Theo TTXVN, Phó Thủ tướng cũng nêu bật chính sách nhất quán của Việt Nam là ủng hộ giải trừ toàn diện và không phổ biến vũ khí hạt nhân, nhấn mạnh quyền sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân của các quốc gia.
Trong bài phát biểu bế mạc hôm 1-4 (giờ địa phương), Tổng thống nước chủ nhà Barack Obama thúc giục các nhà lãnh đạo ngăn chặn khủng bố sở hữu vũ khí hạt nhân. Cảnh báo một cuộc tấn công hạt nhân từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hay một nhóm khủng bố khác sẽ “thay đổi thế giới của chúng ta”, ông Obama nhấn mạnh: “Nếu bọn điên đó có bom hạt nhân hoặc vật liệu hạt nhân thì chắc chắn chúng sẽ thảm sát người vô tội”.
Tuy cho tới nay chưa có nhóm khủng bố nào đạt được mục tiêu trên song theo ông Obama, al-Qaeda không ngừng tìm kiếm vật liệu hạt nhân, còn IS đã sử dụng vũ khí hóa học và do thám một quan chức hạt nhân cấp cao của Bỉ. Đáng chú ý, đài RT (Nga) cho hay IS đã sử dụng một phòng thí nghiệm kỹ thuật cao ở Mosul - Iraq để chế tạo bom, vũ khí hóa học từ khi chiếm được thành phố này vào năm 2014. Hầu như chưa bị các cuộc không kích của Mỹ “hỏi thăm”, cơ sở trên đã cung cấp cho các tay súng khoảng 40 kg hợp chất urani. Tuy nhiên, Tổ chức Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho rằng số vật liệu trên không quá nguy hiểm.
Theo báo The New York Times, nhiều cam kết đã được đưa ra tại hội nghị. Cụ thể, toàn bộ lượng urani làm giàu ở mức độ cao của Nhật Bản đã được chuyển tới Mỹ để làm giảm mức độ nguy hiểm, Trung Quốc cam kết chuyển đổi một số lò phản ứng, Anh khởi động sáng kiến an ninh nhằm chống các cuộc tấn công mạng vào các nhà máy hạt nhân…
Thế nhưng, vẫn còn khoảng 1.800 tấn vật liệu hạt nhân đang được lưu trữ ở 24 quốc gia và phần lớn dễ bị đánh cắp. Thêm vào đó, chương trình hạt nhân của Triều Tiên cũng rất nguy hiểm. Đặc phái viên nước này tại Liên Hiệp Quốc, ông So Se Pyong, ngày 1-4 khẳng định Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục theo đuổi chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Bình luận (0)