Hai bộ trưởng trong nội các của Thủ tướng Shinzo Abe đã từ chức trong tuần trước, chưa đầy hai tháng nhận nhiệm sở, sau khi họ bị cáo buộc về hành vi hối lộ. Trước tiên là Bộ trưởng Thương mại Isshu Sugawara. Ông Sugawara bị cáo buộc vi phạm luật bầu cử khi tặng quà là dưa lưới và cua cho cử tri trong khu vực bầu cử ở Tokyo.
Có lần ông nhờ thư ký gửi tiền phúng điếu tới đám tang của một người hết mình ủng hộ ông. Theo Hãng thông tấn Kyodo, trong phong bì là 20.000 yen (gần 4,25 triệu đồng) và bên ngoài ghi tên ông Sugawara. Một vài tờ báo địa phương còn chụp được bức ảnh người thư ký của ông Sugawara đang cúi đầu và đưa phúng điếu cho gia đình người mất vào hôm 17-10.
Bộ trưởng Thương mại Isshu Sugawara từ chức sau khi bị cáo buộc tặng dưa và cua cho cử tri. Ảnh: AP
Chưa đầy một tuần, Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản Katsuyuki Kawai tuyên bố từ chức sau khi các phương tiện truyền thông đưa tin rằng bộ của ông đã hối lộ cho các cử tri bằng ngô, khoai. Thông thường giỏ quà của ông Kawai gửi cho các cử tri lúc nào cũng có khoai tây và bắp. Thi thoảng nhỉnh hơn một chút lại có thêm vài trái xoài - thứ trái cây được xem như xa xỉ ở Nhật Bản.
Ngoài ra, nguyên nhân ông Kawai quyết định ra đi phần cũng vì vợ ông là bà Anri Kawai, người đắc cử vào Thượng viện hồi tháng 7. Theo cáo buộc của tuần báo Shukan Bunshun, cấp dưới của bà Anri Kawai trả 30.000 yen (khoảng 6,4 triệu đồng) mỗi ngày cho các nữ nhân viên dán khẩu hiệu trên các xe của đội vận động bầu cử. Mức trả này vượt qua giới hạn cho phép là 15.000 yen/ngày. Chưa hết, thư ký của bà Kawai cũng tặng quà là khoai tây, ngô và xoài cho các cử tri địa phương trong tháng này.
Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản Katsuyuki Kawai trả lời phóng viên sau khi gửi đơn từ chức hôm 31-10. Ảnh: ASAHI
Cả hai đều nhanh chóng từ chức vì họ không muốn các cuộc điều tra ảnh hưởng đến công tác quản lý đất nước. Theo tờ New York Times, đây là "lối thoát nhanh chóng", cho thấy ông Abe đang kiểm soát chặt chẽ bất cứ điều gì có thể gây bất ổn cho chính phủ của ông. Tính đến cuối tháng này, ông Abe sẽ trở thành thủ tướng nắm quyền lâu nhất ở Nhật Bản.
Nói cho đến cùng thì ở Nhật Bản, việc tặng quà dính dáng đến chính trị là không được phép. Luật pháp Nhật Bản quy định hạn mức chính xác số tiền các ứng viên trả cho các nhân viên làm việc cho chiến dịch tranh cử của họ. Những quy định này nhằm ngăn chặn tình trạng những nhân vật lắm tiền có thể giành được ưu thế không công bằng trong chính trị.
"Đây không phải là vấn đề, cho dù đó là 10.000 yen hay 1 triệu yen. Ngay cả khi đó chỉ là 10 yen hoặc 100 yen, thì việc các chính trị gia vi phạm quy tắc đó là không được" - giáo sư khoa học chính trị Hiroshi Shiratori của Đại học Hosei ở Tokyo cho biết. Ở chiều ngược lại, Yujin Yaguchi, giáo sư nghiên cứu về Mỹ tại Đại học Tokyo, cho rằng vấn đề ở đây là cách Nhật Bản tuân thủ một cách cứng nhắc các quy định, không nhìn nhận một bức tranh lớn hơn và cả những vấn đề phía sau đó.
Nhật Bản đưa ra các quy tắc nghiêm ngặt về tặng quà trong chính trường kể từ một số vụ bê bối liên quan tới số tiền hàng triệu USD làm rung chuyển Nhật Bản trong thập niên 1970 và 1980. Cựu Thủ tướng Nhật Bản Kakuei Tanaka đã bị kết tội vào năm 1983 khi nhận hối lộ 2,1 triệu USD để dàn xếp thương vụ mua máy bay Lockheed cho hãng hàng không All Nippon Airways (Nhật Bản).
Tặng quà là một phần quan trọng của văn hóa Nhật Bản. Chẳng hạn như khách không bao giờ đến tay không. Các công ty tặng quà giữa năm và cuối năm cho khách hàng; hễ viếng tang thì gửi chút tiền phúng điếu nhằm giúp tang quyến chi trả các kinh phí và thường được đáp lễ lại bằng món quà là trà hoặc rong biển khô.
Bình luận (0)