Tiếp chúng tôi trong căn phòng nhỏ với một bàn làm việc và mấy cái ghế trống trơn, Trần Hà Huy Cường cho biết đây là phòng họp, phòng làm việc của công ty và cả tổng giám đốc. Câu chuyện giữa giờ chiều của chúng tôi tại văn phòng Công ty Nha Việt kéo dài hơn dự kiến bởi nội dung cuốn hút, lối nói chuyện chân thành, bình dân của ông chủ trẻ.
Thất bại nhiều lần vẫn không bỏ cuộc
Năm 2006, Công ty Nha Việt chính thức khai sinh bằng số vốn ban đầu 50 triệu đồng cùng kinh nghiệm 2 năm làm trong lĩnh vực phân phối vật liệu và thiết bị nha khoa của giám đốc Trần Hà Huy Cường. Chỉ một thời gian ngắn sau khi có mặt trên thị trường, Nha Việt tạo được dấu ấn nhờ sản phẩm chất lượng, giá cả hợp lý và chính sách giao hàng đúng giờ, đáp ứng mọi nhu cầu của khách. Đang đà ăn nên làm ra, doanh số tăng trưởng theo chiều thẳng đứng, Huy Cường đăng ký tham gia lớp CEO ở Trường Doanh nhân PACE, nung nấu quyết tâm làm ăn lớn.
Năm 2010, Trần Hà Huy Cường có một quyết định táo bạo: nhập máy sản xuất phục hình răng, trở thành một trong hai công ty đầu tiên sản xuất răng tại Việt Nam. Dây chuyền sản xuất phục hình răng nhập từ Ý lúc ấy có giá 1,8 tỉ đồng. Gom góp hết vốn liếng, mượn thêm của người thân vẫn không đủ, Huy Cường phải vay “nóng” 500 triệu đồng. Máy đem về, nhận chuyển giao công nghệ xong, thầy trò trong công ty hăm hở bắt tay vào sản xuất nhưng cứ bị trục trặc. Mọi thứ quá mới mẻ nên cả ê-kíp gần như phải mò mẫm tự học, tự làm và sai đến đâu sửa đến đó. “Là dân làm thương mại, chúng tôi bước chân vào lĩnh vực sản xuất với con số 0 tròn trĩnh. Không kinh nghiệm quản trị sản xuất, không có đội ngũ sản xuất chuyên nghiệp, không hiểu biết nhiều về kỹ thuật. Thời gian đầu, sản phẩm làm ra hư liên tục, tỉ lệ sai lỗi lên đến 30%-40%, anh em nghĩ do nguyên liệu dỏm. Viết e-mail thắc mắc với bên bán, họ giải thích cặn kẽ thì mới nhận ra lỗi do mình thao tác sai. Thế là mày mò tự khắc phục. Cứ vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, đến nay tỉ lệ hàng lỗi trong sản xuất đã được kiểm soát dưới 5%. Sản lượng bán ra từ 1.000 răng/ tháng trong năm 2010 đã tăng lên khoảng 7.000 răng/ tháng cho hai dòng sản phẩm là Lava và Venus” - Huy Cường kể.
Cùng với quyết định lấn sân sang lĩnh vực sản xuất, chàng giám đốc trẻ bắt tay vào tái cấu trúc công ty. 3-4 năm liên tục, việc cấu trúc lại hệ thống gặp nhiều trở ngại. Lần lượt 3 đơn vị tư vấn chiến lược được mời về hợp tác nhưng đều không mang lại kết quả như mong muốn: bộ máy công ty lộn xộn, doanh thu giảm, mất cơ hội kinh doanh, mất nguồn lực vì nhân sự biến động liên tục. Không chấp nhận thất bại, Huy Cường bỏ tiền thuê CEO giỏi về điều hành. Công ty vẫn đi xuống. Đỉnh điểm là năm 2013, một số nhân sự chủ chốt bỏ công ty ra làm riêng, cạnh tranh trực tiếp với Nha Việt. Một số sai sót xảy ra, doanh số giảm hơn 20%, uy tín cá nhân và uy tín công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng..., công ty gần như rơi vào khủng hoảng. Trong tình thế cấp bách, Huy Cường quay trở lại thời “gì cũng làm”, đi gặp từng khách hàng, thuyết phục họ cho mình cơ hội sửa sai. Đa số khách hàng đồng ý tiếp tục hợp tác, cũng có không ít khách hàng “nghỉ chơi” hẳn nhưng nhờ sự cố đó, Nha Việt gầy dựng lại được đội ngũ mạnh về sau.
