Dưới đây là nhật ký 5 ngày khó quên của nữ phóng viên Úc:
“Ngày thứ nhất, tôi cập bến thành phố cảng Đà Nẵng của Việt Nam. Tiếp đón tôi là một cán bộ tên Quang. Ông đã giúp đỡ tôi nhiều trong suốt thời gian trên đất liền. Khi lên tàu CSB 2016, tôi nhận thấy mình nằm trong số ít các nhà báo được phép tới điểm nóng trên biển Đông.
Trước khi lên tàu, tôi và các đồng nghiệp được thiết đãi một bữa tiệc chia tay đầm ấm. Ông Quang hỏi tôi có mang theo thuốc và biết bơi hay không, sau đó ôm chặt tôi trước khi tiễn tôi lên tàu... Tôi cũng thoáng chút lo lắng, không phải vì đi trên vùng biển xa lạ mà sợ bởi vì chuyến hành trình 5 ngày với thông tin liên lạc hạn chế. Một nhà báo của tờ Washington Times không được lên tàu nói với theo tôi: “Hãy ghi chép cẩn thận và quay trở về an toàn nhé Sam”.
Nữ phóng viên Samantha Hawley ăn cơm cùng thuyền trưởng Nguyễn Văn Hùng trên tàu 8003. Ảnh: CSB Việt Nam
“Ngày thứ 2, tỉnh dậy sau một giấc ngủ bồn chồn, tôi lên boong tàu quan sát. Chỉ có đại dương bao quanh và chúng tôi vẫn chưa tới nơi. Tôi chợt nghĩ đến nhiều trở ngại đang chờ đón mình phía trước. Quay video trên một chiếc thuyền lắc lư, xung quanh là biển cả không bóng người cũng là một vấn đề. Ngoài ra, tôi còn sợ say sóng. Nhưng tôi cố gắng không nghĩ đến những trở ngại đó.
Lúc chúng tôi đang nói chuyện, một tàu chiến của Trung Quốc đi ngang qua. Thủy thủ đoàn lập tức cảnh giác. Tuy nhiên, không có sự cố nào xảy ra. Đến sáng sớm, chúng tôi được chuyển sang một chiếc tàu khác. Tại đây, chúng tôi chỉ còn cách giàn khoan 20 km. Tàu đưa chúng tôi đến gần hơn nhưng thời tiết trên biển không thuận lợi khiến con tàu bị mắc kẹt. Một đêm nữa lại trôi qua.
“Ngày thứ 3, biển động mạnh. Con tàu trọng tải 250 tấn của chúng tôi lắc lư. Thủy thủ đoàn thảo luận có nên cho các phóng viên chuyển lên tàu cảnh sát biển CG 8003 lớn hơn hay không. Nhiều giờ trôi qua, biển êm trở lại. Chúng tôi được phép lên tàu CG 8003 trọng tải 1.600 tấn. Khi còn cách giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 16 km, đột nhiên chúng tôi bị nhiều tàu ven biển của Trung Quốc vây quanh. Thuyền trưởng Nguyễn Văn Hùng sau đó nói với tôi có 17 tàu Trung Quốc đang có mặt.
Từ loa phóng thanh, thủy thủ đoàn Việt Nam cất tiếng yêu cầu tàu thuyền Trung Quốc rời khỏi khu vực và nói rằng họ đang vi phạm luật pháp quốc tế cùng chủ quyền lãnh hải của Việt Nam. Nhưng tàu 8003 lập tức bị xua đuổi. Nhiều tàu của Trung Quốc bám đuổi phía sau với những cột khói đen cao lừng lững.
Cảnh sát biển Việt làm lễ chào cờ. Ảnh: CSB Việt Nam
“Ngày thứ 4, thủy thủ đoàn tàu 8003 tổ chức lễ chào cờ và thể hiện lòng yêu nước. Sau đó, chúng tôi tiến về giàn khoan lần thứ 2. Khi còn cách khoảng 13 km, hàng loạt tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc tiến lại bao quanh tàu cảnh sát biển Việt Nam. Kịch bản lặp lại như ngày hôm qua giống như một trò chơi mèo vờn chuột. Lần này có 10 tàu Trung Quốc tham gia và họ áp sát tàu Việt Nam gần hơn.
Trong khi Trung Quốc có khoảng 119 tàu các loại bảo vệ xung quanh giàn khoan. Nhưng lực lượng của Việt Nam vẫn không nản lòng và kiên quyết bám trụ.
“Ngày thứ 5, đó là ngày cuối cùng trước khi chúng tôi quay trở về Đà Nẵng. Tàu 8003 chuyển các phóng viên sang tàu nhỏ hơn vì nó còn phải ở lại thực hiện nhiệm vụ. Vào buổi sáng, chúng tôi tiếp tục bị tàu Trung Quốc tạo thành nửa vòng tròn bao vây và không tiến thêm được nửa bước. Một tàu biên phòng nhỏ hơn của Việt Nam ở bên cạnh bị tàu Trung Quốc áp sát nhưng sau đó chiếc tàu này đã quay trở lại”.
Bình luận (0)