Tình trạng cung không đủ đáp ứng cầu trong thị trường lao động châu Á không những gây lãng phí nguồn nhân lực trình độ cao mà còn châm ngòi cho những bất ổn về lâu dài.
Thừa người, thiếu việc
“Hãy tưởng tượng hàng chục triệu người vừa tốt nghiệp đại học phải tranh nhau vài triệu việc làm thu nhập khá. Chúng tôi phải làm việc 7 giờ/ngày, mất thêm 3 giờ di chuyển và kết thúc một ngày tại nhà trọ với 4 người khác vì không đủ tiền thuê cho mình một nơi ở riêng. Công việc thậm chí không thú vị gì cả và những người trẻ như chúng tôi dần biến thành những cỗ máy” - cô gái trẻ tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng ở thủ đô Bắc Kinh - Trung Quốc chia sẻ khi được hỏi về hiện tượng “guolaosi” (chết vì làm việc quá sức).
Không ít người lao động cam chịu làm việc như “cỗ máy” để mưu sinh Ảnh: REUTERS
Điều đáng lo là hiện tượng này không chỉ xuất hiện tại Trung Quốc. Hiện tượng này lần lượt được gọi là “karoshi” ở Nhật và “gwarosa” tại Hàn Quốc, qua đó phản ánh thị trường lao động châu Á đang trải qua cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.
Trong giai đoạn 2006-2015, 10 quốc gia đông dân nhất châu lục tạo ra 135 triệu việc làm mới nhưng lực lượng lao động (từ 16-65 tuổi) lại tăng thêm 245 triệu người. Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hồng Kông), những nước có sự thiếu hụt việc làm lớn nhất châu Á là Ấn Độ, Trung Quốc và Pakistan với con số lần lượt là 79 triệu, 23 triệu và 9 triệu. Con số này có thể còn tăng nếu tính luôn những phụ nữ tự nguyện hoặc buộc phải ở nhà làm nội trợ.
Thiếu việc làm không phải là vấn đề duy nhất. Thu nhập thấp của nhiều người lao động trong bối cảnh chi phí sinh hoạt leo thang cũng là bài toán nan giải. Tại Ấn Độ, tiền lương đã tăng gấp đôi kể từ năm 2006 nhưng giá cả tiêu dùng cũng tăng với tỉ lệ tương tự. Còn ở Indonesia, lương tháng tăng 85% thì mức sống cũng tăng 65%. Tại Philippines, tỉ lệ này là 71%-49%, còn Hàn Quốc là 47%-28%. Có thể thấy phần lớn thu nhập của người lao động được dành để chi trả cho sinh hoạt phí. “Tôi có thể mua được mọi thứ ở Bắc Kinh nhưng với giá thành đắt đỏ. Chúng tôi phải trả tiền bảo hiểm, đi lại và nhiều phí dịch vụ khác cao hơn nhiều ở quê nhà” - cô gái trẻ ở thủ đô Trung Quốc nói trên than thở.
Mối đe dọa từ robot
Đối mặt tình trạng thiếu việc và sự cạnh tranh khốc liệt, nhiều người lao động buộc phải làm những công việc không như ý. Các cuộc khảo sát chỉ ra hơn 1/3 công việc ở châu Á không hấp dẫn người lao động. Không có gì khó hiểu khi mức độ hài lòng về công việc cực thấp tại các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Không ít người lao động cam chịu làm việc như “cỗ máy” để mưu sinh, nhất là trong lĩnh vực sản xuất.
Tại những nhà máy lớn, sự nhàm chán, đơn điệu thể hiện rõ trong công việc của công nhân - chỉ gói gọn trong một thao tác nhất định, lặp đi lặp lại ngày qua ngày. Trong những trường hợp tệ nhất, có người buộc phải sử dụng khẩu trang và quần áo bảo hộ cả ngày vì lý do an toàn lao động, khiến họ trông không khác gì robot.
Điều trớ trêu là trong tương lai không xa, những “cỗ máy con người” này có thể mất việc làm vào tay “cỗ máy” thật sự nếu dự báo mới đây của Công ty Nghiên cứu thị trường Forrester (Mỹ) thành hiện thực. Theo Forrester, robot sẽ chiếm khoảng 6% việc làm ở Mỹ vào năm 2021, khởi đầu trong lĩnh vực dịch vụ khách hàng trước khi thay con người lái xe tải, taxi… Những robot này đại diện cho hệ thống hoạt động dựa trên trí tuệ nhân tạo, có khả năng hiểu được hành vi con người và tự đưa ra quyết định.
Từ trợ lý ảo đến xe tự lái
Theo báo The Guardian (Anh), chúng ta ngày càng quen thuộc với những trợ lý ảo (Alexa, Cortana, Siri, Google Now), chatbot (phần mềm tán gẫu tự động), hệ thống robot tự động... Trong ngành công nghiệp vận tải, những tên tuổi như Uber, Google, Tesla… đang chạy đua phát triển xe tự lái, đe dọa đến vai trò của tài xế con người. Dù còn khá đơn giản nhưng trong vòng 5 năm tới, những công nghệ này có thể thay con người đưa ra quyết định trong những tình huống phức tạp. Khi đó, chúng có thể giúp ích cho các công ty đang tìm cách cắt giảm chi phí nhưng lại gây sức ép không nhỏ đến người lao động.
Bình luận (0)