Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ, Đổi mới và Truyền thông Brazil Marcos Pontes viết trên Twitter từ trạm Comandante Ferraz trên đảo King George, gần bán đảo Nam Cực: "Brazil đã trở lại Nam Cực với lực lượng rất lớn".
Ông Marcos Pontes cho biết cơ sở mới hơn 4.494 m vuông, rộng và an toàn hơn, có 17 phòng thí nghiệm, sân bay trực thăng cùng nhiều cơ sở hạ tầng khác.
Brazil đã đầu tư gần 100 triệu USD vào việc tái thiết Trạm Comandante Ferraz ở Nam Cực. Ảnh: EPA
Theo hãng tin AP và Reuters ngày 16-1, các nhà khoa học sẽ sử dụng cơ sở để nghiên cứu về biến đổi khí hậu, địa chất, sông băng và công nghệ sinh học. Các nhà khoa học cũng sẽ tìm kiếm các vi sinh vật biển có thể đóng góp phát triển vào lĩnh vực y tế hoặc nông nghiệp, thông qua việc sản xuất các loại thuốc hoặc thuốc trừ sâu mới.
Chương trình Nam Cực của Brazil bắt đầu vào năm 1982 khi Hải quân Brazil mua tàu phá băng Đan Mạch và thực hiện chuyến thám hiểm đầu tiên.
Từ năm 1975, Brazil là thành viên đầy đủ của Hiệp ước Nam Cực được ký kết năm 1959 bởi 12 quốc gia, quyết định tương lai của lục địa này. Đến nay, có 54 quốc gia tham gia hiệp ước. Trong đó, có các điều khoản nhằm ngăn ngừa xung đột, cấm hoạt động quân sự, cấm khai khoáng, thúc đẩy hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học tại Nam cực "vì mục đích hòa bình".
Hồi năm 2012, xảy ra một vụ nổ trong phòng máy phát điện gây ra hỏa hoạn, khiến hai sĩ quan hải quân thiệt mạng và phá hủy 70% căn cứ của Brazil. Dẫu xảy ra hỏa hoạn, các dự án nghiên cứu của Brazil ở Nam Cực không dừng lại. Bộ Khoa học, Công nghệ, Đổi mới và Truyền thông Brazil đã bỏ ra 4,3 triệu USD vào nghiên cứu trong khu vực vài năm qua.
Các nhà khoa học sẽ sử dụng cơ sở để nghiên cứu về biến đổi khí hậu, địa chất, sông băng và công nghệ sinh học. Ảnh: EPA
Đến năm 2015, CEIEC được chọn để xây dựng căn cứ mới, có sức chứa khoảng 65 người. Căn cứ đã được lắp ráp tại Trung Quốc và sau đó được chuyển đến Nam Cực bằng thuyền trong nhiều năm.
Vì thời tiết khắc nghiệt trong mùa Đông ở Nam Cực nên các nhà nghiên cứu chỉ có thể làm việc tại đó 4 tháng trong năm, từ giữa tháng 12 đến tháng 3.
Giáo sư Jefferson Simoes thuộc Trường ĐH Rio Grande do Sul (Brazil) cho biết sự hiện diện của Brazil tại Nam Cực có ý nghĩa cả về mặt khoa học lẫn địa chính trị. Tất cả 54 quốc gia thành viên HIệp ước Nam Cực đều có quyền bỏ phiếu và quyền phủ quyết đối với các quyết định từ bảo tồn môi trường đến hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, họ phải giữ một vai trò tích cực trên lục địa, theo lời ông Simoes.
Bình luận (0)