Cuộc khủng hoảng người di cư từ Myanmar và Bangladesh đang trở thành bài toán khó đối với ASEAN cũng như thử thách thiện chí của cộng đồng quốc tế đối với Myanmar.
“Những năm gần đây, nhiều tin tức không mấy tốt đẹp đã vượt khỏi lãnh thổ Myanmar, như các vụ bạo động chống Hồi giáo. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ của Myanmar với phương Tây” - ông Richard Horsey, nhà phân tích chính trị tại TP Yangon - Myanmar, nhận định với báo The Straits Times hôm 18-5.
Theo lời một nhà phân tích của Bangladesh giấu tên, Myanmar còn đối mặt với sức ép từ một số nước thành viên ASEAN khác. Hồi tuần trước, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Malaysia Wan Junaidi Tuanku Jaafar tuyên bố: “Chúng ta cần gửi một thông điệp mạnh mẽ đến Myanmar rằng họ phải đối xử có tình với người dân mình”.
Phó Thủ tướng Malaysia, ông Tan Muhyiddin Yassin, cũng phàn nàn: “Trách nhiệm của chính phủ Myanmar là gì?… Liệu có bất cứ khía cạnh nhân đạo nào để họ tự giải quyết vấn đề này trong nội bộ không?”. Ông Yassin nói thêm rằng không nên để các nước thành viên khác của ASEAN phải chịu gánh nặng này. Chưa hết, trong một cuộc phỏng vấn mới đây, cựu Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan nhận định: “Người Thái có dính líu đến nạn buôn người nhưng rõ ràng xuất phát điểm của khủng hoảng là từ một nước khác”…
Ông Charles Santiago, thành viên quốc hội Malaysia, viết trên nhật báo Jakarta Post vào cuối tuần trước rằng sự cần thiết phải có hành động phối hợp giữa các nước trong khu vực là điều quá rõ ràng. Song song đó, Mỹ cho biết sẽ tiếp tục theo dõi tình hình di cư tại Myanmar và duy trì một số biện pháp trừng phạt đối với nước này.
Myanmar cho đến giờ vẫn phủ nhận họ là nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng trên với lập luận không phải tất cả người di cư đều là người Rohingya Hồi giáo. Tuy nhiên, trong dấu hiệu cho thấy sự nhượng bộ, Bộ trưởng Thông tin Myanmar Ye Htut nói hôm 18-5: “Thay vì đổ hết lỗi cho Myanmar, các nước trong khu vực cần chung tay giải quyết khủng hoảng”.
Người Rohingya Hồi giáo đang là trọng tâm của cuộc khủng hoảng di cư. Myanmar gọi họ là “người Bengal” và khẳng định họ nhập cư trái phép từ Bangladesh. Ở bang Rakhine nghèo khó, hơn 100.000 người Rohingya đang sống trong cảnh tạm bợ và cư dân bản địa không hài lòng khi bị họ tranh giành việc làm và nguồn tài nguyên. “Nhiều người không có lựa chọn nào ngoài việc ra khơi, ấp ủ hy vọng về một cuộc sống tốt hơn” - nhà phân tích Bangladesh nói.
Tuy nhiên, những gì diễn ra gần đây vạch trần cơn ác mộng đối với người di cư bị bọn buôn người bỏ rơi trên biển. 3 người đàn ông vừa được cứu sống ngoài khơi Indonesia kể với đài BBC về cuộc chiến sinh tồn khốc liệt trên chiếc thuyền trôi dạt. Vì tranh nhau chút thực phẩm còn sót lại, nhiều người đã bị đâm, bị treo cổ hoặc ném xuống biển khiến khoảng 100 người bỏ mạng.
Người nhập cư tại tỉnh Aceh - Indonesia. Nguồn: Reuters
Bình luận (0)