Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Ấn bày tỏ hy vọng những bước đi này sẽ thiết lập một mối quan hệ đối tác chiến lược lâu dài.
Tại cuộc họp báo sau cuộc gặp, ông Obama cho biết: “Đây là bước quan trọng cho thấy chúng tôi có thể làm việc cùng nhau để nâng cao mối quan hệ hai nước”.
Ấn Độ và Mỹ đã đạt được một thỏa thuận mang tính lịch sử cho phép New Delhi tiếp cận công nghệ hạt nhân dân sự của Washington. Tuy nhiên, thỏa thuận bị ngưng trệ do sự quan ngại của Mỹ liên quan đến pháp luật nghiêm ngặt của Ấn Độ về trách nhiệm pháp lý trong trường hợp xảy ra tai nạn hạt nhân.
Đại sứ Mỹ tại Ấn Độ Richard Verma cho biết thỏa thuận mới nhất nói trên giúp giải quyết những bất đồng về trách nhiệm pháp lý của nhà cung cấp tại Ấn Độ trong trường hợp xảy ra tai nạn hạt nhân và những đòi hỏi của Mỹ trong việc theo dõi nơi cung cấp nguyên liệu cho nước này.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đạt được đột phá trong hợp tác hạt nhân. Ảnh: Reuters
Ngoài đột phá hạt nhân, hai bên còn đạt được hiệp định khung về hợp tác quốc phòng với thời hạn 10 năm, và những thỏa thuận về phát triển máy bay không người lái, thiết bị cho máy bay vận chuyển quân sự C-130 của hãng Lockheed Martin Corp. Tuy nhiên ông Modi nhấn mạnh rằng vẫn còn nhiều việc cần làm để tạo ra mối quan hệ đối tác vững chắc giữa 2 nền dân chủ lớn nhất thế giới.
Trong ngày 26-1, ông Obama là tổng thống Mỹ đầu tiên được mời làm khách danh sự trong lễ diễu hành Ngày Cộng hòa Ấn Độ. Lời mời tham dự buổi lễ này là một trong những vinh dự lớn nhất mà Ấn Độ có thể dành cho một lãnh đạo nước ngoài, qua đó nhấn mạnh mối quan hệ ngày càng thân thiết giữa hai ông Obama và Modi.
Bình luận (0)