Việc giảm thiểu rườm rà, chồng chéo trong bộ máy, tăng cường hiệu quả hoạt động là chìa khóa để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước không chỉ là một mục tiêu mà còn là một yêu cầu cấp bách trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, để thành công, chúng ta cần học hỏi từ những kinh nghiệm quốc tế.
Xu hướng tất yếu
Cải cách hành chính, đặc biệt là tinh gọn bộ máy, là một xu hướng tất yếu trên toàn cầu. Nhiều quốc gia đã đạt được những thành công đáng kể trong lĩnh vực này, điển hình như Singapore, Nhật Bản và Trung Quốc.
Singapore đã tập trung vào việc xây dựng đội ngũ công chức chuyên nghiệp, áp dụng công nghệ thông tin và tối ưu hóa quy trình làm việc. Nhờ đó, quốc đảo sư tử đã giảm đáng kể số lượng nhân viên hành chính, nâng cao hiệu quả dịch vụ công và trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhất thế giới.
Trong khi đó, Nhật Bản chú trọng đến việc phân quyền, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng dịch vụ công. Qua các đợt cải cách, Nhật Bản đã cắt giảm 20% biên chế công chức trong vòng 10 năm (2000 - 2010), tiết kiệm ngân sách và tăng cường tính minh bạch trong hoạt động quản lý.
Còn Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp như sáp nhập các cơ quan có chức năng tương đồng, giảm chồng chéo, ứng dụng công nghệ thông tin và cải thiện môi trường đầu tư. Kết quả, Trung Quốc đã vươn lên vị trí 31 trong bảng xếp hạng "Dễ dàng kinh doanh" của Ngân hàng Thế giới năm 2019.
Những bài học quý báu
Từ thành công của các nước như Nhật Bản, Singapore và Trung Quốc, Việt Nam có thể rút ra bài học quý báu về việc tinh gọn bộ máy hành chính. Việc giảm thiểu sự chồng chéo trong các cơ quan, tăng cường hiệu quả phối hợp không chỉ giúp tiết kiệm ngân sách mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa ra các quyết sách nhanh chóng, chính xác để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, việc đổi mới cơ chế quản lý công và tăng cường quyền tự chủ cũng là một yếu tố quan trọng. Singapore đã thành công với mô hình quản lý kết hợp giữa tập trung và phân quyền, tạo điều kiện cho các cơ quan linh hoạt và sáng tạo hơn. Việt Nam có thể học hỏi mô hình này, trao quyền tự chủ cho các địa phương và cơ quan chuyên môn, khuyến khích họ chủ động và chịu trách nhiệm trong công việc.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, như Nhật Bản đã làm với Cơ quan Kỹ thuật số và Estonia với mô hình chính phủ số, đã chứng minh rõ ràng rằng công nghệ có khả năng cách mạng hóa dịch vụ công, rút ngắn thời gian và giảm chi phí đáng kể. Việt Nam cần nhanh chóng đẩy mạnh chuyển đổi số để bắt kịp xu thế này.
Song song đó, để nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm của Singapore và Hàn Quốc trong việc thu hút và đào tạo nhân tài. Việc xây dựng các chương trình học bổng, chế độ đãi ngộ hấp dẫn và cơ chế đánh giá năng lực minh bạch sẽ giúp thu hút những người tài năng vào làm việc trong khu vực công, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Đồng thời, để bảo đảm sự nhất quán và hiệu quả trong thực thi chính sách, Việt Nam cần tăng cường vai trò lãnh đạo của Thủ tướng và các cơ quan trung ương. Việc đổi mới tư duy quản trị, từ quản lý truyền thống sang quản lý dựa trên kết quả, là điều cấp thiết để nâng cao năng lực lãnh đạo và điều hành của hệ thống chính trị.
Và để tối ưu hóa nguồn lực và nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công, Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác công - tư (PPP). Mô hình PPP sẽ giúp huy động nguồn vốn và kinh nghiệm của khu vực tư nhân, đặc biệt trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, cơ sở hạ tầng và dịch vụ công.
Cải cách hành chính cũng cần được triển khai một cách hệ thống và bền vững, với lộ trình rõ ràng, các giai đoạn đánh giá và điều chỉnh phù hợp. Việc xây dựng chiến lược cải cách dài hạn, bảo đảm sự đồng bộ giữa các cấp, các ngành là yếu tố then chốt để đạt được thành công.
Cuối cùng là để xây dựng một chính quyền minh bạch và được người dân tin tưởng, Việt Nam cần thiết lập các quy trình công khai, minh bạch về ngân sách, tuyển dụng và hiệu quả hoạt động. Việc áp dụng cơ chế trách nhiệm giải trình rõ ràng sẽ giúp tăng cường sự giám sát của xã hội và nâng cao niềm tin của công chúng.
(Còn tiếp)
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc duy trì một bộ máy cồng kềnh, quan liêu sẽ làm giảm hiệu suất làm việc và lãng phí nguồn lực. Việt Nam cần quyết liệt thực hiện tinh giản bộ máy, đồng thời học hỏi kinh nghiệm các nước để xây dựng một bộ máy hành chính gọn nhẹ, hiệu quả.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 5-12
Bình luận (0)