Cơ cấu tổ chức và phân cấp quản lý tại các đô thị Việt Nam hiện nay đang bộc lộ nhiều hạn chế nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính và sự phát triển bền vững của đô thị.
Chồng chéo trong nhiệm vụ
Một trong những vấn đề nổi bật là sự chồng chéo trong nhiệm vụ và quyền hạn giữa các cấp chính quyền. Tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan đã làm giảm đáng kể hiệu quả điều hành, gây ra sự chậm trễ trong việc giải quyết các vấn đề của người dân.
Việc áp dụng một mô hình quản lý đồng nhất cho cả nông thôn và đô thị đã không còn phù hợp với thực tế. Các đô thị với mật độ dân số cao, cơ sở hạ tầng phức tạp và nhu cầu dịch vụ đa dạng đòi hỏi một cơ chế quản lý linh hoạt và chuyên biệt hơn.
Tính tự chủ của chính quyền đô thị còn hạn chế, dẫn đến sự phụ thuộc quá mức vào cấp trên. Điều này làm trì hoãn quá trình ra quyết định, giảm hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý địa phương và hạn chế khả năng sáng tạo trong giải quyết các vấn đề của đô thị.
Bộ máy hành chính cồng kềnh, với nhiều tầng nấc và sự chồng chéo trong chức năng, đang là gánh nặng lớn đối với ngân sách nhà nước. Chi phí cho bộ máy hành chính, chủ yếu tập trung vào lương và hoạt động thường xuyên, đang chiếm tỉ lệ quá cao so với các nước khác. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt ngân sách cho các lĩnh vực quan trọng như đầu tư phát triển, quốc phòng, an ninh và phúc lợi xã hội. Sự kém hiệu quả của bộ máy hành chính không chỉ gây lãng phí tài chính mà còn làm chậm trễ quá trình thực thi chính sách, giảm niềm tin của người dân và tạo ra nhiều đơn vị sự nghiệp công hoạt động kém hiệu quả.
Phân cấp, phân quyền hợp lý
Để khắc phục tình trạng bộ máy nhà nước cồng kềnh, lãng phí và kém hiệu quả, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp trọng tâm như: Tinh gọn bộ máy, rõ ràng chức năng. Cụ thể là rà soát, điều chỉnh và loại bỏ các bộ phận chồng chéo, không cần thiết, đồng thời phân định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của từng cơ quan.
Đồng thời, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ bằng cách cải cách chính sách tuyển dụng, đào tạo, đánh giá và đãi ngộ cán bộ, công chức, hướng tới xây dựng đội ngũ năng động, sáng tạo và tận tâm.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh chuyển đổi số. Việc áp dụng công nghệ thông tin vào mọi khâu của hoạt động quản lý nhà nước, giảm thiểu thủ tục hành chính, tăng cường minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Đặc biệt là phân cấp, phân quyền hợp lý. Trao quyền cho chính quyền địa phương, giảm bớt sự tập trung quá mức vào trung ương, tạo điều kiện để các địa phương chủ động giải quyết các vấn đề của địa phương.
Ngoài ra, cần tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật và lãng phí. Khuyến khích xã hội hóa và hợp tác công tư. Tạo môi trường thuận lợi để khu vực tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công, tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn lực.
(Còn tiếp)
Bình luận (0)