Tiến sĩ - bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng Khoa Răng Hàm Mặt Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), cho biết trẻ được phát hiện sớm khi dính thắng lưỡi khiến nói ngọng, chậm nói thì sau khi cắt thắng lưỡi, những triệu chứng mắc phải được cải thiện rất rõ rệt.
Chậm nói vì cái thắng lưỡi
Trong lúc ngồi chờ vào phòng thủ thuật để thực hiện cắt thắng lưỡi cho con trai, chị Đ.H.P (29 tuổi; ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) cho biết dù đã 3 tuổi nhưng con chị chỉ phát âm vài từ đơn, chỉ đến khi được hàng xóm nói có thể bé bị ngắn thắng lưỡi nên chị mới cho con đi khám và được bác sĩ chỉ định cắt thắng lưỡi.
"Trước đó cứ nghĩ con chậm nói tạm thời vì bé sinh ra khỏe mạnh, phát triển bình thường. Hy vọng sau khi cắt thắng lưỡi, bé sẽ mau biết nói" - chị P. chia sẻ.
Còn với trường hợp của bé N.P.G.H (3 tuổi rưỡi; ngụ quận Gò Vấp, TP HCM), dù được phát hiện ngắn thắng lưỡi ngay sau khi sinh nhưng đến hiện tại gia đình mới đưa bé đi cắt thắng lưỡi.
Chị L.T.T.Y (39 tuổi, mẹ của bé H.) cho biết: "Thời điểm bé được 6 tháng, cũng có đưa đi khám tại phòng khám tư nhưng bác sĩ tư vấn không cần cắt vì khi bé lớn, thắng lưỡi sẽ giãn ra. Tuy nhiên, đến hiện tại tình trạng không cải thiện và bé không thể phát âm vài từ như chữ t, th… nên đưa bé đi khám thì được bác sĩ chỉ định phải cắt".
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) đang thực hiện phẫu thuật cắt thắng lưỡi cho một em bé ở TP HCM
Tiến sĩ - bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Đẩu cho biết dính thắng lưỡi là dị tật bẩm sinh, nếu không được điều trị kịp thời sẽ khiến trẻ gặp khó khăn khi bú, nuốt hoặc nói ngọng, ảnh hưởng đến chất lượng tiếng nói.
Thắng lưỡi là một bộ phận của lưỡi, nằm dưới bụng lưỡi, có dạng hình tam giác. Thắng lưỡi giữ vai trò quan trọng trong việc vận động lưỡi và định hướng di chuyển của lưỡi. Thắng lưỡi góp phần thực hiện hoàn chỉnh khả năng phát âm, bú, nuốt của trẻ.
Ngắn thắng lưỡi là một dị tật bẩm sinh mang yếu tố di truyền khiến trẻ nuốt khó, gặp trắc trở khi phát âm, gây ngọng nghịu. Không ít trẻ bị dị tật ngắn thắng lưỡi nhưng không phải cha mẹ nào cũng phát hiện sớm để đưa con đi khám kịp thời.
Khi nào cần cắt thắng lưỡi?
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu, có nhiều lý do để phụ huynh đưa trẻ đến khám thắng lưỡi như trẻ sẽ được bác sĩ tại bệnh viện phụ sản hay nhà bảo sanh phát hiện và gợi ý người nhà đưa đi khám, trẻ bú khó, phát hiện khi đi khám bệnh… Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp trẻ đi khám khi đã vào tiểu học.
"Thời gian lý tưởng để phẫu thuật cắt tạo hình thắng lưỡi cho bé là từ 3 đến 6 tháng. Vì khoảng thời gian này trẻ đủ khỏe mạnh để chịu đựng tốt tiến trình phẫu thuật và khi trẻ chưa mọc răng cửa sẽ tránh tình trạng cắn lưỡi sau phẫu thuật do lưỡi bị tê" - bác sĩ Đẩu giải thích.
Bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu thông tin thêm: Để nhận biết trẻ có bị dính thắng lưỡi hay không sẽ có một số dấu hiệu như: Nhìn trực tiếp thấy thắng lưỡi ngắn rõ; đầu lưỡi bị lõm hình trái tim, hình ách cơ; khó bú, khó nuốt; nói ngọng một số từ như th, tr, ch…; về phát âm, nếu thắng lưỡi bị ngắn hoặc bám sai vị trí, bé sẽ khó nói các từ phải đưa lưỡi xa về phía trước, phải cong lưỡi lên trên hoặc áp lưỡi vào mặt trong răng trên.
Bác sĩ Đẩu cho hay phẫu thuật dính thắng lưỡi có thể thực hiện dưới 2 hình thức gây tê hoặc gây mê. Đa số trẻ được gây tê, chỉ với trường hợp trẻ lớn, bác sĩ mới thực hiện gây mê.
Thắng lưỡi sẽ được cắt tạo hình bằng dao điện, thời gian thực hiện trong vòng 15 phút. Với phương pháp này, giúp trẻ bớt đau đớn, ít chảy máu và mau hồi phục. Sau phẫu thuật, trẻ được theo dõi trong 15 phút, có thể uống sữa lạnh hoặc nước lạnh, nếu sức khỏe trẻ ổn định có thể ra về ngay.
Thường nếu trẻ được phát hiện sớm tình trạng dính thắng lưỡi khiến nói ngọng, chậm nói thì sau khi cắt thắng lưỡi, việc nói ngọng hay chậm nói sẽ cải thiện. Tuy nhiên, với trẻ từ 3 đến 5 tuổi mới được cắt thắng lưỡi thì sau đó phụ huynh cần cho trẻ tham gia lớp tập nói tại bệnh viện hoặc bố mẹ được hướng dẫn để về nhà tập cho bé sửa những lỗi phát âm sai.
"Không thể đặt niềm tin cắt thắng lưỡi xong, trẻ sẽ nói tốt hoàn toàn. Bởi khi trẻ có thói quen nói sai từ nhiều năm trước thì muốn trẻ thay đổi, bố mẹ cần phải có sự rèn luyện, kiên trì hướng dẫn lại cho trẻ cách phát âm đúng" - bác sĩ Đẩu lưu ý.
Bình luận (0)