Cuộc họp bắt đầu lúc 16 giờ 45 phút ngày 17-11 (giờ địa phương), kéo dài khoảng 90 phút tại Tháp Trump ở trung tâm TP New York. Tham dự cuộc họp ngoài 2 nhân vật chính Donald Trump và Thủ tướng Abe còn có Ivanka, ái nữ của ông Trump, chồng cô Jared Kushner và Phó Tổng thống đắc cử Mike Pence.
Không ai biết lý do tại sao ông Trump lại để vợ chồng con gái tham dự cuộc họp. Điều này một lần nữa đặt ra câu hỏi liệu ông Trump có thể giải quyết thỏa đáng mối xung đột lợi ích giữa một bên là gia đình và một bên là chính phủ.
Tổng thống Mỹ đắc cử từng gây tranh cãi khi đề xuất cho 3 người con ruột của mình cùng chàng rể quý Kushner hưởng đặc quyền an ninh dù họ không nằm trong bộ máy chính quyền. Đề xuất của ông Trump bị cho là đi ngược lại tinh thần của Đạo luật chống gia đình trị ban hành năm 1967, trong đó ngăn chặn thành viên gia đình các lãnh đạo được ưu ái và hưởng lợi từ quyền lực có được. Tuy nhiên, ông Trump đã phủ nhận chuyện đề xuất này.
Sau cuộc họp tại Tháp Trump, nhà lãnh đạo Nhật Bản nói với phóng viên: “Chúng tôi có một cuộc nói chuyện rất thẳng thắn trong bầu không khí ấm áp, trong một khoảng thời gian khá lâu”. Ông chỉ dừng lại ở nhận xét này và không tiết lộ nội dung chi tiết cuộc họp.
Vừa cảm ơn ông Trump dành thời gian tiếp đón mình dù công việc kinh doanh bận rộn, Thủ tướng Abe vừa bày tỏ hy vọng ông và tổng thống đắc cử Mỹ sẽ thiết lập được một mối quan hệ đáng tin cậy. Ông Abe cũng mô tả Trump là nhà lãnh đạo mà ông có thể tin tưởng.
“Nếu không có sự tin tưởng giữa hai quốc gia, liên minh của chúng ta sẽ không tồn tại và phát triển trong tương lai” – ông Abe nhấn mạnh.
Ảnh: Reuters
Khi ông Trump tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống 2016, Tokyo đã lo ngại Washington có thể rút binh lính ra khỏi khu vực, nơi họ giúp đỡ các đồng minh như Hàn Quốc và Nhật Bản đối trọng với Trung Quốc. Thêm vào đó, Nhật Bản có thể phải tự đầu tư vào lĩnh vực vũ khí hạt nhân của mình.
Ông Trump cũng cam kết sẽ ngăn chặn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vì nó “khiến người Mỹ mất việc làm”. Đó sẽ là tin xấu đối với Nhật Bản, nước phê chuẩn TPP hồi tuần trước. Hiệp định được xem là cửa thoát của Tokyo trước tình trạng kinh tế trì trệ nhiều năm qua do dân số suy giảm và lão hóa.
TPP có thể giúp Nhật Bản tăng xuất khẩu, đạt thu nhập bổ sung 125 tỉ USD/năm vào năm 2030 và tăng 2,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Bình luận (0)