Thông tin trên được bác sĩ Đặng Xuân Vinh, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp - Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết vào ngày 26-6.
Bệnh nhi điều trị tại Khoa Gan mật tụy, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM)
Theo đó, sáng cùng ngày, bé trai L.G.B (11 tuổi, quê Bình Định) đã được ghép gan từ nguồn tạng hiến của mẹ ruột. Đây là ca ghép gan đầu tiên sau thời gian bệnh viện tạm ngưng thực hiện vì nhiều lý do.
Theo bệnh sử, bé B. bị teo đường mật bẩm sinh, đã phẫu thuật nối mật ruột (Kasai) lúc 1 tháng tuổi. Tuy nhiên, sau 10 năm điều trị, bé bị xơ gan buộc phải phẫu thuật ghép gan mới có cơ hội sống. Trước tình huống trên, mẹ bé đã quyết định hiến gan để cứu con.
Người mẹ đã được lấy gan với sự hỗ trợ của Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM. Sau đó, ekip bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 2 đảm nhận ghép gan cho bé.
Bác sĩ Vinh cho biết sau ca phẫu thuật này, dự kiến ngày 30-6, bệnh viện tiếp tục phẫu thuật ghép gan cho một trường hợp bệnh nhi khác cũng bị teo đường mật bẩm sinh và nhận gan hiến từ mẹ ruột.
Theo bác sĩ Vinh, việc chuẩn bị để thực hiện ghép gan được bệnh viện chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu hội chẩn, tư vấn tâm lý người cho hiến tạng đến chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực; vô khuẩn phòng mổ; trang thiết bị; vật tư tiêu hao; thuốc…
Trước đó, một số gia đình có con bị suy gan giai đoạn cuối điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã phải ra TP Hà Nội ghép gan.
TS-BS Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết việc chậm ghép gan cho trẻ có 3 nguyên nhân. Thứ nhất, để ghép gan phải có sự hòa hợp về miễn dịch lựa chọn chứ không chỉ là cha mẹ cùng huyết thống. Thứ hai, trẻ phải đáp ứng phương pháp điều trị bởi một số trường hợp quá chỉ định ghép gan vì các bé đến viện trễ. Thứ ba, bệnh viện đang tiếp nhận chuyển giao nên phụ thuộc vào các bệnh viện đối tác để lấy phần gan của người lớn.
Mỗi năm, tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 tiếp nhận khoảng 70-80 trẻ bị suy gan giai đoạn cuối chờ ghép. Nếu được ghép gan, tỉ lệ thành công sống sau 1 năm là 90%, 5 năm là trên 80%.
Bình luận (0)