Số binh sĩ này sẽ tham gia cuộc tập trận mùa xuân thường niên. Đến nay, Mỹ đã điều động tổng cộng 600 binh lính đến Ba Lan và các nước Baltic để tập trận, sau đó có kế hoạch luân phiên ở lại cho đến hết năm nay.
Trong khi đó, tàu chỉ huy đổ bộ USS Mount Whitney của Mỹ đã tới thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha để tập trận ở Địa Trung Hải, trong đó tập trung vào kịch bản giải phóng một đồng minh của NATO bị chiếm đóng.
Cùng ngày, Anh và Pháp phái 8 chiến đấu cơ đến Baltic để tham gia tuần tra bầu trời theo kế hoạch của NATO. 4 chiến đấu cơ Typhoon của Anh đã đáp xuống căn cứ không quân Siauliai ở miền Bắc Lithuania. Còn 4 chiếc Rafale của Pháp hạ cánh ở Malbork, Đông Bắc Ba Lan. Khoảng 70 quân nhân Pháp cũng đến Malbork để hỗ trợ các máy bay mới.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Philip Hammond cho hay động thái này nhằm trấn an các đồng minh của NATO ở Đông Âu và Baltic.
3 nước Baltic – gồm Estonia, Latvia và Lithuania – gia nhập NATO từ năm 2004 nhưng lực lượng quân sự khá khiêm tốn. NATO bắt đầu chuẩn bị phòng thủ ở Baltic lần đầu vào năm 2010, sau khi Nga đưa quân vào Georgia.
Trong một diễn biến có liên quan, 6 chiếc máy bay chiến đấu CF-18 của Canada cũng tham gia chiến dịch ứng phó khủng hoảng tại Ukraine của NATO, sẽ được triển khai tại Romania.
Cũng trong ngày 28-4, Lầu Năm Góc thông báo phía Nga đã cam đoan với Mỹ rằng sẽ không xâm lược Ukraine. Phát ngôn viên bộ trên, Thiếu tướng Hải quân John Kirby, cho hay: "Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel đã điện đàm với người đồng cấp Nga Sergei Shoigu. Và Bộ trưởng Shoigu tái khẳng định lực lượng Nga sẽ không xâm lược Ukraine".
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cũng khẳng định không có dấu hiệu cho thấy quân Nga sắp tiến vào Ukraine dù có hoạt động triển khai binh lính ồ ạt dọc biên giới 2 nước.
Ngoài ra, ngoại trưởng Đức kêu gọi Nga hỗ trợ lập lại trật tự tại miền Đông Ukraine, đồng thời yêu cầu trả dự do cho các quan sát viên quân sự của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) - 4 trong số đó là người Đức - bị các phần tử ủng hộ Moscow bắt giữ.
Bình luận (0)