Bộ trưởng ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan cho biết trong cuộc họp này, các nước ASEAN sẽ thẳng thừng nói với chính quyền quân sự của Myanmar rằng họ kinh hoàng trước tình hình bạo lực của nước này. ASEAN cho rằng Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và quân đội cần ngồi lại với nhau để tìm ra lối thoát.
Ngoài ra, ông Balakrishnan cũng kêu gọi quân đội Myanmar từ bỏ việc sử dụng vũ lực gây chết người và "hành động ngay lập tức để giảm leo thang tình hình, ngăn chặn đổ máu, bạo lực và chết chóc".
Vào ngày 1-3, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói những vụ giết chóc người biểu tình tại Myanmar cho thấy sự leo thang căng thẳng và rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden đang chuẩn bị thêm biện pháp xử lý những người chịu trách nhiệm cho cuộc đảo chính.
Đám tang của 1 người phụ nữ bị bắn chết tại TP Mandalay hôm 1-3. Ảnh: Reuters
Cùng ngày, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) Linda Thomas-Greenfield nói bà hy vọng có thể sử dụng chức vụ Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ vào tháng 3 để thúc đẩy thêm "các cuộc thảo luận căng thẳng" về Myanmar.
Theo lời đại sứ Mỹ, Washington đã sẵn sàng sử dụng cam kết mới của mình tại LHQ và quốc tế "để gây sức ép buộc quân đội Myanmar đảo ngược các hành động của mình và khôi phục một chính phủ được bầu cử dân chủ".
"Tuy nhiên, sự bạo lực mà chúng ta đang chứng kiến cho thấy họ vẫn chưa sẵn sàng để đưa ra một quyết định mà tôi cho là dễ dàng với họ. Vì vậy, chúng ta phải tăng cường áp lực" - trích lời bà Thomas-Greenfield. Trong khi đó, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã cam kết huy động sức ép toàn cầu “để đảm bảo rằng cuộc đảo chính này sẽ thất bại”.
Hãng Reuters đưa tin cảnh sát Myanmar đã giải tán các cuộc biểu tình phản đối cuộc đảo chính bằng hơi cay, lựu đạn gây choáng và đạn cao su. Văn phòng nhân quyền của LHQ cho biết cảnh sát Myanmar đã nổ súng vào đám đông tại nhiều nơi vào ngày 28-2, giết chết 18 người.
Bình luận (0)