Ngày 26-5 (giờ địa phương), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân cùng đoàn cấp cao Việt Nam hạ cánh xuống sân bay Stockholm Arlanda, thủ đô Stockholm, bắt đầu chuyến thăm chính thức Vương quốc Thụy Điển.
Trong 3 ngày tại Thụy Điển, Thủ tướng sẽ có hội đàm với Thủ tướng Thụy Điển Stefan Löfven, chào xã giao Nhà vua Thụy Điển và dự chiêu đãi của Chủ tịch Quốc hội Thụy Điển. Thủ tướng hai nước cũng chứng kiến một loạt văn kiện dự kiến được ký kết giữa hai nước. Thủ tướng cũng dự và phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Thụy Điển - Việt Nam và chứng kiến việc ký kết hợp tác giữa doanh nghiệp hai bên… Tiếp đó, Thủ tướng sẽ đến thăm và gặp một số lãnh đạo tập đoàn hàng đầu nước bạn như Tập đoàn Dược phẩm AstraZeneca, Tập đoàn Công nghệ Ericsson…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Na Uy Erna Solberg Ảnh: QUANG HIẾU
Trước đó, ngày 25-5, trước khi rời Oslo - Na Uy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khảo sát hai mô hình dịch vụ ngoài biển và sản xuất vắc-xin cho cá; gặp và nói chuyện với cộng đồng người Việt Nam tại Na Uy… Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Na Uy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Na Uy Erna Solberg đã ra tuyên bố chung. Theo đó, hai Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước việc quan hệ Việt Nam - Na Uy không ngừng được củng cố và mở rộng; đồng thời đánh giá cao sự phát triển quan hệ ngoại giao, quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt giữa hai nước trong hơn 4 thập kỷ qua.
Đáng chú ý, hai Thủ tướng hoan nghênh sự phát triển ngày càng sâu rộng trong quan hệ hợp tác kinh tế song phương, nhất là trong các lĩnh vực lâm nghiệp, bảo vệ môi trường, nuôi trồng đánh bắt thủy hải sản, năng lượng tái tạo, khí hóa lỏng, vận tải biển và đóng tàu; khẳng định quyết tâm của Việt Nam và Na Uy tiếp tục tăng cường hợp tác thương mại - đầu tư bền vững và bao trùm; tái khẳng định cam kết sớm hoàn tất đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) toàn diện và sâu rộng giữa Việt Nam và Khối Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA).
Hai Thủ tướng khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp hai nước thúc đẩy và mở rộng hợp tác đầu tư kinh doanh, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên của hợp tác song phương, như các ngành kinh tế biển, năng lượng xanh và tái tạo, công nghệ thông tin và hàng tiêu dùng.
Cả Na Uy và Việt Nam nhất trí về tầm quan trọng của pháp quyền, quyền con người cũng như tầm quan trọng của việc thực hiện Tuyên bố về các nguyên tắc cơ bản và các quyền tại nơi làm việc của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng như các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do khu vực và quốc tế. Hai bên cho rằng sẽ là cơ hội tốt để hai nước tăng cường hợp tác nhằm thúc đẩy hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế nếu được bầu làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2021 và Na Uy nhiệm kỳ 2021-2022.
Hai bên ủng hộ các nỗ lực thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và hữu nghị tại khu vực Đông Nam Á; tái khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm tự do, các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), là khuôn khổ pháp lý quy định mọi hoạt động trên biển và đại dương; kêu gọi các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Bình luận (0)