Trong cuộc chiến ngôn luận giữa Iran – Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng Mỹ sẽ nhắm vào những người ra mệnh lệnh cuối cùng của Iran nếu có thêm các cuộc tấn công vào lợi ích của Mỹ.
Thiếu tướng Qassem Soleimani thiệt mạng trong cuộc không kích của Mỹ vào sân bay quốc tế Baghdad - Iraq ngày 3-1, gây lo ngại châm ngòi một cuộc xung đột lớn. Trong khi Washington và Tehran luôn nhìn nhau như đối thủ truyền kiếp, Liên minh châu Âu, Anh và Oman kêu gọi hai bên xoa dịu cuộc khủng hoảng bằng nỗ lực ngoại giao.
Quốc hội Iraq thông qua nghị quyết kêu gọi chấm dứt sự hiện diện của toàn bộ binh sĩ nước ngoài tại nước này. Ảnh: REUTERS
Ngày 5-1, quốc hội Iraq thông qua nghị quyết kêu gọi chấm dứt sự hiện diện của toàn bộ binh sĩ nước ngoài tại nước này. Mặc dù nghị quyết này không có tính chất ràng buộc đối với chính phủ Iraq, song có thể sẽ được chính phủ Iraq đồng thuận. Động thái này phản ánh nỗi sợ hãi của nhiều người ở Iraq rằng cuộc không kích tướng Iran có thể nhấn chìm họ trong một cuộc chiến khác giữa hai nước trong khu vực.
Nghị quyết có đoạn: "Chính phủ Iraq phải nỗ lực để chấm dứt sự hiện diện của bất kỳ quân đội nước ngoài nào trên đất Iraq và cấm họ sử dụng đất, không gian hoặc nước của họ vì bất kỳ lý do gì".
Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi trước đó kêu gọi quốc hội chấm dứt sự hiện diện của quân đội nước ngoài sớm nhất có thể. Thủ tướng Mahdi nói, bất chấp những "khó khăn cả trong lẫn ngoài" mà Iraq có thể phải đối mặt, hủy yêu cầu giú đỡ từ liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu "vẫn là tốt nhất cho Iraq cả về nguyên tắc và thực tiễn".
Thiếu tướng Qassem Soleimani thiệt mạng trong cuộc không kích của Mỹ khiến lo ngại châm ngòi một cuộc xung đột lớn. Ảnh: REUTERS
Phản ứng về động thái của quốc hội Iraq, Mỹ "thất vọng" và mong muốn Iraq cân nhắc lại. "Trong lúc chờ giải thích rõ ràng hơn về bản chất pháp lý và tác động của nghị quyết, chúng tôi hối thúc lãnh đạo Iraq xem xét lại tầm quan trọng của mối quan hệ kinh tế, an ninh giữa hai nước và sự hiện diện của liên minh toàn cầu chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng" – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cho biết. Mỹ hiện có khoảng 5.000 binh sĩ ở Iraq, chủ yếu có vai trò cố vấn quân sự.
Theo hãng Reuters, ông Abdul Mahdi dự định gặp thiếu tướng Soleimani vào ngày ông bị giết. Người Hồi giáo Sunni ở Ả Rập Saudi và người Hồi giáo dòng Shi’ite ở Iran sắp đạt được một bước đột phá về tình hình ở Iraq và khu vực, theo ông Abdul Mahdi. Một thành viên của quốc hội Sunni nói rằng cả hai nhóm đều lo quyết định chấm dứt sự hiện diện của toàn bộ binh sĩ Mỹ sẽ khiến Iraq dễ bị quân nổi dậy phá hoại, làm suy yếu an ninh và lực lượng dân quân Shi’ite do Iran hậu thuẫn lớn mạnh hơn.
Bình luận (0)