Truyền thông Hàn Quốc ngày 19-8 đưa ra thêm 2 vụ quan chức Triều Tiên đào tẩu khi công tác ở nước ngoài.
Nguồn tin đáng giá
Vụ đầu tiên là một quan chức Triều Tiên đảm trách quản lý tiền bạc của nhà lãnh đạo Kim Jong-un ở châu Âu biến mất, làm dấy lên nghi ngờ ông ta có thể đã đào tẩu cùng số tiền lên đến nhiều tỉ USD. Vụ thứ hai là quan chức ngoại giao Kim Chor-sen ở Đại sứ quán Triều Tiên tại Moscow - Nga có thể đã chạy sang Hàn Quốc sau khi mất tích từ tháng 7 vừa qua. Chấn động hơn cả là vụ Phó Đại sứ Triều Tiên tại Anh, ông Thae Yong-ho, cùng gia đình đào tẩu sang Hàn Quốc cách đây mấy ngày.
Hiện có gần 27.000 công dân Triều Tiên sống ở Hàn Quốc, đa số phải vật lộn để hòa nhập với môi trường mới. Tuy nhiên, những quan chức cấp cao như ông Thae được giới chức Hàn Quốc xem là nguồn tin giá trị. Họ sẽ được bảo vệ cẩn mật, sống sung túc với công việc ở Viện Chiến lược An ninh quốc gia (INSS), cơ quan trực thuộc Cục Tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS). Điển hình trường hợp này là ông Kim Kwang-jin - người Triều Tiên đào tẩu cùng gia đình vào năm 2003 khi đang làm việc cho một hãng bảo hiểm của Triều Tiên ở Singapore.
Ông Choi Ju-hwal, cựu đại tá Triều Tiên bỏ trốn khi đang đi công tác ở Trung Quốc vào năm 1995, cũng làm việc ở INSS từ năm 1997-2012 trước khi chuyển sang điều hành Hiệp hội Người đào tẩu Triều Tiên.
Nhận xét về trường hợp ông Thae Yong-ho, ông Choi cho rằng nhà ngoại giao này nhiều khả năng sẽ sống ẩn dật ở Hàn Quốc để bảo vệ gia đình. Theo ông Choi, có tới 4 cảnh sát vũ trang bảo vệ ông 24/24 giờ trong 2 năm đầu ở Hàn Quốc trước khi giảm bớt, còn ông Kim cũng được theo sát bởi 1 vệ sĩ.
Tâm lý phức tạp
Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, trong năm 2015, có 1.277 người từ Triều Tiên vào Hàn Quốc, giảm hơn 50% so với năm 2011. Tuy nhiên, trong 7 tháng đầu năm nay, số lượng người đào tẩu bắt đầu tăng lại với 814 người, trong đó có vụ 13 nhân viên của một nhà hàng Triều Tiên ở Trung Quốc đồng loạt bỏ trốn sang Hàn Quốc cách đây vài tháng.
Đặc biệt, số quan chức đào tẩu cũng gia tăng và xu hướng này bắt đầu kể từ khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un xử tử người dượng quyền lực Jang Song-thaek năm 2013, theo các chuyên gia.
Đối với những người dân thường, họ phải trải qua hành trình dài và đầy rủi ro để vượt qua biên giới Triều Tiên - Trung Quốc, từ đó tới một nước thứ ba rồi mới sang Hàn Quốc. Khi đến miền Nam, họ bị biệt giam tối đa 180 ngày để chắc chắn không phải là gián điệp hay kẻ lừa đảo.
Tiếp đó, họ được chuyển tới một khu tái định cư trong 12 tuần để học làm quen với cuộc sống ở miền Nam. Kết thúc thời gian này, mỗi người đào tẩu nhận được 18.000 USD để tìm nhà ở và việc làm. Một số trích tiền trợ cấp này trả cho những người môi giới giúp họ trốn khỏi Triều Tiên.
Nhiều người sau đó xin vào các nhà hàng và thường làm việc ở những vị trí có lương thấp, chỉ bằng 67% mức lương trung bình của Hàn Quốc. Việc học tập và lập gia đình của họ cũng gặp khó khăn. Hãng tin Reuters cho biết thêm một số người đào tẩu phải thay đổi tên họ, phần để bảo vệ người thân còn ở Triều Tiên, phần để che giấu gốc gác miền Bắc.
Theo AP, ngoài Hàn Quốc còn có hàng ngàn người Triều Tiên sống chui nhủi ở Trung Quốc, thường làm các công việc chân tay có thu nhập thấp. Trong khi đó, tờ USA Today cho biết có gần 700 người đào tẩu Triều Tiên đang trú ngụ hợp pháp và hàng trăm người khác sống chui ở Anh, phần nhiều tập trung tại khu ngoại ô New Malden phía Tây Nam London.
Dù ở đâu thì tâm lý của họ cũng rất phức tạp với những ký ức không thể nguôi ngoai. Với họ, Triều Tiên là quê nhà, là nơi để lại sau lưng, là sự trộn lẫn giữa ghét bỏ và nhớ thương. Họ nhớ người thân, bạn bè, những điệu nhảy vào ngày nghỉ, những món ăn đường phố. “Tôi nhớ những người thân quen mọi lúc. Mỗi khi ăn một bữa ngon, tôi lại nghĩ đến họ” - một nhân viên cửa hàng tiện lợi Hàn Quốc đã rời bỏ Triều Tiên 10 năm trước cùng gia đình tâm sự.
Đặc biệt, một số người đào tẩu thậm chí nhớ 3 thế hệ của gia tộc họ Kim đã nắm quyền gần 70 năm ở Triều Tiên - các ông Kim Nhật Thành (Kim Il-sung), Kim Jong-il, Kim Jong-un.
Một cựu cảnh sát Triều Tiên nói nước ông chi hàng tỉ USD cho quân sự, khiến nhiều người dân đói khát. Nhưng một nước nhỏ và nghèo như Triều Tiên vẫn đứng vững giữa sự cô lập của thế giới. Theo ông, mỗi khi Bình Nhưỡng thử hạt nhân hay tên lửa cũng là lúc các nhà lãnh đạo chứng tỏ họ không bị khuất phục. “Có thể đó là cách Kim Jong-un bảo vệ gia đình, người dân và đất nước. Nếu tôi ở vị trí ông ấy, chắc tôi cũng làm thế” - người này nói với niềm tự hào.
Nhiều người, như viên cựu cảnh sát này, không hòa nhập được với cuộc sống ở Hàn Quốc. Họ luôn nơm nớp lo bị phân biệt đối xử và ít khi làm được việc gì lâu dài. Với họ, Hàn Quốc đã mất đi tính truyền thống, trở thành một xã hội phương Tây thực dụng và cạnh tranh khốc liệt. Những khó khăn này khiến họ nhiều lúc muốn trở về Triều Tiên để sống lại cuộc sống mà mọi việc có vẻ đơn giản hơn rất nhiều.
Bình luận (0)