Với trẻ nhỏ, do chưa hoàn thiện thần kinh và các cấu trúc khác trong cơ thể nên trời nắng nóng dễ khiến các em bị mất nhiều nước khiến các niêm mạc - phòng tuyến đầu tiên của cơ thể bảo vệ, chống lại sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh - bị khô, từ đó dễ bị bệnh.
Khi cơ thể ở tình trạng mất nước, nếu bù đắp không tương xứng sẽ dễ dẫn đến tình trạng mất cân bằng sinh học. Chính điều này làm khả năng bảo vệ các niêm mạc giảm sút khiến trẻ dễ bị bệnh, sốt. Trẻ càng dễ mắc bệnh hơn nếu hệ miễn dịch yếu do đề kháng nhận được từ mẹ giảm dần.
Để chống lại sự xâm nhập, với vi khuẩn còn có kháng sinh hỗ trợ nhưng với virus thì hầu như phải dựa vào sức đề kháng tự thân. Khi bị lây nhiễm virus, trẻ có sức đề kháng tốt sẽ nhanh chóng thoát khỏi sự “tấn công” và sớm hồi phục. Ngược lại, trẻ có sức đề kháng yếu dễ bị phát bệnh, đôi khi lại bội nhiễm vi khuẩn hoặc biến chứng nặng hơn.
Để đối phó với dịch bệnh trong mùa hè nắng nóng, ngoài việc tiêm chủng vắc-xin đầy đủ cho trẻ, các bậc cha mẹ cần trang bị những kiến thức khoa học để chăm sóc con cái tốt hơn.
- Giữ vệ sinh môi trường và đồ chơi của trẻ. Cho trẻ đeo khẩu trang khi ra đường.
- Cần ăn đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng, đa dạng thực phẩm (gồm 4 nhóm: chất đạm, chất béo, chất bột đường, vitamin và chất khoáng) với các món thanh mát, đủ dinh dưỡng và cung cấp nhiều nước cho cơ thể. Hạn chế cho trẻ uống các loại nước ngọt có gaz hay dùng những thức ăn vặt thiếu giá trị dinh dưỡng.
- Không để máy điều hòa ở nhiệt độ quá lạnh, nhất là trong phòng ngủ và sinh hoạt của trẻ, khi nhiệt độ bên ngoài quá nóng. Hạn chế đưa trẻ ra ngoài vào những ngày nhiệt độ quá cao.
- Cần sử dụng một số loại thảo dược như atisô, rau má giúp thanh nhiệt, mát gan. Bổ sung thực phẩm chứa vitamin C là giải pháp hiệu quả nhằm chống lại tác động tiêu cực của thời tiết nóng bức và các tác nhân gây bệnh. Vitamin C giúp tăng cường khả năng miễn dịch của trẻ, hỗ trợ phòng ngừa các bệnh thường gặp do vi khuẩn, virus như cảm cúm, sốt virus, tay chân miệng, thủy đậu, viêm đường hô hấp, hen suyễn…
Bình luận (0)