Sau mấy năm thử nghiệm mô hình quản trị mới, hiểu rằng lĩnh vực mình đang làm khá đặc thù, đòi hỏi người quản lý phải có đủ trải nghiệm và chiều sâu, thấu hiểu nhân sự, Huy Cường quay lại nắm toàn bộ hoạt động công ty, điều hành theo kiểu quản trị tập trung. “Mất 5 năm sóng gió thử nghiệm và trải nghiệm thực tế với học phí không hề rẻ, từ năm 2015 đến nay, công ty dần phát triển ổn định. Những thất bại trong 5 năm đó cho tôi nhiều bài học quý giá về quản trị, kinh doanh. Trước khi thất bại, tôi ít nhiều tự mãn với vị thế anh chủ trẻ của một công ty ăn nên làm ra, được đánh giá có nhiều triển vọng. 5 năm sau, tôi thấy mình chín chắn hơn, trầm tĩnh hơn và có định hướng rõ ràng hơn” - Huy Cường bộc bạch.
Du lịch nha khoa, tại sao không?
10 năm lăn lộn thương trường, Huy Cường đang phát triển mạnh mảng sản xuất, tham vọng đưa Nha Việt thành tên tuổi doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm nha khoa hàng đầu Đông Nam Á vào năm 2020.
Theo CEO Nha Việt, thị trường thiết bị, bán thành phẩm nha khoa là phân khúc hẹp nhưng lợi nhuận luôn hấp dẫn. Hàm răng không còn có ý nghĩa cho hoạt động ăn, nhai mà gắn liền với thẩm mỹ nên ngành nha sẽ phát triển không có điểm dừng. Tương lai Việt Nam sẽ là điểm đến du lịch nha khoa, thị trường sẽ rộng hơn. Sức ép cạnh tranh theo đó cũng gia tăng, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới. Hiện đang có sự chuyển dịch sản xuất vật liệu, bán thành phẩm hỗ trợ ngành nha khoa từ Trung Quốc sang Việt Nam. Áp lực vậy nhưng CEO 38 tuổi này không ngại cạnh tranh. Nha Việt đang giữ vị trí ổn định trong tốp 2 nhà sản xuất răng và tốp 5 nhà phân phối thiết bị nha khoa trong nước. Sản phẩm răng của công ty chiếm 30% toàn thị trường Việt Nam, chiếm 60% doanh số công ty. Trần Hà Huy Cường đặt mục tiêu 5 năm nữa Nha Việt sẽ có mặt trong tốp 5 nhà sản xuất răng ở khu vực Đông Nam Á và vươn lên vị trí thứ ba tại thị trường nội địa trong lĩnh vực phân phối.
Huy Cường cho biết thêm: “Hội nhập mang lại nhiều thách thức nhưng cũng mang đến nhiều cơ hội. Nha Việt mạnh về sản xuất, chúng tôi sẽ tận dụng thế mạnh này, đầu tư chuyên sâu cho dây chuyền, kỹ thuật sản xuất hiện đại nhất để vươn lên thành nhà xuất khẩu giải pháp nha khoa trọn gói. Khoảng 200.000 USD đã chi ra và thêm 500.000 USD sẽ tiếp tục đầu tư để hoàn thiện dây chuyền công nghệ, hướng đến cung cấp giải pháp trọn gói về công nghệ số cho lĩnh vực nha khoa, bao gồm in 3D, in kim loại... Giải pháp này thay thế phương pháp chế tác răng truyền thống, có ưu điểm là độ chính xác cao, sản xuất được số lượng lớn và đặc biệt là tối ưu hóa chi phí sản xuất. Chúng tôi đang làm việc với đối tác ở Thái Lan và Mỹ, có thể sang năm 2017 sẽ xuất khẩu những đơn hàng đầu tiên sang hai thị trường này”.
Cho rằng mình may mắn khởi nghiệp đúng thời điểm thị trường còn bỏ ngỏ, sau 10 năm, từ 50 triệu đồng vốn ban đầu, nay tổng giá trị hữu hình lẫn vô hình của Nha Việt đã lên đến trên 30 tỉ đồng.
Sản xuất thiết bị nha khoa là lĩnh vực đặc thù, còn mới tại Việt Nam nên rất khó tìm được nhân sự giỏi về chuyên môn, kỹ thuật. Khoảng 70% nhân sự sản xuất do công ty tự đào tạo nên bài toán nhân sự luôn là bài toán khó. Bên cạnh đó, doanh nghiệp ngày một lớn, hệ thống quản trị ngày càng phải hoàn thiện. Vì vậy, Trần Hà Huy Cường luôn trăn trở và luôn linh hoạt phương pháp quản trị để công ty phát triển ổn định hơn, vững vàng hơn.
Bình luận (0)