Đó là thông tin của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres nêu trong báo cáo Hội đồng Bảo an và nhiều được cơ quan thông tấn đăng tải như Reuters (Anh), Bloomberg (Mỹ)... Ông Guterres cũng cho biết một số vật phẩm trong số vũ khí và vật liệu liên quan mà Mỹ thu giữ tháng 11-2019 và tháng 2-2020 "có nguồn gốc Iran".
Ông Guterres xác nhận nhiều vật phẩm có đặc điểm thiết kế tương tự như những sản phẩm được thực thể thương mại ở Iran sản xuất hoặc mang nhãn hiệu tiếng Ba Tư và một số được giao cho nước này từ tháng 2-2016 đến tháng 4-2018.
Ông Guterres nói thêm "những sản phẩm này đã được chuyển giao theo một cách không phù hợp" với Nghị quyết của Hội đồng Bảo an năm 2015. Quy định thỏa thuận giữa Tehran với các cường quốc thế giới nhằm ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân.
Phần còn lại của các tên lửa mà chính phủ Ả Rập Saudi cho biết đã được sử dụng để tấn công một cơ sở lọc dầu của Aramco. Ảnh: Reuters
Trong năm 2019, nhiều vị trí ở Ả Rập Saudi bị tấn công bằng tên lửa hoặc máy bay không người lái, bao gồm một cơ sở lọc dầu tại TP Afif (tháng 5), sân bay quốc tế Abha (tháng 6) và các cơ sở lọc dầu của công ty Aramco ở TP Khurais và Abqaiq (tháng 9). Các cuộc tấn công bộc lộ những lỗ hổng to lớn trong khả năng phòng thủ của Ả Rập Saudi mặc dù đã chi hàng trăm tỉ USD cho vũ khí.
Ông Guterres cho biết sau khi LHQ kiểm tra các mảnh vỡ của những vũ khí được sử dụng trong các cuộc tấn công, "ban thư ký đánh giá rằng các tên lửa hành trình và/hoặc các bộ phận của chúng được sử dụng trong 4 vụ tấn công có nguồn gốc từ Iran". Theo Tổng thư ký LHQ, máy bay không người lái dùng trong các cuộc tấn công vào tháng 5 và tháng 9 năm ngoái cũng "có nguồn gốc Iran".
Ông cho biết LHQ đã quan sát thấy một số vật phẩm trong 2 đợt thu giữ mà Mỹ tiến hành "giống hoặc tương tự" những vật phẩm được tìm thấy trong các mảnh vỡ của tên lửa và máy bay không người lái trong các cuộc tấn công năm 2019 ở Ả Rập Saudi.
Các cơ sở của Saudi Aramco, công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới, bị tấn công vào năm ngoái. Ảnh: AP
Hội đồng Bảo an dự kiến sẽ thảo luận về báo cáo của Tổng thư ký Guterres vào cuối tháng này. Ông Guterres báo cáo 2 lần/năm cho Hội đồng Bảo an về việc thực thi lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran cũng như các biện pháp trừng phạt khác vẫn được duy trì sau thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015.
Phái đoàn Iran tại LHQ chưa bình luận về báo cáo vừa nêu. Tuy nhiên, ngày 22-5, phái đoàn Iran tại LHQ đã gửi thư cho ông Guterres, cho biết Tehran "không có chính sách xuất khẩu vũ khí vi phạm các lệnh cấm vận của HĐBA" và "sẽ tiếp tục tích cực hợp tác với LHQ về vấn đề này".
Washington đang thúc đẩy Hội đồng Bảo an LHQ gia hạn lệnh cấm vận vũ khí với Iran vốn sắp hết hạn vào tháng 10. Đại sứ Mỹ tại LHQ Kelly Craft cho biết sẽ lưu hành một dự thảo nghị quyết nhằm sớm gia hạn lệnh cấm vận vũ khí với Iran.
Mỹ sẽ "sớm quỳ gối" trước Iran
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi viết trên tài khoản Twitter hôm 12-6 rằng chính phủ Mỹ "sẽ sớm quỳ xuống trước" Iran. Theo ông này, Washington hài lòng với "khủng bố kinh tế" bởi vì các chính sách của họ "chẹt gối vào cổ" của chính người dân và mọi người trên khắp thế giới. Cụm từ "chẹt gối vào cổ" gợi nhớ đến vụ cảnh sát da trắng ấn đầu gối vào cổ người đàn ông da màu George Floyd ở Mỹ.
Cuộc đối đầu giữa Mỹ và Iran thêm căng thẳng khi Mỹ dùng máy bay không người lái phóng hai quả tên lửa vào đoàn xe chở tướng Soleimani đang rời sân bay quốc tế Baghdad ở Iraq vào rạng sáng 3-1.
Bình luận (0)