Anh Trần Văn A. (55 tuổi, quê Bình Thuận) tiết lộ một "kỷ niệm" để đời. Hết Tết, vòng eo của hai cha con anh A. có phần "tăng size", anh hăng hái xách vợt cầu lông ra công viên với con gái. Ai dè mới đánh vài cái, anh A. choáng váng, hoa mắt, vã mồ hôi, ngã ngồi tại chỗ, con gái và vài người quanh đó phải đưa anh đến bệnh viện (BV).
1-2 tuần "thoải mái": Không phải chuyện nhỏ
Anh Nguyễn Minh V. (47 tuổi; ngụ quận 4, TP HCM) cũng vừa trải qua cơn chuột rút đến ám ảnh sau Tết. "Ngày thường, tôi vẫn chạy bộ khoảng 5 km/ngày, nghỉ mỗi 2 tuần dịp Tết. Ai dè khi chạy lại chỉ khoảng hơn 2 km thì thấy toàn thân đau dữ dội, hóa ra do chuột rút nhiều chỗ trên cơ thể".
Anh Trần Hồng T. (48 tuổi; quận Bình Thạnh, TP HCM) chỉ vào chiếc băng hỗ trợ trên cổ chân: "Tôi đang chạy bỗng mệt, quỵ ngã, chấn thương dây chằng nặng. Chưa kể cơ bụng đau rần đến mấy ngày sau, bác sĩ (BS) nói tôi "tham", hít đất là động tác nặng mà ngày đầu tập lại đã cố hít tới mấy chục cái".
Khi bắt đầu tập luyện lại sau Tết, hãy bắt đầu với mức độ nhẹ nhàng để cơ thể kịp thích nghi. (Ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Theo BS chuyên khoa II Vương Hữu Định, Khoa Chấn thương chỉnh hình BV Đa khoa Vạn Hạnh, 1-2 tuần không tập luyện có thể tác động nhiều đến cơ thể. Với người bình thường, sau 1-2 tuần ngưng tập thể dục thể thao vì "bận" ăn Tết thì khả năng hoạt động, sức chịu đựng của cơ thể sẽ giảm đi rất nhiều.
Chú ý các dấu hiệu bất ổn
BS chuyên khoa II Trương Quang Anh Vũ, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Thống Nhất, giải thích cảm giác mệt nặng, muốn hụt hơi, choáng váng, tăng huyết áp… mà nhiều người gặp phải trong buổi tập lại đầu tiên là biểu hiện của sự kiệt sức, do cơ thể chưa kịp làm quen lại với chế độ tập luyện cũ. Nguy hiểm nhất là nhóm người đang mang trong mình bệnh lý mãn tính, như bệnh tim mạch, bởi việc gắng sức sẽ khiến hệ tim mạch làm việc quá sức, nguy cơ dẫn đến biến chứng nguy hiểm là rất cao.
"Khi gặp một cơn mệt nặng như vậy, nên nghỉ ngơi, chọn chỗ mát mẻ, uống bù nước. Thông thường cơn choáng váng sẽ qua đi trong vòng 30 phút. Nhưng nếu cơn mệt không qua đi, ngồi nghỉ mà vẫn có dấu hiệu nặng thêm, có biểu hiện khó thở, đau ngực, đau đầu dữ dội, muốn ngất…, bệnh nhân cần được đưa đi viện gấp" - BS Trương Quang Anh Vũ lưu ý.
Ngoài ra, 1-2 tuần lễ nghỉ Tết, thường người ta ăn ít lành mạnh hơn ngày thường, là cơ hội của các bệnh lý mạn tính có nguy cơ trở nặng. Vì vậy, nếu thấy bản thân không ổn sau kỳ nghỉ, việc đầu tiên nên làm là đến BS tái khám, tránh xảy ra tình huống vận động quá sức khi bệnh đang nặng.
TS-BS Nguyễn Tiến Lý, Phó Giám đốc Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, phân tích: "Tập thể dục thể thao là việc thường xuyên, hằng ngày, giống như chúng ta ăn cơm. Gián đoạn một thời gian, dù chỉ là 1-2 tuần cũng đủ để bạn nên cẩn thận, bắt đầu tập lại thật nhẹ nhàng như người chưa từng tập hoặc như người đã vài tháng, vài năm không tập. Ví dụ bình thường tập chạy 2-3 km thì ngày đầu tiên tập lại chỉ nên chạy khoảng 500 m, hôm sau có thể 1 km, từ từ tăng dần lên".
Trong những ngày tập luyện lại đầu tiên, nhiều người có cảm giác đau tuy không quá mạnh nhưng "rêm rêm" nhiều chỗ trên cơ thể. TS-BS Nguyễn Tiến Lý cho biết đó là những "chấn thương vi thể" không thấy được, không làm bạn gục ngay nhưng nếu chủ quan không chịu nghỉ ngơi mà cứ cố tập thì các chấn thương nho nhỏ ấy sẽ cộng dồn lại với nhau, đến một lúc sẽ phát triển thành chấn thương mãn tính. Khi đó, bạn sẽ phải chịu đựng những cơn đau kéo dài, thậm chí có người suy nhược thần kinh vì đau mãn tính.
Thời gian thích nghi tùy vào lứa tuổi
TS Nguyễn Tiến Lý lưu ý nếu tự nhiên bị chuột rút, bị đau, cảm thấy mệt quá thì nên nghỉ ngơi. Cần phải biết vấn đề cơ bản là thời gian thích nghi của cơ thể cũng tùy vào lứa tuổi, người lớn tuổi sẽ thích nghi chậm hơn thanh niên. Bên cạnh việc bắt đầu lên kế hoạch tập luyện trở lại, cần ổn định chế độ ăn uống, giờ giấc sinh hoạt.
Bình luận (0)