Giữa lúc căng thẳng Washington - Tehran leo thang tột độ, Tổng thống Donald Trump hôm 4-1 thông qua mạng xã hội Twitter khoe về sức mạnh của quân đội Mỹ.
Biện pháp cực đoan
"Mỹ vừa chi 2.000 tỉ USD mua sắm khí tài quân sự. Chúng tôi có đội quân hùng mạnh nhất thế giới. Nếu Iran tấn công căn cứ hoặc công dân Mỹ, chúng tôi sẽ triển khai một vài khí tài mới mua để đáp trả…không một chút do dự" - ông chủ Nhà Trắng khẳng định.
Trước đó cùng ngày, Tổng thống Donald Trump cũng đã đe dọa tấn công "rất nhanh và rất mạnh" vào 52 địa điểm, bao gồm một số địa điểm "cấp cao và rất quan trọng đối với Iran và văn hóa Iran", nếu quốc gia này tấn công Mỹ để trả thù cho Thiếu tướng Soleimani - Tư lệnh Lực lượng Quds tinh nhuệ thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), người bỏ mạng trong cuộc không kích hôm 3-1 của Mỹ. "Nếu Iran tấn công Mỹ một lần nữa, điều tôi khuyên họ đừng làm, chúng tôi sẽ đáp trả dữ dội hơn rất nhiều" - Tổng thống Donald Trump cảnh báo.
Theo tờ The New York Times, quyết định của Tổng thống Donald Trump về việc tiêu diệt Thiếu tướng Soleimani, nhân vật quyền lực thứ 2 ở Iran, khiến giới chức Lầu Năm Góc sững sờ. Vài ngày trước đó, trong bối cảnh xảy ra hàng loạt vụ tấn công nhằm vào công dân Mỹ tại Iraq, giới chức quân sự Mỹ đã đệ trình hàng loạt biện pháp đáp trả, trong đó có tiêu diệt Thiếu tướng Soleimani - phương án mà họ khẳng định là cực đoan nhất và sẽ không được Tổng thống Donald Trump chọn lựa.
Tổng thống Donald Trump ban đầu bác bỏ phương án đoạt mạng Thiếu tướng Soleimani vào ngày 28-12-2019 và thay vào đó ra lệnh không kích nhằm vào một nhóm dân quân do Iran hậu thuẫn. Tuy nhiên vài ngày sau, ông chủ Nhà Trắng đã chọn phương án cực đoan nêu trên bất chấp sự can ngăn của một số quan chức, sau khi chứng kiến Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Baghdad - Iraq bị tấn công.
Người dân tham dự tang lễ Thiếu tướng Qasem Soleimani ở TP Ahvaz - Iran hôm 5-1. Ảnh: REUTERS
Bắt đầu trả đũa sau tang lễ?
Theo CNN, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã cảnh báo Quốc hội Mỹ về khả năng Iran tấn công trả thù "trong vài tuần tới", trong khi giới chức Lầu Năm Góc cũng như các cơ quan tình báo nhận định cuộc tấn công này có thể diễn ra "trong vài ngày tới". Dù vậy, họ khẳng định các lực lượng Mỹ đã sẵn sàng để đối phó.
Theo Military.com ngày 4-1, tàu tấn công đổ bộ Mỹ USS Bataan chở theo khoảng 2.200 lính thủy đánh bộ đã hủy tập trận ở Morocco để đến Trung Ðông trong bối cảnh căng thẳng khu vực leo thang. Trước đó 1 ngày, Lầu Năm Góc thông báo Washington đã triển khai thêm gần 3.500 binh sĩ thuộc Sư đoàn Không vận 82 đến Trung Ðông "để đối phó với các mối đe dọa gia tăng trong khu vực".
Những quyết định trên được đưa ra ngay khi Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei cam kết "trả thù tàn khốc" cho Thiếu tướng Soleimani.
Theo hãng thông tấn ISNA, thi thể Thiếu tướng Soleimani và 5 người Iran thiệt mạng trong đợt không kích của Mỹ ở TP Baghdad - Iraq đã được chuyển về TP Ahvaz - Iran vào ngày 5-1. Hiện vẫn chưa rõ Iran sẽ trả thù như thế nào và khi nào; mọi động thái trả đũa nhiều khả năng sẽ được thực hiện sau khi lễ tang 3 ngày ở cả Iran lẫn Iraq kết thúc.
Các nhà lập pháp Iran bắt đầu phiên họp hôm 5-1 bằng việc đồng loạt hô vang: "Cái chết cho nước Mỹ!". "Tổng thống Donald Trump! Ðây là tiếng nói của đất nước Iran. Hãy lắng nghe!" - Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani khẳng định.
Chính phủ Iraq, đồng minh thân cận của Iran, cùng ngày chỉ trích cuộc không kích của Mỹ, nói rằng đây là một cuộc tấn công nhằm vào chủ quyền quốc gia của họ. Theo Daily Mail, những chiến binh thánh chiến Iran đã treo cờ đỏ tại nhà thờ Hồi giáo Jamkaran ở TP Qom - Iran vào ngày 4-1. Với người Hồi giáo dòng Shiite, cờ đỏ tượng trưng cho cái chết bất công và lời kêu gọi trả thù, báo hiệu một trận "huyết chiến" sắp diễn ra.
Trong khi đó, Chỉ huy cấp cao của IRGC tại tỉnh Kerman - Iran, ông Gholamali Abuhamzeh, tuyên bố Tehran sẽ trừng phạt công dân Mỹ, "bất cứ nơi đâu họ cũng trong tầm ngắm của chúng tôi", đồng thời nêu viễn cảnh tấn công tàu thuyền Mỹ di chuyển trong vùng Vịnh.
Biểu tình phản chiến bùng nổ tại Mỹ
Các nhóm biểu tình tuần hành tại thủ đô Washington D.C cùng một số thành phố khác của Mỹ nhằm phản đối chiến tranh và việc Tổng thống Donald Trump ra lệnh tấn công giết chết vị tướng hàng đầu của Iran.
Hàng trăm người biểu tình hôm 4-1 hô vang khẩu hiệu "Không công bằng, không hòa bình. Mỹ rời khỏi Trung Đông" bên ngoài Nhà Trắng, rồi tuần hành đến khách sạn Trump International gần đó. Nhiều diễn giả tham gia phát biểu trong những cuộc biểu tình ở Washington D.C, đáng chú ý là nữ diễn viên - nhà hoạt động Jane Fonda (82 tuổi).
"Thế hệ trẻ nên biết rằng những cuộc chiến tranh kể từ khi các bạn chào đời, tất cả đều là vì dầu mỏ. Chúng ta không thể tiếp tục đánh đổi sinh mạng, giết người và hủy hoại môi trường vì dầu mỏ" - bà Fonda nói trước đám đông người biểu tình. Những cuộc biểu tình tương tự diễn ra tại New York, Chicago cùng nhiều thành phố khác.
Theo hãng Reuters, kết quả các cuộc khảo sát năm ngoái cho thấy người dân Mỹ phản đối quân đội có hành động can thiệp quân sự ở nước ngoài. Ðơn cử, cuộc khảo sát năm 2019 của Tổ chức Hội đồng Chicago về vấn đề toàn cầu cho thấy chỉ có 27% người Mỹ tin rằng hành động can thiệp quân sự giúp Mỹ an toàn hơn, nhưng có đến 50% phản đối.
Huệ Bình
Bình luận (0)