống xuất vi khuẩn, độc tố ra khỏi cơ thể. Người lớn nếu phải đi ra ngoài, gặp bất tiện thì có thể uống thuốc cầm tiêu chảy tạm thời nhưng không được lạm dụng, về đến nhà thì không nên uống nữa.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 7-10
Bình luận (0)