Có một số điểm khác biệt giữa 2 sắc lệnh. Thay đổi dễ thấy nhất là cái tên Iraq không còn trong “danh sách đen” bởi quốc gia này cam kết tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin và nhiều hoạt động liên quan khác trong lúc là đồng minh quan trọng trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, theo lời giới chức Mỹ.
Sắc lệnh mới áp đặt lệnh cấm cấp thị thực mới cho công dân đến từ 6 quốc gia đông dân Hồi giáo là Somalia, Iran, Syria, Sudan, Libya và Yemen trong vòng 3 tháng. Một số trường hợp ngoại lệ là người nước ngoài hoặc công dân đã có thị thực hợp lệ (tính đến ngày 6-3) đến từ 6 nước này. Đáng chú ý, những công dân là thường trú nhân (có thẻ xanh) ở Mỹ cũng không bị tác động bởi sắc lệnh mới. Điều chỉnh này là điều dễ hiểu sau khi các thẩm phán liên bang bày tỏ ra lo ngại về chuyện sắc lệnh cũ cấm đối tượng này vào Mỹ.
Một thay đổi khác liên quan đến người Syria: Họ không còn bị cấm nhập cảnh vô thời hạn mà sẽ bị đối xử tương tự công dân 5 nước còn lại trong “danh sách đen” mới. Lệnh cấm người tị nạn trong 4 tháng vẫn được duy trì. Tuy nhiên, những ai đã được chấp nhận trước đó vẫn được phép đến Mỹ. Lệnh cấm mới không nói gì đến sự ưu tiên dành cho “các tôn giáo thiểu số” và sẽ có hiệu lực sau đó 10 ngày (hôm 16-3), thay vì có hiệu lực ngay tức thì như sắc lệnh cũ ký ban hành hôm 27-1.
Theo AP, chính quyền ông Trump muốn tránh lặp lại cảnh tượng hỗn loạn tại các sân bay khi Bộ An ninh Nội địa vật lộn với việc xác định xem người nào thuộc diện bị cấm nhập cảnh.
Có thể thấy sắc lệnh cấm nhập cảnh mới đã được điều chỉnh để vừa bảo đảm mục tiêu đề ra - ngăn phần tử khủng bố xâm nhập Mỹ - vừa xoa dịu làn sóng chỉ trích và bảo đảm cơ hội “sống sót” cao hơn trong trường hợp bị đưa ra tòa. Dù vậy, tờ The New York Times chỉ ra rằng sắc lệnh mới vẫn vấp phải lỗi “cơ bản và trí mạng” là phân biệt đối xử tôn giáo trái phép. Theo tờ báo, những thay đổi nói trên không giúp giải quyết vấn đề căn cơ của sắc lệnh: Chính quyền ông Trump đang phát động cuộc chiến toàn diện nhằm vào đạo Hồi và người Hồi giáo. Toàn bộ 6 nước mà sắc lệnh nhắm đến có hơn 90% dân số là người Hồi giáo. Thậm chí, tỉ lệ này tại 3 nước Iran, Somalia và Yemen là hơn 99%.
Thêm một điều bất thường khác: sắc lệnh không cấm công dân đến từ Iraq dù đây là quốc gia đang có các phần tử IS hoạt động. Hơn nữa, thủ phạm của những vụ tấn công đình đám trên lãnh thổ Mỹ thời gian qua không liên quan gì đến 6 nước bị nêu tên. Vì thế, đài BBC nhận định không rõ sắc lệnh mới có làm được gì để ngăn nước Mỹ trở thành mục tiêu của những vụ tấn công mới.
Không có gì lạ khi phe chỉ trích cho biết họ sẽ trở lại tòa án và lập luận rằng cần phải tiếp tục ngăn chặn sắc lệnh mới vì nó vẫn “phân biệt đối xử” người Hồi giáo.
Bà Marielena Hincapie, Giám đốc điều hành Trung tâm Luật nhập cư quốc gia ở TP Los Angeles, gọi sắc lệnh mới không khác gì phiên bản “Lệnh cấm người Hồi giáo 2.0” cho dù có được chỉnh sửa thế nào. Tương tự, ông David Cole, giám đốc pháp lý quốc gia của Liên minh các quyền tự do dân sự Mỹ (ACLU) nhận định sắc lệnh vẫn vi hiến vì lấy cớ bảo vệ an ninh quốc gia để phân biệt đối xử tôn giáo.
Chưa gì mà Tổng Chưởng lý bang New York, ông Eric Schneiderman, hôm 6-3, ra cảnh báo văn phòng ông đang xem xét kỹ lệnh cấm mới và sẵn sàng đưa chính quyền ông Trump ra tòa khi cần. “Nóng ruột” hơn, Ủy ban Chống phân biệt đối xử Mỹ - Ả Rập (ADC) lập tức kêu gọi quyên tiền cho các trận chiến pháp lý sắp tới.
Bình luận (0)